8h sáng mỗi ngày, Xiong trong màu áo blouse trắng bắt đầu công việc tại một bệnh viện ở thành phố Thành Đô (Trung Quốc), phụ trách chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân cao tuổi.
Sau giờ làm, chị lập tức đến trạm thu mua phế liệu của gia đình để phụ giúp bố mẹ. Công việc kết thúc lúc 22h đêm.
“Lúc đầu làm song song hai việc cũng oải lắm, nhưng giờ quen rồi”, Xiong chia sẻ.
Câu chuyện của nữ bác sĩ trẻ nhận nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội Trung quốc. Người ngưỡng mộ ví cô như nhân vật phim, người lại dè bỉu cho rằng nghề phế liệu làm mất giá danh xưng bác sĩ.
“Tôi làm nhiều thì bố mẹ sẽ đỡ vất vả hơn, đồng thời cũng học được thêm một kỹ năng sinh tồn”, Xiong nói và cho biết từ tiểu học đã bắt đầu phụ giúp bố mẹ, lớn lên cũng không thấy xấu hổ hay ngại ngùng.
Hiện tại, lương tháng của Xiong ở bệnh viện là 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14,5 triệu đồng). Trong khi đó, lợi nhuận tại bãi phế liệu cao hơn rất nhiều, dao động 800 – 1.000 tệ/ngày (2,8 – 3,6 triệu đồng), trung bình mỗi tháng lên tới 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng). Dù bố mẹ không trả lương cố định nhưng vẫn thường cho cô tiền sinh hoạt nhiều hơn.
Xiong học chuyên ngành phục hồi chức năng ở trường đại học, sau khi tốt nghiệp đã làm việc tại bệnh viện được 4 năm. Công việc tại bệnh viện rất chú trọng vệ sinh cá nhân và sự tỉ mỉ, cẩn trọng, còn khi về bãi phế liệu, hình ảnh của Xiong lại hoàn toàn khác.
Từ những năm 2020, Xiong không ngại chia sẻ công việc của mình trên mạng xã hội,ghi lại những khoảnh khắc lao động chân thực như bê chồng bìa carton chạy mưa hay bới lọc ốc vít giữa đêm giá rét.
Trước lời chỉ trích như “không biết xấu hổ”, cô gái 26 tuổi mạnh mẽ đáp: “Kiếm được tiền sao mà phải ngại”.
Câu chuyện của chị Hùng phản ánh sự thay đổi trong quan niệm nghề nghiệp của giới trẻ Trung Quốc, khi họ đặt hiệu quả tài chính và tự chủ cá nhân lên trên địa vị xã hội.