FOPO khiến bạn sống vì ánh mắt người khác và đánh mất chính mình

Chí Phú

Biên tập viên

FOPO (nỗi sợ ánh nhìn, lời đánh giá của người khác) đang âm thầm len lỏi vào cuộc sống hiện đại, bào mòn sự tự tin và niềm vui của mỗi chúng ta.

FOPO, hay nỗi sợ ý kiến người khác, có thể đang ngăn bạn trở thành chính mình.
FOPO, hay nỗi sợ ý kiến người khác, có thể đang ngăn bạn trở thành chính mình.

Trong khi nhiều người đang loay hoay tìm cách quản lý nợ nần, như câu chuyện Jennifer Allan dùng ChatGPT để trả bớt khoản nợ 23.000 USD, thì một số khác lại đối diện với gánh nặng tinh thần còn lớn hơn, đó là nỗi sợ bị phán xét, tẩy chay, không được chấp nhận.

FOPO, viết tắt từ “fear of people’s opinions” (nỗi sợ ý kiến người khác), do nhà tâm lý học Michael Gervais đặt ra, thực chất không mới nhưng nay trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nó như chiếc bóng vô hình dẫn dắt hành vi của chúng ta, khiến ta co lại, điều chỉnh bản thân chỉ để vừa mắt mọi người.

Khi xã hội ngày càng sợ bị nhìn ngó

Ở Việt Nam, PGS Phạm Tiến Nam (Trường đại học Y tế Công cộng) cảnh báo về tình trạng rối loạn lo âu, trong đó có ám ảnh sợ xã hội, đang ngày càng gia tăng. 

“Một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến hiện nay là rối loạn lo âu gồm mắc ám ảnh sợ xã hội, rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn hoảng sợ”, ông nói.

Theo PGS Phạm Tiến Nam, những người mắc ám ảnh sợ xã hội thường có cảm giác xấu hổ, sợ bị phán xét, bị từ chối, dẫn đến lo âu mạnh kèm các triệu chứng như đánh trống ngực, đỏ mặt, khô miệng. Nhiều người chọn uống rượu hoặc dùng thuốc để tạm xoa dịu, lâu dài dẫn đến nghiện và trầm cảm.

Ở Trung Quốc, hơn 80% sinh viên được khảo sát nói họ có triệu chứng rối loạn lo âu xã hội ở mức nhẹ, 7% nặng hơn. 

Huang Jing, nhà tâm lý học tại Hàng Châu, cho biết: “Một điều khá phổ biến ở thanh thiếu niên ngày nay đó là họ từ chối ra khỏi nhà hay gặp ai. Họ phụ thuộc quá nhiều vào giao tiếp không trực tiếp”.

Câu chuyện của một sinh viên 21 tuổi (giấu tên) ở TP.HCM đăng trên Tuổi Trẻ cũng cho thấy sau nhiều lần thất bại khi đứng trước đám đông thuyết trình, cô bắt đầu tránh giao tiếp, thậm chí nghĩ việc mình nói ra sẽ khiến người khác cười chê. 

“Em luôn sợ ánh mắt mọi người, sợ nói sai sẽ bị chê dở, thà im lặng còn hơn”, cô chia sẻ.

FOPO không chỉ làm chúng ta kiệt quệ

Michael Gervais phân tích FOPO thường diễn ra qua ba giai đoạn: lo trước (anticipation), soi xét (checking) rồi đáp ứng (responding). Bạn lo người khác nghĩ gì về mình, rồi quan sát nét mặt, giọng nói để đoán ý, cuối cùng thì thay đổi chính mình để được chấp nhận.

Vậy làm sao bạn biết mình đang để ý kiến người khác làm mất đi sự chân thật của chính mình? Theo Gervais, có nhiều dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc FOPO, dưới đây là một số ví dụ phổ biến:

  • Kiểm tra điện thoại để tỏ ra bận rộn hay quan trọng. “Đó là một trò xã giao khá buồn cười để tránh bị dễ tổn thương hay trở nên vụng về trước đám đông”, Gervais nói.
  • Cười trước một câu chuyện đùa mà bạn thật sự không thấy vui.
  • Uống rượu trong buổi tiệc dù bạn không muốn.
  • Căng thẳng khi gọi món ở quán cà phê vì sợ gọi sai hoặc làm chậm dòng người phía sau.
  • Ở lại công ty muộn chỉ vì sếp vẫn còn ngồi đó.
  • Nói dối về tuổi tác ở nơi làm việc, nhất là trong những ngành ưu ái người trẻ.
  • Giả vờ đã xem một bộ phim mà thực ra bạn chưa từng xem.

Vấn đề là FOPO không chỉ làm tinh thần mệt mỏi mà còn khiến hiệu suất công việc giảm. 

“Người chịu FOPO sẽ mất tự tin vào bản thân, hiệu suất sa sút, giống như điện thoại mở quá nhiều ứng dụng ngầm, pin tụt nhanh”, Gervais nói với Forbes.

Li Li, 17 tuổi ở Thượng Hải (Trung Quốc), chia sẻ với SCMP: “Em có thể nói rất nhiều trên mạng, nhưng gặp người ngoài thì ngại ngùng, không biết nói gì. Vì trên mạng an toàn hơn, ít nhất mình không nhìn thấy họ”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Hồng Minh (Trung tâm Tâm lý Việt Pháp) chia sẻ về trường hợp một giám đốc trẻ tuổi, luôn ở lại công ty đến khuya chỉ vì ngại ra về trước mặt sếp lớn, sợ bị đánh giá lười.

“Cậu ấy không nhận ra mình đang kiệt sức chỉ vì sợ ánh nhìn của người khác”, bà Minh nói.

Bạn có thể đang mắc FOPO nếu luôn thu mình lại chỉ để làm vừa lòng những người xung quanh.
Bạn có thể đang mắc FOPO nếu luôn thu mình lại chỉ để làm vừa lòng những người xung quanh.

Đừng để FOPO lái cuộc đời bạn

FOPO bắt nguồn từ nhu cầu bẩm sinh muốn được chấp nhận. Thời xa xưa, bị loại khỏi bộ lạc đồng nghĩa với cái chết. Nhưng ngày nay, điều đó chỉ còn là tàn dư của một phản xạ cũ, không còn phù hợp. 

Gervais khuyên rằng, thay vì hỏi “Mọi người nghĩ gì về tôi?”, hãy tự hỏi “Tôi có đang sống đúng giá trị của mình không?”.

Aparna Sagaram, chuyên gia trị liệu ở Philadelphia (Mỹ), nói trên HuffPost: “Điều quan trọng là bạn nhận ra mức độ để ý ý kiến người khác đang ảnh hưởng đến mình tới đâu”.

Bà gợi ý hãy thử nhìn lại quá khứ, hỏi xem: “Những năm 20 tuổi, tôi ước gì mình ít bận tâm hơn chuyện thiên hạ nghĩ gì?”. Đó là cách để nhận ra bạn đã bỏ lỡ những điều gì vì sợ ánh nhìn của người khác.

FOPO cũng giống Jennifer Allan khi quay lưng với con số nợ. Chỉ khi đối diện, cô mới thay đổi. Cô chia sẻ trên Newsweek: “Tôi không còn sợ nhìn vào bảng nợ nữa. Tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn, như có thể chinh phục mọi thứ”.

Đừng để FOPO khiến bạn chọn con đường không phải của mình, sống theo sự mong đợi của người khác. Bởi sau cùng, hầu như ai cũng bận bịu lo về chính họ hơn là phán xét bạn.

BÀI LIÊN QUAN