Emojis: Ngôn ngữ rắc rối nhất trên mạng?

Chí Phú

Biên tập viên

Emojis đang trở thành một thứ “ngôn ngữ” quan trọng giúp chúng ta biểu đạt và kết nối online, nhưng chính vì sự thay đổi nghĩa qua từng ngữ cảnh, chúng cũng dễ gây hiểu lầm hơn bao giờ hết.

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao một biểu tượng mặt cười hay ngón tay cái lại làm mình thấy khó chịu, hoặc bối rối, thay vì vui vẻ như tưởng tượng?

Chuyện này thực ra đang xảy ra khắp thế giới, bởi emojis không còn đơn thuần là hình minh họa cảm xúc như thuở ban đầu.

Ban đầu, emoji được nghệ sĩ Nhật Shigetaka Kurita tạo ra cuối những năm 1990 để thêm sắc thái tình cảm cho tin nhắn văn bản. Nhưng giờ đây, chúng đã phát triển thành các biểu tượng văn hóa, thậm chí còn là “dấu hiệu nhận dạng” thế hệ.

Một nghiên cứu với người dùng WeChat cho thấy không chỉ tần suất sử dụng emoji khác nhau giữa người trẻ và người lớn tuổi, mà cả cách họ diễn giải và gu thẩm mỹ cũng khác biệt. 

Biểu tượng mặt cười chảy nước mắt 😂 từng được từ điển Oxford chọn là “từ của năm 2015” nay đã giảm dần độ phổ biến trong giới Gen Z, vốn từ 2020 đã cho rằng nó… “quê”. 

Thay vào đó, Gen Z thích dùng hình đầu lâu 💀 để thể hiện “I’m dead”, nghĩa là “buồn cười muốn chết”.

Điều này phản ánh cách xã hội số phân hóa mạnh mẽ theo thế hệ. Người lớn tuổi dễ cảm thấy lạc lõng, hoặc hiểu nhầm, khi văn hóa online liên tục biến đổi với tốc độ chóng mặt. 

Vì thế, một biểu tượng tưởng chừng phổ quát lại trở nên rất riêng tư, gắn liền với người gửi, người nhận, nền tảng đang dùng và thậm chí cả nhóm tuổi.

emojis1

Sự khác biệt này còn rõ nét hơn khi emojis đi vào môi trường làm việc. 

Một khảo sát 10.000 nhân viên tại Mỹ, Pháp, Đức, Ấn Độ và Úc do YouGov cùng Atlassian thực hiện cho thấy, 65% dùng emoji để truyền tải sắc thái giao tiếp nơi công sở. 

Nhưng trong khi 88% Gen Z thấy emoji hữu ích, tỷ lệ này chỉ còn 49% ở thế hệ baby boomer và Gen X. 

Một video TikTok gần đây của @kaitlynghull cũng lan truyền mạnh, khi nhiều người bày tỏ hoang mang không biết emoji nào “an toàn” khi chat với đồng nghiệp.

Ở góc độ xã hội, emoji giống như “ngôn ngữ hình thể” kỹ thuật số, mỗi nền tảng lại có kiểu diễn đạt riêng. 

Ví dụ, một biểu tượng 👍 từ sếp có thể chấp nhận được, nhưng từ một người đang tán tỉnh có thể khiến đối phương bối rối. Đây là những dấu hiệu nhỏ nhưng phản ánh rõ nét các chuẩn mực xã hội mới đang hình thành trên không gian mạng.

emojis2

Đáng chú ý, emoji còn là công cụ tạo dựng hình ảnh cá nhân, đặc biệt trên TikTok. 

Với hashtag #emojicombo, người dùng khoe các tổ hợp emoji để thể hiện phong cách “that girl” (một cô gái luôn chỉn chu, chăm sóc bản thân, sống lành mạnh, truyền cảm hứng), “clean girl” (phong cách nhẹ nhàng, tối giản, ưu tiên vẻ đẹp tự nhiên, tinh tế) hay “old money” (phong thái sang trọng, thanh lịch, giàu có kiểu “con nhà giàu lâu đời”, tránh phô trương). 

Chúng trở thành thứ “vốn biểu tượng”, giúp người dùng khẳng định vị trí mình trong trật tự văn hóa online, nơi độ phổ biến gắn liền với sự “thông thạo nền tảng”.

Từ đó có thể thấy, emoji không chỉ để truyền đạt cảm xúc. Chúng còn là “huy hiệu” nhận diện, định vị người dùng trong hệ sinh thái kỹ thuật số. 

Khi nghĩa của emoji phụ thuộc vào nền tảng và tầng lớp văn hóa sử dụng, nó trở thành công cụ giúp “hòa nhập” hơn là chỉ bày tỏ tâm trạng.

Điều quan trọng là công chúng cần hiểu emoji không phải lúc nào cũng mang nghĩa chung. Một hình mặt cười có thể hài hước, mỉa mai hay chân thành, tùy thuộc vào người dùng, nền tảng và ngữ cảnh. 

Nhận thức được sự đa tầng nghĩa này giúp chúng ta giao tiếp cởi mở hơn, giảm bớt hiểu lầm không đáng có.

BÀI LIÊN QUAN