Theo đó, ngày 4/7 Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, vừa tiếp nhận 2 trường hợp cấp cứu vì kiệt sức sau khi tham gia một giải chạy bộ dẫn đến rối loạn điện giải, suy hô hấp, tổn thương cơ tim…
Chạy bộ quá sức, hai thanh niên phải cấp cứu vì rối loạn điện giải, suy hô hấp…
Trường hợp thứ nhất là một phụ nữ 34 tuổi, nhập viện vì ngất và co giật sau khi chạy khoảng 4km.
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn điện giải sau vận động quá sức.
Tại BV, ê-kíp bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ oxy, bù điện giải, theo dõi sát tri giác và sinh hiệu người bệnh.
Tình trạng bệnh nhân sau đó cải thiện rõ rệt, tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định, không còn biểu hiện co giật.
Trường hợp thứ hai là nam giới, 32 tuổi (quốc tịch Hàn Quốc) nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy hô hấp sau khi đã chạy 3km.
Tại khoa Cấp cứu, người bệnh được hỗ trợ hô hấp bằng oxy liệu pháp, truyền dịch tĩnh mạch, theo dõi sát tri giác, huyết động và tiến hành các xét nghiệm cấp cứu.
Kết quả, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị suy hô hấp, tổn thương cơ tim do có tăng men tim sau vận động cường độ cao.
Nhờ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân dần cải thiện, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các chỉ số sinh tồn dần ổn định trở lại, nhập viện tiếp tục điều trị.
Liên quan đến ThS.BSCK1 Nguyễn Kim Long – Khoa Cấp cứu, BV Nhân dân 115 khuyến cáo, trước khi vận động cường độ cao, mỗi người cần phải tầm soát sức khỏe vì các vấn đề như rối loạn điện giải, huyết áp, tim mạch âm thầm có thể gây nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm.
“Trước khi thi đấu thể thao, cần chuẩn bị sức khỏe kỹ lưỡng: ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, bổ sung nước và điện giải hợp lý, tránh uống rượu bia hay sử dụng những chất kích thích” – Bác sĩ Long.
Đặc biệt, phải khởi động đúng cách, sử dụng giày phù hợp. Trong đó, không tham gia thi đấu nếu cơ thể đang bệnh, cảm thấy mệt mỏi hoặc đang sử dụng thuốc lợi tiểu.
“Thể thao là bạn đồng hành của sức khỏe nhưng chỉ khi bạn hiểu và lắng nghe cơ thể“- BS Nguyễn Kim Long nhấn mạnh.
Chạy bộ đúng cách giúp bảo vệ cơ thể?
Theo các chuyên gia, chạy bộ mỗi ngày có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp giảm cân, cải thiện sức khỏe tim mạch,… Nếu chạy bộ đúng cách, giữ nhịp độ chạy phù hợp sẽ giúp con người nâng cao sức khỏe, đặc biệt là tránh tình trạng kiệt sức.
Để chạy bộ không mệt trong một quãng đường dài, bạn cần chú ý những vấn đề sau:
Đầu tiên là phải giữ sức khỏe tốt khi có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Trong đó, nên bổ sung đầy đủ canxi và vitamin từ thức ăn, hạn chế tiêu thụ thức ăn ít dinh dưỡng và uống nhiều nước.
Thứ hai, khởi động đầy đủ, đúng cách nhằm giúp não bộ nhận biết bạn đang chuẩn bị làm gì, đồng thời giúp bôi trơn các cơ, khớp. Đặc biệt, trước khi chạy bộ, bạn nhất thiết phải thực hiện các động tác kéo căng cơ chân.
Thứ ba, trong quá trình chạy bộ phải hít thở đúng cách theo quy trình hít thật sâu bằng mũi rồi thở chậm ra bằng miệng; Bổ sung đủ nước; Tập chạy bền khi tăng dần tốc độ chạy cho tới khi đạt nhịp độ kết hợp kiểm soát tốt tốc độ phù hợp; Chạy liên tục, nếu cảm thấy mệt mỏi, bạn không nên ngừng lại hoàn toàn mà nên giảm tốc độ xuống, chuyển sang đi bộ nhanh.
Nếu cảm thấy đau nhức thì đây là dấu hiệu bạn đã tập quá sức.
Thứ tư, sau khi chạy bộ xong cần thả lỏng cơ thể, nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng kịp thời…
Những người bị bệnh về hô hấp như hen suyễn cần mang theo thuốc khi chạy bộ hoặc các thiết bị y tế hỗ trợ khác. Đặc biệt, cẩn thận khi chạy bộ dưới trời nắng, tránh để bị say nắng dẫn đến mất sức, suy kiệt cơ thể…