“Bà tiên” của hàng trăm ngàn gia đình hiếm muộn tại Việt Nam
BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong buổi trao đổi với PV – ảnh: Phạm Sinh
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, bà tốt nghiệp bác sĩ nội trú tại Y khoa năm 1970 tại Việt Nam và Tiến sĩ Y khoa (chuyên ngành phụ khoa) của Mỹ năm 1973 và về công tác tại BVPS Từ Dũ.
Khi miền Nam được hoàn Giải phóng (30/4/1975), mặc dù được chồng bảo lãnh sang Pháp nhưng bà vẫn nhất quyết ở lại dù phải đối mặt với nhiều khó khăn vất vả, đặc biệt khi đó bà đang phải một mình nuôi 3 con nhỏ.
Chọn ở lại với Đất nước, với bà chỉ bởi tâm niệm hết sức giản dị: “Đất nước của mình thì mình ở”, “còn nhiều bệnh nhân đang cần mình khám, chữa bệnh” và “còn nhiều học trò cần mình chỉ dạy…”.
Về cái “duyên” đến với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), bà cho biết: “Năm 1984, khi được cử sang Bangkok (Thái Lan) làm việc tôi mới biết tới phương pháp này đã thực hiện thành công ở Anh từ năm 1978 nên hạ quyết tâm bằng mọi giá phải làm được tại Việt Nam. Do đó, cứ hết giờ làm, tôi lại lên thư viện để tìm tài liệu để nghiên cứu về hiếm muộn”.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (thứ hai từ trái qua) bên trong những bé IVF đầu tiên tại Việt Nam – ảnh: NVCC
Đến năm 1994, sau ca mổ Việt – Đức thành công (ca mổ tách cặp song sinh dính liền thành công đầu tiên ở Việt Nam), Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã gửi hồ sơ của bà sang Pháp làm bằng tiến sĩ.
Tại Pháp với nhận định về bằng cấp và lý lịch khoa học, bà được xét phong Giáo sư trọn đời tại Đại học Nice Sophia Antipolis sau khi được Hội đồng giáo sư ở 4 cấp (trường, khu vực, vùng và toàn quốc) và quyết định công nhận của Tổng thống Pháp lúc bấy giờ.
“Trong thời gian công tác tại Pháp, tôi tận dụng mọi thời gian rảnh để vào nơi làm IVF ghi chép lại từng quy trình, từng thiết bị cần thiết và dùng tiền lương Giáo sư của mình để mua trang thiết bị, máy móc, dụng cụ để trang bị cho phòng thụ tinh trong ống nghiệm. Năm 1997, tôi về nước và bắt đầu thực hiện thử nghiệm kỹ thuật chọc hút noãn. Đến ngày 19/8/1997, Bộ Y tế chính thức cho phép BVPS Từ Dũ thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ngay sau đó, tôi đã tiến hành thực hiện IVF và đã thành công, ghi dấu mốc trong lịch sử y học Việt Nam” – GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết.
Từ lần đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm với tỷ lệ sinh con thành công đạt tỷ lệ lên đến 33%, bà đã mạnh dạn đề nghị Bộ Y tế nhân rộng mô hình IVF ra cả nước.
“Đến nay, cả nước đã có hơn 60 trung tâm thực hiện IVF với hàng trăm ngàn ca IVF thành công cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Số ca IVF cũng ngày càng được nâng cao về chất lượng kỹ thuật với tỷ lệ thành công tại BV luôn đạt trên 50%, tương đương với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới như: Singapore, Úc, Mỹ…” – GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng tự hào.
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tỉ lệ tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng cao, năm 1992, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã khởi xướng chương trình đào tạo “Cô đỡ thôn bản” cho các tỉnh Tây Nguyên. Chương trình đã huấn luyện việc áp dụng kiến thức đỡ đẻ sạch và an toàn các “cô đỡ” để về phục vụ cộng đồng.
Đến nay, đã có gần 1.500 “cô đỡ” được đào tạo, được công nhận chức danh và hoạt động tại 20 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên…
Đặc biệt, mô hình này đã được quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới đánh giá cao và tài trợ một phần kinh phí để thực hiện.
Gần 40 năm miệt mài đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
BS Nguyễn Thị Ngọc Phượngbên những đứa trẻ mang trong mình dị tật bẩm sinh do hậu quả của chất độc da cam. – ảnh: NVCC
Ngoài những thành tựu trong ngành sản khoa, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn giành gần 40 năm để nghiên cứu và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Bà cho biết, khoảng năm 1966 bà vô tình đỡ đẻ cho một thai nhi không có hộp sọ. Từ đó, qua tìm hiểu thực tế cho thấy có nhiều trẻ khác cũng gặp tình trạng tương tự mà không rõ nguyên nhân, nên bà đã xin giữ lại những bào thai này để nghiên cứu.
Từ nghiên cứu thực tế và từ các tài liệu sưu tầm được, bà xác định có 5 nhóm dị tật mà Việt Nam thường gặp gồm: Dị tật ống thần kinh; Nứt đốt sống; Khuyết tật về tay chân; Khuyết tật về cơ quan giác quan (mắt, mũi, miệng, lỗ tai); Song thai dính nhau.
Bà cũng đã có 3 bài báo được 1 tạp chí khoa học uy tín tại Vương quốc Anh đăng tải liên quan đến vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam do bà trực tiếp nghiên cứu.
Năm 1984, bà đã mang theo tất cả tài liệu này sang Mỹ dự hội nghị khoa học, tuy nhiên phía Mỹ từ chối cho phép công bố những tài liệu này.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) tại phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ năm 2010. ảnh: NVCC
Năm 2008 và 2010, theo yêu cầu của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đều được Chính phủ cử sang để điều trần về vấn đề chất độc da cam/dioxin đã gây ra dị tật bẩm sinh và các bệnh ung thư tại Việt Nam….
Bên cạnh đó, năm 2009, bà cũng đến Tòa án lương tâm quốc tế tại Paris để góp tiếng nói tố cáo các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất các chất độc hóa học gây hại cho con người.
Những chuyến đi đó đã góp phần làm thức tỉnh và tạo nên dư luận khá tốt đối với dân Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Trong “cuộc chiến” này, bà luôn nhận được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước, của các bạn bè, chuyên gia quốc tế như nhóm Hatfield (Canada)….
Kết quả của những quá trình ấy là tại cuộc Đối thoại Việt – Mỹ sau đó, nước Mỹ đã cam kết chi khoảng 300 triệu USD để tẩy độc sân bay và hỗ trợ y tế.
Để ghi nhận sự cống hiến và tinh thần phục vụ cộng đồng của bà, năm 2024 bà đã được Chính phủ Philippins trao tặng giải thưởng “Nobel châu Á” Ramon Magsaysay.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc chúc mừng GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng được trao giải “Nobel châu Á” Ramon Magsaysay năm 2024 – ảnh: Thanh Niên
Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay nhấn mạnh: “Không bao giờ là quá muộn để sửa chữa sai lầm của chiến tranh, giành lại công lý và cứu trợ cho những nạn nhân bất hạnh”.
Dù đã bước sang tuổi 82 nhưng bà vẫn rất tinh anh và nhanh nhẹn. Trong con người nhỏ bé này luôn toát lên một nguồn năng lượng vô cùng mạnh mẽ. Hàng ngày bà vẫn đi khám chữa, bệnh cho bệnh nhân với tâm niệm hết sự giản dị: “Chừng nào còn sức khỏe thì chừng đó tôi còn cống hiến vì nhiều hoàn cảnh khó khăn đang cần tôi giúp đỡ”.
Sau gần 60 năm cống hiến cho ngành sản khoa và gần 40 năm bền bỉ đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã để lại những dấu ấn lớn trong cả hai lĩnh vực này.
Vì vậy, bà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới… Đặc biệt, bà vừa được bình chọn là 1/50 nhân vật tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh sau 50 năm giải phóng.
Được biết, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng từng giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX; Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Xã hội Quốc hội khóa VII; Phó chủ tịch Quốc hội khóa VIII; Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa IX…
Đồng thời, bà cũng từng giữ nhiều chức vụ khác nhau trong ngành y tế như: Giám đốc BVPS Từ Dũ; Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP Hồ Chí Minh (HOSREM); Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO); Phó Chủ tịch Hội Chất độc Da cam/Dioxin TP Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Hội Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam (VAVA)…