Hàng xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào trước mức thuế đối ứng của Mỹ?

Phạm Sinh

Phóng viên

Theo nhiều chuyên gia, việc Mỹ áp thuế đối ứng 20% với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ và 0% từ Mỹ vào Việt Nam có thể mang lại cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu nước ta. Tuy nhiên về cơ bản, đây vẫn là một con số có thể là chấp nhận được so với khu vực…

Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận mức thuế đối ứng

Vào 20h00 ngày 2/7/2025 (theo giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ  Donald Trump về quan hệ Việt Nam – Mỹ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.

Tại cuộc điện đàm hai nhà lãnh đạo đã thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt, đột phá như khoa học, công nghệ cao.

 Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị phía Mỹ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao.

Hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam bị Mỹ đánh thuế đối ứng 20% - ảnh minh họa
Hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam bị Mỹ đánh thuế đối ứng 20% – ảnh minh họa

Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó có xe ô tô phân khối lớn.

Đồng thời, khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên. 

Đến 21h25p ngày 2/7 (theo giờ Việt Nam), trên trang mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Donald Trump cho biết, đã đạt một thỏa thuận thương mại với Việt Nam.

Theo đó, mọi hàng hóa từ Việt Nam sẽ phải chịu thuế quan 20% khi vào Mỹ. Đây là mức thuế được Tổng thống Trump mô tả là “công bằng và cần thiết để bảo vệ công nhân Mỹ”.

Bên cạnh đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế lên đến 40% đối với mọi hàng hóa “trung chuyển” (transshipping). Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về các mặt hàng sẽ chịu thuế cụ thể.

Cùng với đó, ông Trump cũng cho biết, hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam sẽ chịu mức thuế nhập khẩu là 0%.

Đây là kết quả sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng công tác của Chính phủ với phía Mỹ.

Như vậy, với những mức thuế này dù đã giảm đáng kể so với mức 46% từng được đưa ra trước đó, nhưng vẫn là một con số có thể là chấp nhận được so với khu vực. 

Chuyên gia nhận định gì về mức thuế 20% xuất khẩu vào Mỹ

Liên quan đến mức thuế nêu trên, trao đổi trên VnEconomy, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng, có 3 khả năng, một là sẽ có khoảng khung áp thuế 10-20%; hai là áp đồng đều lên các mặt hàng 20%; ba là 20% là mức trung bình (nghĩa là cũng sẽ có các ngành chịu mức thuế trên 20%).

Như vậy, nếu khung thuế quan từ 10-20% cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam thì cũng là dấu hiệu tích cực mặc dù nó vẫn cao hơn so với kỳ vọng trước đó là 10-15%. Do đó, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vẫn có thể cao hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên cần chờ quan sát thêm mức thuế cụ thể cho từng quốc gia– ông Minh nhận định.

Cũng theo ông Minh, nhìn chung vẫn chưa có mức áp dụng cụ thể và quy định chi tiết cho từng ngành hàng chịu thuế. Tuy nhiên, trong thông điệp lần này của Tổng thống Trump đó là giảm đáng kể thuế quan cho hàng hóa Việt Nam cho thấy tín hiệu tích cực trong đàm phán.

Ngoài việc chi tiết các hàng hóa sẽ có mức áp thuế cụ thể thì vấn đề mà chúng ta cần xem xét đến nữa đó là các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng cho các quốc gia khác là bao nhiêu mới có thể đánh giá sự ảnh hưởng của FDI” – ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta. 
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta. 

Ông Minh cũng cho rằng, kết quả đàm phán lần này vẫn mới chỉ đưa ra bộ khung (đã giảm so với bộ khung thời điểm 02/04/2025) và vẫn chưa có kết quả cụ thể nào nhưng căng thẳng về cơ bản đã hạ nhiệt…

Cũng trên VnEconomy, ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cho rằng, việc chốt thỏa thuận thuế đối ứng sớm với Mỹ cho thấy một tin tương đối tích cực đối với Việt Nam. Trong số đối tác thương mại lớn của Mỹ, Việt Nam là quốc gia thứ 3 đàm phán xong, điều này thể hiện Mỹ coi Việt Nam là đối tác lớn.

Về con số, 20% được nhận định là cao song đâu đấy vẫn nằm ở giữa mức thuế tối thiểu 10% – 30% mà Mỹ áp cho Trung Quốc. Như vậy, với Việt Nam đây là mức chấp nhận được. Lưu ý cũng chưa chắc chắn đây là con số cuối cùng vì quá trình đàm phán còn tiếp diễn, không phải tất cả các mặt hàng đều 20%” – ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI. 
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI. 

Yếu tố quan trọng hơn cả thuế là quy tắc xuất xứ, vì nếu thuế 20% đi kèm quy tắc xuất xứ sẽ tương đối dễ thở cho hàng hóa Việt Nam. Chúng ta không nhất thiết cần thuế quá thấp mà lại kèm quy tắc xuất xứ cao.

Bên cạnh đó, so với mức thuế Mỹ áp với Việt Nam và với các quốc gia khác, nếu mức chênh lệch không cao thì cũng không phải là lí do cho nhà đầu tư nước ngoài rời Việt Nam.

Chính phủ cũng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nếu họ bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng như tiếp cận đất đai, tiền thuê đất khu công nghiệp thấp hơn, hay  hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho nhà đầu tư vào công nghệ cao, ngân sách địa phương hỗ trợ…

Mức thuế 20% không phải tiêu cực, đây là yếu tố tích cực cho Việt Nam, giảm rủi ro cho nhà đầu tư trước thềm 9/7. Mức thuế áp cho Việt Nam nếu so với các mức thuế khác ở các quốc gia khác thì cũng chỉ là mức trung tính” – ông Phạm Lưu Hưng nhấn mạnh. 

Chia sẻ với Chinhphu.vn, ông Dương Đức Quang – Phó Tổng giám đốc MXV nhận định, trong bối cảnh này các doanh nghiệp kinh doanh nông sản ở cả Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là các nhà xuất nhập khẩu, cần xem xét và tính toán kỹ lưỡng hơn về chiến lược phòng ngừa rủi ro của mình thông qua các hợp đồng phái sinh như là hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn.

Ông Quang cũng lưu ý, sự thay đổi về thuế quan và dòng chảy thương mại có thể làm tăng hoặc giảm rủi ro về giá, buộc họ phải điều chỉnh vị thế trên thị trường tương lai.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần cập nhật thường xuyên các tin tức kinh tế và chính trị, đồng thời áp dụng các chiến lược quản trị rủi ro như đặt lệnh dừng lỗ (stop loss) để giảm thiểu tác động từ biến động giá

Trong một kịch bản lạc quan khác, nếu thỏa thuận này giúp ổn định hoặc thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Việt Nam nhờ dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào hoặc ít bị ảnh hưởng hơn so với các kịch bản thuế cao hơn, nhu cầu về kim loại công nghiệp như đồng, nhôm, thép để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có thể duy trì hoặc tăng trưởng – ông Quanh nhấn mạnh.

 Cũng theo ông Dương Đức Quang, việc Mỹ áp thuế 20% với hàng Việt Nam và đặc biệt là 40% đối với hàng trung chuyển sẽ khiến các doanh nghiệp phải xem xét lại chuỗi cung ứng, qua đó tác động đáng kể lên giá hàng nhập khẩu và giá hàng hóa giao dịch trên thế giới.

Bên cạnh đó, chia sẻ trên Tạp chí Nhà đầu tư (nhaduatu.vn) PGS.TS Trần Việt Dũng – Viện trưởng Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết, mức thuế đối ứng 20%, giảm từ mức đề xuất ban đầu 46% vào tháng 4/2025 có thể được coi là một thắng lợi giúp hàng hóa Việt duy trì sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ – nơi chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu (119,5 tỷ USD năm 2024).

So với các đối thủ ASEAN (mức thuế tạm thời) như Thái Lan (36%), Malaysia (25%), hay Campuchia (36%) thì Việt Nam có lợi thế rõ rệt trong các ngành điện tử, dệt may, đồ gỗ, và thủy sản…

Chính sách thuế của Hoa Kỳ có tác động như thế nào đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam?

Về cơ bản, thỏa thuận thuế quan giữa Mỹ và Việt nam có thể mang lại cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam. Khi giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận nguyên vật liệu, công nghệ, máy móc thiết bị với chi phí thấp hơn, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. 

Ngược lại, việc Mỹ áp thuế đối ứng 20% với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ, gây khó khăn cho các xuất khẩu.

PGS.TS Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.
PGS.TS Trần Việt Dũng – Viện trưởng Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.

Nhận định cụ thể về sự ảnh hưởng của thuế đối ứng mà Mỹ vừa áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, PGS.TS Trần Việt Dũng cho rằng, tùy sự cạnh tranh của từng ngành hàng trên thị trường thế giới và khu vực.

Theo ông Dũng, ngành điện tử, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 35 tỷ USD năm 2024, vẫn là trụ cột kinh tế của Việt Nam, nhờ sự đầu tư của các tập đoàn lớn như Samsung và Intel.

Đối với mức thuế đối ứng 20% giúp Việt Nam vượt trội so với Thái Lan (36%) và Malaysia (25%), nhưng nguy cơ từ thuế ngành 25-50% là rất lớn, đặc biệt với các sản phẩm linh kiện bán dẫn phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc.

Nếu không minh bạch hóa chuỗi cung ứng, giá sản phẩm điện tử Việt Nam có thể tăng, khiến các tập đoàn chuyển đơn hàng sang Thái Lan, nơi có tỷ lệ nội địa hóa linh kiện cao hơn nhờ các cụm công nghiệp phát triển. Malaysia, với nền tảng sản xuất chip bán dẫn mạnh, cũng là mối đe dọa nếu Việt Nam không nâng cấp năng lực sản xuất – PGS.TS Trần Việt Dũng cho biết.

Trong khi đó, ngành dệt may chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ (khoảng 19 tỷ USD năm 2024), đang cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Bangladesh, và Campuchia.

Thuế đối ứng 20% sẽ giúp Việt Nam vượt xa Campuchia (36%), nhưng sự phụ thuộc vào 60% nguyên liệu vải từ Trung Quốc khiến ngành này dễ bị áp thuế ngành hoặc thuế trung chuyển.

Đối với ngành gỗ, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sang Mỹ (sau Trung Quốc), hưởng lợi từ thuế đối ứng thấp hơn Indonesia (32%). Tuy nhiên, yêu cầu minh bạch nguồn gốc gỗ, đặc biệt khi Việt Nam nhập một phần gỗ từ Trung Quốc hoặc các nguồn không rõ ràng, khiến ngành này dễ bị áp thuế ngành. Bên cạnh đó, Ấn Độ, với nguồn gỗ nội địa dồi dào và kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tăng 15% năm 2024, đang nổi lên như một đối thủ lớn…

Ngành thủy sản, đặc biệt tôm và cá tra – thế mạnh của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 14 tỷ USD năm 2024.

Thuế đối ứng 20% giúp Việt Nam vượt xa Thái Lan và Indonesia, nhưng thuế ngành có thể làm tăng giá sản phẩm…

PGS.TS Trần Việt Dũng đánh giá, mức thuế đối ứng ưu đãi mang lại lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ ASEAN, nhưng thuế ngành và thuế trung chuyển là những thách thức đòi hỏi sự minh bạch, cải cách và chiến lược cạnh tranh linh hoạt.

Cần đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc, đàm phán linh hoạt, đa dạng hóa thị trường, và nâng cấp năng lực sản xuất, Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội, không chỉ duy trì thị phần tại Mỹ mà còn khẳng định vị thế trung tâm sản xuất  thương mại hàng đầu châu Á – ông Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nếu không hành động kịp thời, nguy cơ mất đơn hàng, tăng giá thành, và tổn thất kinh tế sẽ là cái giá đắt mà Việt Nam phải trả, đặc biệt trước sự cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ, và Bangladesh….

Phạm Sinh

BÀI LIÊN QUAN