Hằng Du Mục và góc khuất sau phiên livestream kỷ lục bán 22 tấn sầu riêng trong 5 phút

Kỷ lục bán được 22 tấn sầu riêng trong phiên livestream trên nền tảng nội dung số, đưa Tiktoker Hằng Du Mục trở thành “chiến thần livestream”, được săn đón hơn, nhưng góc khuất phía sau clip hàng triệu view là hành trình đầy chông gai của cô gái trẻ này.

Sự chân thật là điều kiện đầu tiên để tăng “số 0” trong livestream bán hàng 

Mới đây, Hằng Du Mục vừa tung đoạn video kể về công việc livestream của mình, qua đó giúp mọi người hiểu hơn về ngành công nghiệp livestream bán hàng, cũng như những khó khăn mà cô nếm trải khi trở thành một trong những “nhà sáng tạo nội dung số” hàng đầu Việt Nam.

Sau phiên livestream bán hàng nông sản hôm 7/7, Hằng Du Mục được nhiều người biết đến hơn khi bán hết 22 tấn sầu riêng chỉ trong vòng 5 phút. Con số kỷ lục ấy có được nhờ livestream đã gây sốt trên mạng xã hội, do vậy nhiều người mệnh danh, xem Hằng Du Mục như một “chiến thần livestream”.

Phiên livestream bán sầu riêng đạt kỷ lục về đơn hàng với 22 tấn

Trong chương trình “Nghề chủ chốt” được phát sóng mới nhất, Hằng Du Mục đã có những chia sẻ về bản thân và một phần nào đó về gia đình, đặc biệt là người cha của mình.

Theo đó, Hằng Du Mục chia sẻ, cô thuộc tuýp người không thích sự ồn ào, thích sự nhẹ nhàng, tự nhiên, thoải mái và gần gũi hơn. Tính cách này do cha truyền lại, đó là tính điềm đạm của cha đã dạy cô.

Ông Nguyễn Công Hảo (cha của Hằng Du Mục) cũng chia sẻ: “Chính máu yêu thiên nhiên của tôi đã truyền lại cho cháu Hằng bây giờ. Gia đình lúc đó còn khó khăn, khi đi làm ở đâu tôi cũng đưa con đi theo, nay học chỗ này, mai học chỗ kia. Đây cũng là biện pháp giáo dục mà tôi muốn hướng tới cho các con ngay từ khi chúng còn nhỏ”.

Hằng Du Mục chia sẻ về những thử thách trong hành trình trở thành “chiến thần livestream”. 

Qua lời chia sẻ từ người cha, có thể thấy văn hóa gia đình đã có ảnh hưởng sâu đậm như thế nào đối với tính cách của “chiến thần livestream” Hằng Du Mục. Từ tính cách điềm đạm, giọng nói truyền cảm hứng đến những trải nghiệm thực tế đã giúp Hằng Du Mục chinh phục được hàng triệu người qua các phiên livestream.

Hằng Du Mục cho biết, trong buổi livestream đầu tiên, cô sẽ không bán hàng, thay vào đó sẽ là trải nghiệm. Khi lên chia sẻ những sản phẩm mình đang dùng, có rất nhiều khách hàng hay hỏi cô rằng “Sản phẩm đó mua ở đâu vậy, bà lấy cho tôi đi’. Những lời như vậy của người xem đã thôi thúc, là động lực để Hằng Du Mục bước tiếp với công việc livestream bán hàng trên Tiktok.

“Sau quá trình nhiều ngày không có người xem, tôi đã tự đúc kết ra được là mình đang thiếu sự sáng tạo, đó là lý do mọi người thường thấy tôi xuất hiện ở những phiên livestream có nhiều bối cảnh khác nhau như ngoài biển, núi, ngoài tuyết, trời mưa,… Đó là sự thu hút để cho người ta thấy được dấu ấn riêng trong quá trình livestream bán hàng”, Hằng Du Mục chia sẻ.

Hằng Du Mục cho rằng sự chân thật là yếu tố quyết định để tăng đơn hàng trong livestream. 

Theo lời Hằng Du Mục, khi đi đến đâu nếu thấy nơi đó có tiềm năng, cô sẽ ở lại lâu hơn. Ví dụ như vùng Tân Cương (Trung Quốc), nơi đánh dấu tên tuổi của Hằng Du Mục nhiều nhất. “Mọi người nhớ đến tên Hằng Du Mục nhiều nhất là từ vùng này, đến 80%”, cô nói.

Chia sẻ về bí quyết tăng đơn bán hàng trong phiên livestream, Hằng Du Mục cho rằng, người lievstream bán hàng bắt buộc phải có sự chân thật ngay từ ban đầu.

Hằng Du Mục muốn giúp người nông dân Việt bán được nhiều nông sản qua livestream.

Cô nhấn mạnh: “Để từ con số 0 này có thể lên được rất nhiều con số 0 khác, điều này cần sự tin tưởng rất nhiều từ phía khách hàng, và đòi hỏi tôi cần có sự chân thật ngay từ ban đầu. Chân thật chính là xuất phát điểm”.

Sự chân thật chính là bí quyết thành công của Hằng Du Mục, cũng là “kim chỉ nam” của cô trong hành trình đưa nông sản Việt tiếp cận nhiều khách hàng hơn nữa trong thời gian tới.

Nỗi trăn trở khi đưa nông sản của bà con lên sóng livestream

Hiện, khó khăn mà Hằng Du Mục gặp phải khi bắt tay vào thúc đẩy hàng nông sản Việt đó là nguồn hàng.

Ban đầu cô định livestream bán cua Cà Mau với mức giá bình dân dành cho tất cả mọi người, tuy nhiên “chiến thần livestream” đành ngậm ngùi tạm hủy bỏ hàng thủy sản, bởi qua 3 ngày cua sẽ bị ốp (ít thịt) nên rất khó để đảm bảo chất lượng cua cho khách hàng.

Hằng Du Mục cùng ekip của mình đi thực tế vườn sầu riêng ở Đắk Lắk.

Sau đó Hằng Du Mục chuyển hướng sang hàng nông sản, đặc biệt là những sản vật đến từ vùng đất Tây Nguyên bạt ngàn. Trong đó sầu riêng Đắk Lắk, loại nông sản đang vào mùa nên cô quyết tâm tham gia hành trình trải nghiệm thực tế dù sức khỏe đang không được tốt.

Nỗi trăn trở của cô là mong muốn làm sao để đưa loại nông sản này tiếp cận nhiều khách hàng hơn thông qua livestream trên nền tảng mạng xã hội, từ đó giúp đỡ bà con nông dân tăng thu nhập.

Trong chuyến hành trình đến tỉnh Đắk Lắk, Hằng Du Mục có cơ hội được một “Tiktoker nông dân” cũng nổi tiếng là Hana Ban Mê hỗ trợ để trải nghiệm một số sản vật của địa phương này.

Hằng Du Mục và Hana Ban Mê (trái) là 2 trong những nhà sáng tạo nội dung số hàng đầu trong việc hỗ trợ bán nông sản Việt qua livestream.

Cả hai Tiktoker nổi tiếng có chuyến tham quan quá trình nuôi ong ruồi lấy mật của người nông dân. Từ lúc được nông dân hướng dẫn làm dụng cụ tạo ra ong chúa để giúp ong chúa có thể nhân đàn, đến trải nghiệm bị ong đốt trong quá trình nuôi ong tại các tổ nhân tạo.

Tiếp đến, 2 Tiktoker ghé thăm vườn sầu riêng của ông Quốc Hùng (nông dân) để xem chất lượng từng cây một, từ đó tìm ra nguồn sầu riêng chất lượng nhất cho phiên livestream của mình.

Những nông dân Việt đang gặp khó khăn trong việc tự bán sản vật địa phương qua livestream.

Cuối dùng, “chiến thần lievstream” và “Tiktoker nông dân” đến vườn khoai lang Nhật được nông dân trồng để xuất đi các tỉnh thành trong cả nước, chế biến khoai lang sấy.

Tuy nhiên, điểm chung cả 3 vườn nông sản mà Hằng Du Mục nhận thấy rằng, các nông dân vẫn chưa biết được cách tiếp cận khách hàng qua các nền tảng nội dung số, đặc biệc là Tiktok để bán sản phẩm do mình làm ra.

Đa phần người nông dân đều trồng và bán nông sản theo cách truyền thống (thương lái tới thu mua) chứ không qua một kênh truyền thông mạng xã hội hay trên một sàn thương mại điện tử nào.

Nỗi trăn trở của Hằng Du Mục trong việc giúp bà con nông dân bán nông sản qua livestream trên mạng xã hội.

Các nông dân cũng đều có chung đặc điểm là chưa đủ điều kiện tham gia bán hàng trên Tiktok shop do chưa đăng ký, và một phần do các cô chú nông dân đều lớn tuổi nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ livestream bán hàng.

“Khi tôi bước đến vườn sầu riêng của chú Hùng, tôi rất băn khoăn do chú chưa biết cách vận hành bán qua mạng xã hội, cũng như chưa từng bán trên Tiktok shop”, Hằng Du Mục nói và tiếc nuối khi chưa thể hợp tác với chủ vườn sầu riêng để livestream, nhưng hy vọng những phiên livestream trong tương lai, nếu có cơ hội hợp tác, cô chắc chắn sẽ quay lại hỗ trợ người nông dân bán sầu riêng trên nền tảng nội dung số.

Theo Hằng Du Mục, việc bán sản phẩm trên Tiktok không quá khó khăn nhưng phải có người hỗ trợ. Bởi đối với những người nông dân đã lớn tuổi nên sẽ gặp trở ngại trong việc tiếp cận với công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính, do vậy chỉ cần có người hỗ trợ thì họ sẽ làm được.

Cô tâm sự: “Các cô chú nông dân rất thiệt tình, chân chất, không có mưu toan tính toán nào trong đó cả, đơn thuần họ chỉ muốn sản vật của mình không bị ép giá, không bị rơi vào tình trạng phải giải cứu. Qua những chia sẻ của tôi, hy vọng chú Hùng có những suy nghĩ mới hơn để phát triển, để có thể bán được nhiều sầu riêng trên toàn lãnh thổ. Đây cũng là cơ hội để tôi đưa sản phẩm sầu riêng đến nhiều tệp khách hàng khác trên toàn quốc”.

Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM

https://tcdulichtphcm.vn/mua-sam/hang-du-muc-va-goc-khuat-sau-phien-livestream-ky-luc-ban-22-tan-sau-rieng-trong-5-phut-c16a80838.html

BÀI LIÊN QUAN