Theo đó, ngày 23/5, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị.
“Người dân đang rất hoang mang, ra đường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là hàng giả, hàng nhái…” – Bộ trưởng Bộ y tế cho hay.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Y tế, do lợi nhuận cao nên các đối tượng làm ăn không chính đáng đã có nhiều hành vi vi phạm tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.
Vì vậy, cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể xã hội…
Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử và mạng xã hội phát triển nhanh chóng, việc quản lý các sản phẩm y tế càng trở nên phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe và tính mạng người dân.
“Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Bộ Y tế cũng sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay hoặc bao che cho các hoạt động sai phạm” – Bà Lan khẳng định.
Cũng theo bà Lan, từ thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm trong thời gian qua là do cơ chế hậu kiểm tại địa phương chưa được triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ.
Với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Thế nhưng thời gian qua, nhiều mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ sau khi lưu thông ra thị trường.
Do đó, cần đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm, giao quyền cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện trên cơ sở rà soát, đánh giá thực tiễn.
Bà Lan lấy vì dụ, lực lượng hậu kiểm ít thì phối hợp cùng các trung tâm kiểm nghiệm ở địa phương. Tại 63 tỉnh, thành hiện có hơn 2.000 người tại các trung tâm kiểm nghiệm hoặc có thể phối hợp với các cơ quan, ban ngành khác.
“Phải đánh giá nguy cơ, thấy mặt hàng nào nguy cơ cao thì tập trung hậu kiểm. Phương thức cũng cần phù hợp chứ không phải trống giong cờ mở, thông báo trước. Thậm chí, có thể là người đứng đầu đơn vị trực tiếp đi làm, không cần thành lập đoàn đội; có giải pháp đột phá hơn, cứ túc tắc 3 – 5 người đi kiểm tra thì không thể giải quyết” – bà Lan cho biết.
Đại diện bộ Y tế cũng cho hay, cùng với các địa phương trong cả nước, trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý an toàn thực phẩm, siết chặt quản lý hoạt động đăng ký, quảng cáo, lưu hành, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra chặt chẽ việc công bố sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử, cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm sản xuất kinh doanh thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, thiết bị y tế giả.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân nâng cao cảnh giác, cùng tham gia phát hiện và lên án hành vi buôn bán hàng giả là các sản phẩm trong lĩnh vực quản lý của bộ.
Cùng với đó, Bộ Y tế khẳng định cam kết hành động quyết liệt, đồng bộ và liên tục để bảo vệ sức khỏe nhân dân, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và sự phát triển lành mạnh của ngành y tế.
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ năm 2020 đến tháng 5/2025, Cục đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại trên 400 cơ sở thực phẩm, xử lý 198 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 23,76 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đã chuyển cơ quan công an 31 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, chứa chất cấm, sử dụng giấy tờ giả.
Cũng với đó, trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và dược liệu, trong năm 2024, Cục Quản lý Dược và Cục Quản lý Y, dược cổ truyền đã tổ chức trên 80 đoàn kiểm tra GMP, 130 đoàn kiểm tra GSP; Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai 50 đoàn thanh tra độc lập.
Đặc biệt, trong năm 2024, Bộ Y tế cũng đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng