Halotimes kết nối văn hóa Việt với giáo dục trong kỷ nguyên số

Chí Phú

Biên tập viên

Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI - 2025, ông Lê Văn Thương (CEO Tập đoàn Truyền thông Halotimes) kêu gọi khơi dậy văn hóa truyền thống trong giáo dục, kết hợp công nghệ để nuôi dưỡng tinh thần Việt Nam.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI – 2025, khởi động từ ngày 19/7 tại Đại học VinUni, Hà Nội, thu hút hơn 500 đại biểu, gồm 201 đại biểu chính thức và 300 đại biểu trực tuyến từ khắp năm châu. Với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, sự kiện là nơi hội tụ những khát vọng cống hiến cho đất nước.

Vào ngày thứ hai của sự kiện (20/7/2025), ông Lê Văn Thương, CEO Tập đoàn Truyền thông Halotimes (đơn vị bảo trợ truyền thông cho Diễn đàn), đã trình bày một tham luận đầy cảm hứng. Tham luận đề xuất tầm nhìn “Hồn xưa – Tinh thần mới”, như một khúc ca về văn hóa truyền thống, nơi lưu giữ tinh thần dân tộc.

“Ai dạy con người tinh thần?”. Câu hỏi mở đầu của CEO Thương vang lên như một hồi chuông, khơi dậy trăn trở về vai trò văn hóa trong giáo dục. Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo viết bài luận và robot dạy học, CEO Thương nêu rõ “chỉ văn hóa mới gieo được hồn người”. Văn hóa truyền thống là mảnh đất nuôi dưỡng những mầm xanh tương lai, khơi dậy tinh thần, trao lại bản sắc và trở thành nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ tìm về cội nguồn, đồng thời vươn ra thế giới.

Ông Lê Văn Thương, CEO Tập đoàn Truyền thông Halotimes, đơn vị bảo trợ truyền thông cho Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ Vi - 2025.
Ông Lê Văn Thương, CEO Tập đoàn Truyền thông Halotimes, đơn vị bảo trợ truyền thông cho Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI – 2025.

Tham luận là lời kêu gọi trí thức trẻ đánh thức văn hóa, biến nó thành động lực giáo dục và phát triển kinh tế trong kỷ nguyên số. Thực trạng hôm nay là một bức tranh đối lập đầy trăn trở. Công nghệ phát triển thần tốc, mọi thứ có thể được số hóa, từ bài giảng đến kỹ năng. Nhưng trong lòng giới trẻ, một khoảng trống tinh thần đang lớn dần.

Nhiều bạn trẻ xa rời kỹ năng giao tiếp, sống trong thế giới ảo nhiều hơn đời thực. Những giá trị trụ cột như lễ nghĩa, gia đình và cộng đồng đang phai nhạt. Làn điệu dân ca, câu chuyện cổ tích và trò chơi dân gian chỉ còn trong sách vở. Giáo dục đôi khi bị thu hẹp vào điểm số, bằng cấp và bảng xếp hạng, đánh mất “linh hồn” cốt lõi của việc hình thành con người.

Trong khi đó, ở những làng quê Việt Nam, người dân vẫn âm thầm gìn giữ các giá trị văn hóa quý báu. Từ cách muối cá ở làng nghề đến nghi lễ tâm linh, họ cần một cầu nối để biến những giá trị ấy thành nguồn lực sống, tri thức và tinh thần cho thế hệ sau.

Để minh họa sức mạnh của văn hóa, CEO của Halotimes kể về làng nghề nước mắm Ba Làng, Thanh Hóa. Câu chuyện trăm năm truyền nghề, từ muối cá bằng tay đến muối biển sạch, được kể lại sống động. Nhờ công nghệ từ thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu đến livestream, làng nghề làm giàu và khơi dậy lòng tự hào trong thế hệ trẻ.

Và Halotimes, thông qua chương trình “Về Quê làm giàu”, kết nối nghệ sĩ, chuyên gia và người dân để tái sinh sản vật truyền thống. Một bạn trẻ tham gia chương trình thốt lên: “Tôi chưa từng nghĩ sản phẩm quê mình có thể vươn xa đến thế!”. Chương trình không những mang lại thu nhập mà còn gieo vào lòng người trẻ niềm tự hào về quê hương.

Một câu chuyện khác khiến CEO Thương xúc động là bản “Chầu văn remix” vang lên trong một quán cà phê. Một bạn trẻ chia sẻ: “Nghe lần đầu vì thấy lạ. Sau đó em tìm hiểu thì mới biết văn hóa Việt mình sâu sắc lắm!” Từ một bản nhạc, giới trẻ lần mò đến đạo Mẫu, nghi lễ và căn tính tâm linh Việt Nam, để văn hóa trở thành người thầy khơi dậy cảm xúc và dẫn lối đến tự học.

Tại Halotimes, CEO Lê Văn Thương và đội ngũ xem văn hóa như động lực sống động để phát triển con người. “Trạm Phát sóng +84”, một chương trình giải trí cũng do Halotimes sản xuất, đi qua các tỉnh thành để tìm kiếm và đào tạo tài năng địa phương. Nhưng hơn cả tính chất giải trí, chương trình khuyến khích người trẻ nhập vai, chơi trò chơi dân gian và sáng tạo từ chất liệu văn hóa dân tộc. 

Halotimes còn tổ chức “Olympic Triết học Việt Nam”, một cuộc thi đột phá đưa tư tưởng Lão Tử, Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi đến giới trẻ qua hình thức tương tác và nhập vai. Thay vì khô khan, các tư tưởng triết học trở thành hành trình khám phá bản thân, giúp người trẻ xây dựng triết lý sống từ cội nguồn văn hóa.

Phiên thảo luận nhóm về Phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI - 2025.
Phiên thảo luận nhóm về Phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI – 2025.

Từ những thực tiễn ấy, ông Lê Văn Thương đề xuất bốn nhóm giải pháp để khơi dậy tinh thần Việt qua giáo dục văn hóa. 

Đầu tiên, giáo dục trải nghiệm đưa văn hóa truyền thống vào trường học qua các hoạt động nhập vai, nghệ thuật trình diễn, trò chơi dân gian và livestream tương tác. Những hoạt động này giúp học sinh cảm nhận hồn cốt dân tộc qua chính trải nghiệm của mình.

Thứ hai, khuyến khích sáng tạo bằng cách hỗ trợ người trẻ, nghệ sĩ và startup phát triển nội dung văn hóa qua phim ảnh, cuộc thi và nền tảng số. Các giá trị truyền thống được biến thành sản phẩm game hóa hoặc sân khấu hóa, thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ và lan tỏa tinh thần dân tộc.

Thứ ba, chuyển đổi số văn hóa thông qua việc số hóa di sản, nghi lễ, trò chơi dân gian và câu chuyện truyền thống thành dữ liệu mở. Giải pháp này tạo điều kiện để giáo viên, học sinh và công chúng dễ dàng tiếp cận, từ đó lan tỏa và bảo tồn giá trị văn hóa một cách bền vững.

Thứ tư, liên kết cộng đồng bằng cách xây dựng cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp, nghệ sĩ, trường học và địa phương. Sự kết nối này tạo ra các dự án văn hóa – giáo dục bền vững, biến văn hóa thành động lực cho cả giáo dục lẫn kinh tế, đồng thời gắn kết cộng đồng trong nỗ lực chung.

Kết thúc tham luận, CEO Lê Văn Thương nhấn mạnh giáo dục không chỉ dạy chữ, mà là gieo tinh thần. Văn hóa là mảnh đất nuôi dưỡng những mầm xanh tương lai.

“Văn hóa là câu trả lời lâu dài cho giáo dục. Công nghiệp văn hóa, nếu được đầu tư đúng, sẽ là cách Việt Nam bước ra thế giới không chỉ bằng sản phẩm, mà bằng tinh thần dân tộc”, ông Lê Văn Thương khẳng định.

BÀI LIÊN QUAN