Gia đình 4 đời làm bánh tráng ở TP.HCM: “Nếu còn yêu thích, làng nghề sẽ trường tồn”

Nếu không thể cha truyền con nối thì có thể quảng bá rộng rãi cho nhiều người, đặc biệt là các em học sinh trải nghiệm, “Nếu các con còn yêu thích, làng nghề bánh tráng truyền thống sẽ trường tồn”, chủ cơ sở Làng bánh tráng truyền thống chia sẻ.

Nuôi 13 cô con gái bằng nghề bánh tráng truyền thống

Làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi từ lâu đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất phía Tây Bắc TP.HCM.

Bánh tráng của người Việt nói chung và làng Phú Hòa Đông nói riêng đều mang giá trị đặc biệt đó là giá trị truyền thống, một di sản văn hóa.

Bánh tráng nơi đây không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình, mà còn là biểu tượng của sự cần cù, khéo léo và tình yêu quê hương của người dân nơi đây. Và nghề làm bánh tráng không chỉ đơn thuần là công việc kiếm sống, mà còn là cách giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của làng quê.

Bánh tráng được phơi nắng sau khi tráng.

Tuy nhiên, trước làn sóng hiện đại hóa và sự xuất hiện của nhiều sản phẩm công nghiệp, làng nghề bánh tráng duy nhất ở TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay bảo vệ và phát triển.

Bà Thái Hương Lan (65 tuổi, chủ cơ sở Làng bánh tráng), là một trong những người luôn tâm huyết với việc gìn giữ làng nghề truyền thống tại xã Phú Hòa Đồng. Ngả lưng trên chiếc võng đưa đưa để nghỉ trưa, bà Lan bồi hồi kể, gia đình bà đã 4 đời gắn bó với nghề tráng bánh truyền thống, nếu cháu ngoại tiếp nối thì sẽ là đời thứ 5.

Bà Lan chia sẻ về cách gìn giữ, bảo tồn nghề bánh tráng truyền thống.

Bà cho rằng, giữ được nghề truyền thống hay không, có nhiều lý do. Trước đây gìn giữ nghề theo kiểu cha truyền con nối. Hồi xưa, gia đình nào cũng đông con, nghề bánh tráng không cần dạy cũng biết làm vì ở trong cái nôi nên tự nhiên sẽ biết làm, nếu đứa này không theo nghề thì đứa khác sẽ theo.

“Như bà ngoại tôi chỉ toàn con gái, gồm 13 người con nhưng vẫn sống được bằng nghề tráng bánh tráng. Đến đời mẹ tôi là con út, không cần dạy nhưng vẫn biết nghề tráng bánh tráng. Thời mẹ tôi có những lúc làm nghề khác nhưng khi nghề đó không còn tốt nữa nên bà quay lại nghề tráng bánh truyền thống gia đình, chỉ cần đắp cái lò lên là có thể kiếm cơm nuôi 7 đứa con”, bà Lan kể.

Khi đến thế hệ của bà tiếp nối nhưng bà lại đi làm nghề khác. Mặc dù vậy, một thời gian sau, cảm thấy nhớ nghề tráng bánh nên bà Lan bỏ việc để gìn giữ nghề truyền thống gia đình.

Bà Lan chỉ có mỗi đứa con gái nên bà muốn con nối nghiệp và truyền lại cho 2 cháu ngoại. Hai cháu ngoại sống trong cái nôi của nghề truyền thống gia đình nên cũng tự biết cách tráng bánh, dù còn nhỏ tuổi.

Hiện nay, số hộ gắn bó với nghề tráng bánh tráng truyền thống ở xã Phú Hòa Đông đang giảm dần.

“Chuyện gìn giữ được hay không là do tâm huyết của con cháu, nếu còn yêu thích thì làng nghề truyền thống sẽ trường tồn”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, thời bây giờ, các gia đình đều ít con nên rất khó để các con tiếp nối nghề kiểu cha truyền con nối. Muốn giữ được nghề truyền thống, chỉ có cách là truyền bá nghề cho nhiều thế hệ biết, để nếu có người đam mê thì sẽ học hỏi, ai thích thì học, ai học thì dạy. Có thể cho học sinh trải nghiệm tại lò tráng bánh, cho các cháu làm trực tiếp để cảm nhận nghề truyền thống này.

oplus_32

Các em học sinh được tham quan, trải nghiệm tráng bánh tráng tại cơ sở của bà Lan. Ảnh: Hương Lan

Kết hợp với du lịch để gìn giữ làng nghề truyền thống

Bà cũng cho rằng, chỉ cần quảng bá cho nhiều người biết về làng nghề truyền thống để ai yêu thích sẽ học và tiếp nối nghề.

“Đây cũng là lý do tôi muốn truyền thông vào cuộc để quảng bá làng nghề, chứ trước đó tôi không chú trọng đến vấn đề này. Sau khi nhận thấy nghề bánh tráng truyền thống có nguy cơ mai một dần nên làng bánh tráng ở đây đã cởi mở hơn với việc quảng bá rộng rãi trên truyền thông, mạng xã hội”, bà Lan nói và cho biết, nghề bánh tráng truyền thống có thể nuôi sống được gia đình nếu cần cù siêng năng, giàu thì không, nhưng nếu chịu khó thì sẽ có dư.

Bánh tráng ớt là một trong những món được gia đình bà Lan sáng tạo ra để thu hút khách, phát triển làng nghề bánh tráng.

Do vậy, để phát triển nghề bánh tráng truyền thống của gia đình và làng bánh tráng, cũng như kiếm thêm thu nhập, bà Lan cùng con gái đã sáng chế ra nhiều món bánh tráng khác nhau, mỗi món mỗi hương vị nhưng vẫn lưu giữ được hương truyền thống.

Việc liên tục tạo ra món mới nhằm thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Trong đó kể đến là món bánh tráng ớt, bánh tráng trộn,… Đây cũng là một trong những cách làm phù hợp với xu hướng hiện nay khi vừa phát triển sản phẩm vừa kết hợp với du lịch để quảng bá, bên cạnh việc đào tạo thế hệ kế cận.

Nhờ vậy, kinh tế gia đình bà Lan đã cải thiện hơn một chút so với những hộ khác. Mỗi dịp lễ, Tết cơ sở của bà như là địa điểm tham quan, trải nghiệm quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế mỗi lần ghé Củ Chi du lịch.

Để phát triển nghề bánh tráng truyền thống buộc phải thay đổi hướng đi, sáng tạo ra nhiều món bánh tráng để hút khách du lịch.

Đi sâu hơn vào vấn đề tìm cách giữ được nghề tráng bánh truyền thống, theo bà Lan, cái khó khăn nhất hiện nay là giá gạo tăng “chóng mặt”, nhưng giá bán bánh tráng không thể tăng theo.

Như hồi xưa người dân kiếm lời nhờ giá gạo thấp, còn bây giờ chỉ còn cách lấy công làm lời. Đây là cái khó chung nhất mà cả làng bánh tráng Phú Hòa Đông đều gặp phải.

“Tôi cũng mong muốn 2 cháu ngoại sau này tiếp nối nghề bánh tráng của gia đình. Mặc dù vậy, còn tùy thuộc vào cơ duyên nữa, nếu cháu ngoại đam mê với nghề sẽ phát huy nghề bánh tráng bằng cách kết hợp với cách làm hiện đại như đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến. Ai cũng muốn làng nghề truyền thống trường tồn nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố lắm”, bà Lan tâm sự.

Những hiện vật để tráng bánh tráng thủ công thời xưa tại Làng bánh tráng.

Gìn giữ làng nghề bánh tráng truyền thống không chỉ là trách nhiệm của người dân địa phương mà còn của toàn xã hội. Đó là cách để bảo tồn những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững. Chỉ khi có sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời, làng nghề mới có thể vượt qua những thách thức và tiếp tục phát triển trong tương lai.

Tứ Quý/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM

https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/gia-dinh-4-doi-lam-banh-trang-o-tphcm-neu-con-yeu-thich-lang-nghe-se-truong-ton-c8a84370.html

BÀI LIÊN QUAN