Bài toán khó của người trẻ (và không chỉ người trẻ)
Mỗi đêm, khi các con đã đi ngủ, chị Thu (33 tuổi, giáo viên mầm non) mới lôi chiếc máy may nhỏ ra, cắm cúi, tỉ mẩn ngồi may may cắt cắt.
Chị không may để bán, cũng chẳng phải chạy deadline gì. Chị chỉ đang sửa lại một chiếc áo cũ bằng cách cắt ngắn hai ống tay, thêm một miếng thêu nhỏ ở ngực áo.
“Tôi mê may vá từ hồi còn học cấp 2. Ngày xưa chỉ dám làm búp bê, giờ thì may đồ cho con, cho chồng, thỉnh thoảng tự tay làm túi xách đi chợ. Không ai trả tiền cho việc này cả. Nhưng nếu không làm, tôi thấy mình thiếu thiếu điều gì đó, như một ngọn lửa trong lòng bị tắt đi vậy” – Chị Thu chia sẻ.
Không ít người giống chị Thu: đam mê thì vẫn còn đó, nhưng cuộc sống thì cứ mải miết cuốn đi. Làm việc 8 tiếng mỗi ngày, chen chúc trên đường, rồi lo đủ thứ hóa đơn, tiền chợ, tiền học cho con, chăm sóc nhà cửa, chạy KPI… Ai còn tâm trí mà mơ mộng ?
“Làm điều mình thích và vẫn sống tốt” là điều mà ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng có thể làm được.
Một người đam mê vẽ tranh có thể mất nhiều năm để gây dựng tên tuổi. Cây viết trẻ phải chật vật mới được in bài hay xuất bản sách lần đầu… Trong khi đó, những khoản chi tiêu, trách nhiệm tài chính, áp lực từ gia đình và xã hội… thì không chờ đợi ai.
Vì vậy, nhiều người tìm cách cân bằng giữa đam mê và cơm áo, để không phải đánh đổi cái này lấy cái kia.
Đam mê không cần phải trở thành “nghề”
Một trong những cách hiểu khá phổ biến là: nếu bạn thực sự đam mê điều gì, bạn phải kiếm tiền từ nó. Nhưng thực tế, không phải đam mê nào cũng cần (hoặc nên) biến thành nghề.
Có người thích làm thơ nhưng không muốn xuất bản. Có người mê làm bánh nhưng chỉ muốn nướng tặng bạn bè. Có người mê đàn piano nhưng chỉ chơi mỗi tối cho chính mình nghe…
Việc đó không khiến đam mê của họ “ít giá trị” hơn. Ngược lại, nó trở thành nơi trú ẩn cho tâm hồn sau những mệt mỏi thường ngày.
Trong cuốn sách Big Magic, nhà văn Elizabeth Gilbert viết: “Bạn không cần đòi hỏi đam mê của mình phải nuôi sống bạn. Hãy để bạn nuôi sống đam mê của mình.”
Có lẽ khi bớt kỳ vọng vào việc “biến đam mê thành tiền”, ta sẽ dễ sống hơn và trân trọng đam mê ấy đúng nghĩa.
Biến đam mê thành “giờ thư giãn”
Giữ được một phần trong ngày – dù chỉ 15 phút – để làm điều mình thích, chính là cách giúp ta kết nối với chính mình, để thực sự sống chứ không chỉ vật lộn qua ngày.
Với nhiều người, đam mê có thể là nơi “hồi sức”, như một khoảng thở ngắn giữa đời sống chật chội. Chơi một bản guitar, viết vài dòng nhật ký, trồng một luống rau nhỏ… không để thành chuyên gia, mà chỉ để lắng nghe chính mình.
Những điều tưởng như nhỏ bé ấy lại có khả năng làm dịu lòng, kéo người ta ra khỏi vòng xoáy bận rộn.
Hoàng Nam (nhân viên IT tại TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thích vẽ minh họa truyện tranh từ thời sinh viên, từng mơ làm họa sĩ freelance nhưng sau vài năm vật lộn với cơm áo gạo tiền, tôi chuyển sang làm công ty để ổn định thu nhập.
Tuy nhiên, tôi chưa từng từ bỏ vẽ. Mỗi tối, dù chỉ 30 phút, tôi vẫn vẽ vài khung truyện mình thích. Có khi là câu chuyện nhỏ về bản thân, bạn bè, đồng nghiệp. Nó như cách để tôi trò chuyện với chính mình.”
Nam nói rằng nếu không có giờ vẽ mỗi tối, anh sẽ cảm thấy bản thân như bị lập trình hóa, cạn kiệt cảm xúc. “Tôi nghĩ đam mê giống như một ngọn nến. Nếu để gió cuộc đời thổi tắt, ta sẽ thấy mình u ám. Nhưng nếu khéo giữ, nó sẽ âm ỉ cháy, sưởi ấm cả những ngày lạnh nhất.”
Khi đam mê có thể trở thành nghề: Hãy kiên nhẫn
Với những ai vẫn ấp ủ ước mơ lớn hơn: mở tiệm bánh, làm nhà thiết kế, viết sách, làm phim, bán đồ thủ công… thì giấc mơ ấy cũng có thể đi cùng với công việc kiếm sống.
Nhưng con đường đó cần thời gian, sự chuẩn bị và khả năng chịu đựng giai đoạn đầu không có tiền.
Nhiều người chia sẻ rằng, họ đã bắt đầu “gầy dựng” sự nghiệp từ chính đam mê, bằng cách đi chậm từng bước nhỏ. Học thêm kỹ năng mới, xây dựng thương hiệu cá nhân, thử sức với các dự án freelance, kết nối với những người cùng chí hướng…
Mỗi bước là một viên gạch lặng lẽ đặt nền móng cho hành trình dài. Không cần phải từ bỏ công việc hiện tại ngay lập tức để theo đuổi đam mê. Đôi khi, chính sự kiên trì âm thầm lại là thứ đưa ta đến gần điều mình muốn, bền bỉ và vững vàng hơn cả những cú “quay xe” đột ngột.
Và nếu một ngày, bạn có thể kiếm sống và sống tốt bằng chính điều mình yêu thích, thì đó là món quà tuyệt vời nhất. Nhưng ngay cả khi điều đó không đến, thì ít nhất bạn cũng đã sống đúng với mình, không bỏ rơi điều làm bạn khác biệt.
Chúng ta không nhất thiết phải có một đam mê “to lớn”, không cần phải thật xuất sắc, không nhất thiết phải được nhiều người công nhận. Chỉ cần mỗi ngày vẫn có một điều khiến bạn muốn làm, khiến mắt bạn sáng lên khi nghĩ tới – vậy là đủ.
Trong thời đại mà mọi thứ đều phải hiệu quả, phải sinh lời, thì việc duy trì được một đam mê giản dị, và vô điều kiện, đôi khi lại là điều dũng cảm nhất. Nó có thể không làm bạn giàu hơn, nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn sống trọn vẹn hơn.