Gen Z háo hức rủ nhau dự “concert quốc gia” 

Kiều Giang

Phóng viên

Giới trẻ gọi sự kiện Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là “concert quốc gia”. Cách gọi hài hước nhưng đầy tự hào, thể hiện tinh thần dân tộc và quan tâm đến lịch sử đất nước theo cách rất riêng của Gen Z.

Trên mạng xã hội Tik tok, facebook… những ngày này không chỉ ngập tràn sắc đỏ của màu cờ tổ quốc, mà còn rộn ràng bởi những thông tin, hình ảnh…giới trẻ chia sẻ cho nhau, rủ rê nhau đi dự “concert quốc gia”.

Hình ảnh tại buổi hợp luyện diễu binh, diễu hành tại TP. HCM (Ảnh: Ngọc Dương)
Hình ảnh tại buổi hợp luyện diễu binh, diễu hành tại TP. HCM (Ảnh: Ngọc Dương)

Mình đã có kế hoạch tiền trạm từ 2 tuần trước rồi. Dự tính là tối 29/4 sẽ ra đường Lê Duẩn giữ chỗ luôn. Đã chuẩn bị đầy đủ đồ nghề: sạc dự phòng, nước, quạt tay, cờ đỏ sao vàng…”, một bạn trẻ chia sẻ trên facebook.

“Concert quốc gia” là một cụm từ đang được giới trẻ Việt Nam sử dụng một cách sáng tạo và hài hước để chỉ những sự kiện trọng đại mang tầm quốc gia, thu hút sự quan tâm rộng khắp của công chúng.

Dù không phải là một buổi hòa nhạc theo đúng nghĩa đen nhưng cách gọi này thể hiện tinh thần sôi động, quy mô hoành tráng và sức lan tỏa mạnh mẽ của sự kiện – tương tự như một đại nhạc hội lớn.

“Concert quốc gia” với chuỗi sự kiện trọng đại kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Trong đó, Day 5 của sự kiện, được nhiều người ví như “đêm diễn chính” – chính là ngày 30 tháng 4, với lễ kỷ niệm cấp quốc gia diễn ra trang trọng tại đường Lê Duẩn, TP. Hồ Chí Minh từ 6h đến 10h sáng.

Góc nhìn trẻ về một sự kiện trọng đại

Ảnh: Ngọc Dương
Ảnh: Ngọc Dương

Không bỏ qua cơ hội để tham gia vào một sự kiện trọng đại của đất nước, nhiều bạn trẻ chủ động tìm hiểu kỹ lịch trình, lên kế hoạch đi xem, thậm chí lập nhóm để cùng “dự concert”.

Ngọc Hân (21 tuổi, Cà Mau) cho biết sẽ có mặt tại trung tâm TP.HCM từ 5h sáng ngày 30-4: “Mình xác định sẽ phải đứng chen một chút, nhưng không sao. Được trực tiếp thấy đoàn quân diễu binh là vui rồi.”

Với những người không thể có mặt trực tiếp tại TP.HCM, việc theo dõi từ xa cũng được xem là một hình thức “dự concert”.

Ngọc Hùng (23 tuổi, Đồng Nai) lên kế hoạch xem truyền hình trực tiếp lễ diễu binh tại nhà, mặc áo cờ đỏ, tay cầm cờ Tổ quốc và chụp ảnh “check-in cùng màn hình”.

Không nhất thiết phải có mặt ở đó mới cảm nhận được tinh thần của ngày lễ. Mỗi người sẽ có một cách khác nhau để thể hiện lòng tự hào,” Ngọc Hùng chia sẻ.

Từ mạng xã hội đến đường phố: Sống lại niềm tự hào dân tộc

Ảnh: ZNews
Ảnh: ZNews

Những ngày này, các buổi hợp luyện diễu binh – diễu hành ở trung tâm TP.HCM thu hút đông đảo người xem đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Dù chỉ là luyện tập, nhưng từng bước chân đều tăm tắp, tiếng nhạc quân hành rộn rã, tiếng hô vang rền… đã khiến nhiều người xúc động.

Xem tập luyện thôi mà đã nổi da gà. Mỗi khối diễu hành như kể lại một câu chuyện,” Thùy Vân (22 tuổi, Bình Định) chia sẻ. “Mình nghĩ ai cũng nên dành thời gian để nhớ về lịch sử và cảm ơn vì mình đang được sống trong hòa bình.”

Trên mạng xã hội, không khí “đi concert” cũng rộn ràng không kém.

“Trời ơi tui có thể lụy diễu binh 30/4 mãi mãi!”, “Ở đây có cảm xúc bùng nổ với concert quốc gia”, “Đi đi, đã lắm lắm cả nhà ơi!”, “Hướng dẫn đu trend concert quốc gia cho người hướng nội”…  Những chia sẻ đầy hài hước và cũng không kém phần hào hứng của các bạn trẻ ngập tràn facebook.

Các Gen Z còn truyền nhau một số kinh nghiệm : “Đi sớm tầm 16h hôm trước để có view đẹp, mang quạt tay, pin dự phòng, sạc đầy điện thoại để vừa xem vừa quay lại những khoảnh khắc đáng nhớ”.

“Concert quốc gia” không chỉ là cách Gen Z gọi vui sự kiện trọng đại này, mà còn là cách họ chọn sống cùng lịch sử theo cách riêng – gần gũi, thực tế, đầy cảm xúc.

Trong một ngày đặc biệt của dân tộc, mỗi lá cờ nhỏ được giơ lên, mỗi bước chân tiến về phía trước – đều là một phần trong bản giao hưởng thầm lặng nhưng đầy tự hào mang tên Việt Nam.

“Concert quốc gia” không chỉ gói gọn trong lễ diễu binh chính thức từ 6h đến 10h sáng trên đường Lê Duẩn vào ngày 30-4, mà là chuỗi hoạt động kéo dài từ giữa tháng 4, trải đều nhiều địa điểm và thời điểm khác nhau.

Ảnh: Bao Han Vu Ngoc
Ảnh: Bao Han Vu Ngoc

Lịch trình cụ thể như sau:

18/4 và 22/4 (21h – 24h): Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành trên đường Lê Duẩn.

25/4 (20h – 23h): Sơ duyệt cấp Nhà nước.

27/4 (7h – 12h): Tổng duyệt cấp Nhà nước.

6h – 10h: Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước tại đường Lê Duẩn.

19h – 21h30: Trình chiếu nghệ thuật 3D Mapping tại trụ sở UBND TP.HCM.

20h30: Trình diễn 10.500 drone nghệ thuật trên sông Sài Gòn.

21h: Pháo hoa tầm cao tại TP Thủ Đức và Củ Chi; pháo hoa tầm thấp tại 28 điểm quận, huyện TP.HCM.

Bên cạnh đó còn có diễu hành của lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh và chương trình cộng đồng “Vũ điệu khăn rằn” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Để tạo điều kiện cho người dân theo dõi, TP.HCM cũng bố trí 22 màn hình LED lớn tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, giúp lan tỏa không khí “concert” khắp nơi.

BÀI LIÊN QUAN