Sự xâm lấn của văn hoá ngoại lai và sự “đứt gãy” truyền thừa…
Trong thế giới phẳng, việc tiếp cận các nền văn hóa quốc tế trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người trẻ có thể thưởng thức nhạc K-pop, phim Hollywood, thời trang Paris… chỉ trong vài cú chạm. Những sản phẩm ấy hấp dẫn, được đầu tư bài bản và truyền thông mạnh mẽ, nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự quan tâm của giới trẻ.
Ngược lại, các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam lại chưa có chiến lược lan tỏa tương xứng – thường được gói gọn trong các tiết học khô cứng, trong lễ hội theo mùa, hoặc trưng bày trong bảo tàng – vốn không phải nơi lui tới thường xuyên của giới trẻ.
Hệ quả là nhiều thanh niên có thể thuộc làu truyện tranh Nhật, nhớ tên từng thành viên nhóm nhạc Hàn, nhưng lại không thể kể rõ những phong tục trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại Hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình” (Báo Nhân Dân), PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cảnh báo:
“Trong bối cảnh hiện nay, mất văn hóa không chỉ là đánh mất bản sắc, mà còn là đánh mất tương lai của chính mình trong quá trình hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó, chính quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng cũng mang đến những áp lực không nhỏ lên di sản văn hóa.
Đô thị hóa, du lịch đại trà, thương mại hóa lễ hội, xây dựng tùy tiện trong vùng di sản… đã làm biến dạng nhiều giá trị gốc.
Nếu không có tiếng nói mạnh mẽ và hành động chủ động từ thế hệ trẻ – những người sẽ sống dài lâu nhất trong tương lai của đất nước – thì liệu ai sẽ là người lên tiếng bảo vệ những giá trị này?”
Một trong những thách thức lớn khác là sự đứt gãy trong truyền thừa văn hóa giữa các thế hệ. Trong quá khứ, văn hóa được lưu giữ qua lời kể ông bà, qua nếp sống cộng đồng làng xã, qua sự hiện diện thường nhật của đình, đền, lễ hội. Nhưng ngày nay, thanh niên lớn lên trong guồng quay đô thị hóa, ít có điều kiện tiếp xúc với nghệ nhân dân gian, người cao tuổi hay những không gian văn hóa gốc.
Sự thiếu hụt này không chỉ khiến kiến thức văn hóa bị mờ nhạt, mà còn làm giảm dần sự “thấu cảm” – yếu tố quan trọng để văn hóa không chỉ được biết mà còn được sống. Khi văn hóa không còn là một phần thiết thân của đời sống, người trẻ dễ xem đó là điều lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Một thực tế không thể phủ nhận: giáo dục văn hóa hiện nay chưa theo kịp nhu cầu và tâm lý người học. Các tiết học lịch sử – văn hóa dân tộc chủ yếu truyền thụ một chiều, thiếu tính trải nghiệm, thiếu kết nối cảm xúc. Trong khi đó, những nội dung này hoàn toàn có thể được thể hiện bằng hình thức mới: xem biểu diễn dân ca ngay trong lớp, làm podcast kể chuyện di sản, tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm văn hóa, hoặc học lịch sử qua game tương tác…
Khi văn hóa chỉ được dạy như một “môn học phụ”, người học khó thấy được giá trị sống động của nó trong đời thường. Mà nếu ngay từ nhà trường, văn hóa không được truyền cảm hứng, thì khó kỳ vọng thanh niên lớn lên sẽ coi trọng và dấn thân vì di sản.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Muốn hiện đại mà không mất gốc, thì văn hóa không thể chỉ được ‘bảo tồn’ như một thứ đồ cổ, mà phải được ‘sống’ giữa đời sống hiện tại – bằng hơi thở mới, bằng sáng tạo, bằng sự tham gia của cả cộng đồng.”
Truyền thông số: Cơ hội và thách thức song hành
Truyền thông và mạng xã hội đang thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận thông tin và định hình thẩm mỹ của giới trẻ. Nhưng chính môi trường này cũng đặt ra yêu cầu mới: nếu văn hóa dân tộc không thể “viral”, không thể nói bằng ngôn ngữ số, thì nguy cơ bị lãng quên là rất lớn.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhận định:“Nếu văn hóa dân tộc không được đưa vào ‘dòng chảy chủ lưu’ của mạng xã hội, không trở thành nội dung phổ biến trong hệ sinh thái số, thì nguy cơ bị quên lãng, bị thay thế là điều không thể tránh khỏi.”
Thực tế, nhiều bạn trẻ đã có ý tưởng sáng tạo từ di sản: làm game lịch sử, thiết kế thời trang mang họa tiết truyền thống, kể chuyện dân gian trên TikTok… Tuy nhiên, họ lại thiếu vốn, thiếu kỹ năng sản xuất nội dung chuyên nghiệp và cả sự hỗ trợ từ chính sách.
Sự thiếu vắng những nền tảng, chương trình “ươm mầm sáng tạo văn hóa” khiến nhiều ý tưởng hay sớm dừng bước hoặc tồn tại trong quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Vấn đề không nằm ở thái độ của người trẻ, mà là ở cơ hội, cơ chế và môi trường để họ phát triển.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Muốn thế hệ trẻ có thể tham gia hiệu quả vào công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa, thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần nhìn nhận họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách, mà là chủ thể kiến tạo văn hóa trong thời đại mới.
Việc xây dựng chính sách vì thế phải bắt đầu từ tư duy mới – tư duy trao quyền, khuyến khích sáng tạo và đồng hành cùng thanh niên, thay vì ‘áp đặt từ trên xuống’.”
Tóm lại, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa không chỉ là trách nhiệm, mà còn là quyền năng của người trẻ. Để khơi dậy quyền năng ấy, thế hệ đi trước cần trở thành người tiếp sức – biết lắng nghe, đồng hành và trao gửi niềm tin.