Cứ mỗi buổi chiều tại công viên 30/4 góc Công xã Paris, Hàn Thuyên, Quận 1, người đi đường lại bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ tóc đã lấm tấm bạc, dáng người gầy gò ngồi ở góc đường.
Sạp hàng đặt trước mặt bà là đủ thứ đồ ăn vặt, từ bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, cho tới xoài lắc, cóc lắc, tré trộn. Người phụ nữ có mái tóc hoa râm ngồi trước gánh hàng rong chờ du khách đi qua ủng hộ. Thỉnh thoảng bà lại đi quanh công viên để giới thiệu về những món ăn do chính tay mình làm.
Bà Sen (67 tuổi) mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng trộn đã hơn 20 năm.
Niềm vui của bà là mỗi ngày có những vị khách quen đến ủng hộ.
Được biết, bà Sen quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, bà cho biết gia đình nhiều đời làm nông, trồng khoai. Từ nhỏ bà đã gắn bó với công việc vất vả này, hơn nữa đời người “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng cũng không dư dả được mấy đồng, bà quyết định vào TP.HCM cùng 5 người con để kiếm kế mưu sinh. Công việc đầu tiên bà làm là đi bán vé số dạo. Nhưng vừa bán được mấy hôm, bà bị giật toàn bộ số vé số vừa mới lấy từ đại lý vào đầu ngày. Hết vốn, bà chuyển sang nghề bán bánh tráng trộn, bánh tráng nướng mưu sinh.
Tất cả các nguyên liệu đều được bà chuẩn bị sạch sẽ, thơm ngon.
Hiện tại bà đang sinh sống ở Quận 3, hàng ngày từ sáng sớm bà đi chợ mua nguyên liệu về để chuẩn bị cho gánh hàng của mình, từ xoài, cóc, hành lá, thịt bằm, đều được bà chuẩn bị sạch sẽ. Khoảng 10h sáng, bà đi tới khu vực trước Nhà thờ Đức Bà để bán, đến chiều bà di chuyển sang góc Công xã Paris, Hàn Thuyên bán hàng đến 22 giờ đêm mới thu dọn hàng trở về khu nhà trọ.
“O bán ở đây lâu rồi nên cũng có nhiều khách quen, mấy bạn trẻ làm ở mấy tòa nhà cao cao gần đây hay gọi đặt trước rồi o đi bộ mang qua, cứ 3 trộn 3 nướng. Bán được o mừng lắm. Nhưng mà mấy hôm nay Sài Gòn mưa lớn nên cũng ế, mà mưa bất chợt chạy không kịp là ướt hết” – bà Sen chia sẻ.
Bà chọn địa điểm này ngồi bàn hàng vì đây là khu vực có nhiều khách du lịch qua lại, ngay đằng sau lại là công viên, có ghế tựa để đôi khi vào nghỉ ngơi. Đặc biệt, để bán được cho khách nước ngoài nên bà Sen cũng tự học mấy từ tiếng anh để đi chào khách như “mango”, “Twenty five”,“Twenty” được bà nói một cách tự tin, rành rọt.
Bà Sen tâm sự: “O cũng biết là bán rong ngoài đường lấn chiếm vỉa hè là không đúng nhưng do không có công ăn việc làm, lại chẳng có vốn mở cửa hàng nên đành bươn chải với nghề. O cũng lớn tuổi rồi, bị rối loạn tiền đình, có hôm đang nướng bánh tráng mà xỉu người ta phải đưa vô bệnh viện giúp“.
Thông thường bà sẽ bán ở khu vực Nhà thờ Đức Bà, TP.HCM, nhưng mỗi năm đến dịp Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu được tổ chức vào rằm tháng giêng ở Bình Dương thì bà lại nhờ mấy người con chở lên đây để bán, kiếm thêm ít tiền để dành về thăm quê.
Ở Huế, gia đình bà Sen cũng còn mấy sào ruộng nhưng trồng lúa thu nhập ba cọc ba đồng, không thể nuôi đủ miệng ăn trong nhà. Hiện giờ đành cho người ta thuê, cũng gọi là có thêm đồng ra đồng vào. Vì đường xa, chi phí đi lại đắt đỏ nên một năm bà Sen cũng không về thăm quê được mấy lần. Dẫu vậy, Huế vẫn là một mảnh đất khiến bà thương nhớ. Hiện tại, khi trò chuyện, bà Sen vẫn tự xưng là o – một cách gọi đặc trưng của xứ Huế.
Dù cuộc sống mưu sinh nơi thành phố phồn hoa có nhiều khó khăn và thử thách, nhưng những người lớn tuổi rời quê vào TP.HCM như bà Sen vẫn luôn giữ trong tim mình hình ảnh quê hương thân thuộc. Họ mang theo những kỷ niệm, giá trị truyền thống và tình yêu thương từ những người con trong gia đình để làm động lực vượt qua những mệt mỏi và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Ngọc Hân/Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM