Mới đây, dưới nhiều bài đăng thông báo việc Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền qua đời trên facebook, có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn biểu tượng “haha” cùng với không ít bình luận mang tính châm chọc, cợt nhả.
PGS.TS Bùi Hiền, là người nổi tiếng với đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ gây tranh cãi gần chục năm trước, đã qua đời chiều 11/5 tại TP.Việt Trì, Phú Thọ.
Ông là giảng viên tiếng Nga, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội).
PGS Bùi Hiền là tác giả của hàng chục cuốn sách giáo khoa, sách giáo viên, sách đọc thêm tiếng Nga cho trường phổ thông, 4 bộ từ điển các loại, trong đó có bộ “Từ điển giáo khoa Nga – Việt” dày 1.800 trang được gắn hai Huy chương quốc tế là “Bussiness initiative directions” và “International gold star for quality”.
Năm 2017, ông được biết đến với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ gây tranh cãi.
Việc nhiều cư dân mạng bày tỏ cảm xúc “haha” khi thấy tin ông mất, cũng khiến không ít người dùng khác bức xúc. Một tài khoản facebook nêu ý kiến:
“Người Việt Nam có câu ‘nghĩa tử là nghĩa tận’ vậy mà giờ đây, một con người đáng kính đã mất, thông báo tin buồn của ông ấy lại nhận được thứ gì thế này!?
Mình thực sự rất buồn và có chút thất vọng, không thể hiểu nổi những người thả haha đó nghĩ gì nữa…”.
Từ bao giờ, người Việt lại trở nên thờ ơ và vô cảm đến mức có thể cười cợt trước sự ra đi của một con người như thế?
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, trong văn hóa ứng xử của người Việt, câu nói này nhấn mạnh rằng: Khi một người qua đời, dù trước đó có khúc mắc hay mâu thuẫn thế nào, người ở lại cũng nên gác lại mọi hiềm khích, cư xử tử tế, trọn vẹn tình nghĩa và chu toàn lễ nghi tiễn đưa.
Đó không chỉ là trách nhiệm với người đã khuất mà còn thể hiện lòng nhân ái, sự bao dung và nét đẹp trong truyền thống đạo lý của dân tộc.
Nhưng dường như, với một bộ phận cư dân mạng, đạo lý này đang bị coi nhẹ.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Chính trị Khu vực 2), nhận định: “Văn hóa của người Việt xưa nay, đối với người đã khuất rất là tôn trọng. Đi qua đám tang chúng ta còn phải ngả mũ chào.
Đằng này còn thể hiện biểu cảm cười cợt, hả hê, đó là biểu hiện suy giảm về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Ngoài ra, nó cho thấy một bộ phận người dùng mạng rất thiếu lòng trắc ẩn, không đồng cảm với nỗi đau của người khác”.
Rác văn hóa tràn ngập không gian mạng
Mạng xã hội thời gian qua đang dần trở thành nơi tràn ngập “rác”, nơi người ta sẵn sàng buông lời thô tục, chửi bới, miệt thị ngoại hình, tấn công cá nhân… chỉ vì những quan điểm khác biệt hoặc vì những sai lầm, dù lớn dù nhỏ, mà người khác từng mắc phải.
Từ scandal của nghệ sĩ, những vụ việc đời tư chưa rõ đúng sai, đến cả chuyện một người tu hành đi bộ… tất cả đều dễ dàng trở thành đối tượng công kích tập thể, nơi những bình luận ác ý thậm chí còn được nhiều người khác bấm “like” cổ vũ.
“Thật sự là một tiếng chuông báo động rất lớn, khi mà rất nhiều người sẵn sàng thể hiện những hành động phản cảm, vô văn hóa trên mạng xã hội” – Bà Phạm Thị Thúy bày tỏ.
Còn nhớ năm năm trước, Việt Nam từng bị xếp vào top 5 quốc gia có hành xử kém văn minh nhất trên mạng xã hội, theo báo cáo Chỉ số văn minh trực tuyến (DCI) do Microsoft công bố.
Và đáng buồn thay, đến hiện tại, vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng đó được cải thiện. Những cuộc “ném đá hội đồng”, những biểu tượng cảm xúc đặt sai chỗ, những lời bình luận khiếm nhã, thô tục đang dần trở thành những trào lưu độc hại mà người ta xem là chuyện bình thường.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, chuyên gia xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng, đầu tiên là do tính ẩn danh của môi trường mạng – nơi người ta có thể giấu mặt sau những cái “nick” ảo, và không sợ bị đánh giá.
Những nguyên nhân khác đến từ tâm lý đám đông, và đặc biệt là từ việc thiếu kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội.
“Tôi quan sát thấy người Việt rất thiếu kỹ năng ứng xử qua mạng, nhưng chúng ta lại chưa bao giờ được đào tạo, huấn luyện về văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Việc coi nhẹ ứng xử trên mạng sẽ gây ra hệ lụy trong đời sống thực.
Do đó chúng ta cần nâng cao việc giáo dục, ngay từ trong gia đình cho đến nhà trường. Thứ hai chúng ta cũng cần phải có chế tài đối với hành vi lệch chuẩn trên mạng”, bà Phạm Thị Thúy nêu ý kiến.
Chúng ta có quyền bất đồng quan điểm, có quyền phê phán, thậm chí có quyền chỉ trích khi cần thiết. Nhưng mọi quyền đó chỉ nên được thực hiện trên nền tảng hành xử văn minh, với sự cân nhắc thấu đáo và ý thức rõ ràng về giới hạn.
Không ai trở nên tốt đẹp hay giỏi hơn nhờ việc chà đạp lên nỗi đau hay sự mất mát của người khác.
Mạng xã hội là một cộng đồng thu nhỏ, nơi mỗi hành động và lời nói đều được người khác nhìn thấy và theo dõi.
Những gì chúng ta để lại trên mạng không chỉ là những ký tự vô tri, mà còn thể hiện phẩm chất, giá trị và tầm văn hóa của mỗi người.