“Đường ăn kiêng” erythritol có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Phạm Sinh

Phóng viên

Theo một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Colorado ở Boulder (Mỹ) vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Journal of Applied Physiology cho biết, chất làm ngọt nhân tạo erythritol có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Theo đó, chất erythritol là một trong các chất tạo ngọt thường được sử dụng trong các sản phẩm đồ uống, bánh, ngũ cốc được dán nhãn “không đường”, “ít đường”, “ít calo”… hoặc bán riêng dưới dạng đường ăn kiêng.

Được biết, chất này là một loại đường rượu, một loại carbohydrate tự nhiên có trong một số loại trái cây và rau quả, nhưng cũng được sản xuất công nghiệp bằng cách lên men glucose. Nó có vị ngọt bằng khoảng 60-70% so với đường mía, nhưng chỉ chứa khoảng 6% lượng calo của đường. 

Bên cạnh đó, chất này cũng tồn tại một ít trong tự nhiên trong một số loại trái cây và rau củ cũng như được sản xuất nội sinh trong cơ thể người.

Erythritol không được hấp thụ hoàn toàn bởi cơ thể và được thải ra ngoài qua nước tiểu, do đó nó không làm tăng lượng đường trong máu hoặc insulin. 

Trước đây, erythritol được cho là tốt cho sức khỏe bởi không chứa calo, không làm tăng đường huyết như đường thật. Vì vậy, năm 2001, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận erythritol như một chất thay thế đường cho người mắc bệnh béo phì, chuyển hóa…

duong_an_kieng_erythritol

Chất tạo ngọt erythritol có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim – ảnh minh họa

Tuy nhiên, các bằng chứng mới cho thấy việc bổ sung thêm erythritol dưới dạng chất làm ngọt nhân tạo lại có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu tại Đại học Colorado đã phân tích dữ liệu của 4.000 người, được theo dõi trong vòng 3 năm và phát hiện ra cả nam giới lẫn nữ giới có mức erythritol trong cơ thể cao hơn thông qua việc bổ sung dưới dạng chất tạo ngọt có nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim cao hơn đáng kể so với bình thường.

Theo GS Christopher DeSouza – tác giả chính của nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm để tìm kiếm nguyên nhân erythritol trở nên nguy hiểm.

Tại phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã xử lý các tế bào trong mạch máu não người trong 3 giờ với lượng erythritol vừa đủ để mô phỏng việc sử dụng một loại đồ uống “ăn kiêng”.

Kết quả các tế bào biểu hiện ít oxit nitric – một phân tử có tác dụng làm giãn và mở rộng mạch máu hơn đáng kể. Đồng thời, nhiều endothelin-1, một loại protein có tác dụng làm co mạch máu.

Trong khi đó, khi tiếp xúc với hợp chất hình thành huyết khối (cục máu đông) gọi là thrombin, quá trình sản xuất hợp chất phá huyết khối tự nhiên t-PA của tế bào đã giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, các tế bào được xử lý bằng erythritol cũng sản sinh ra nhiều loại oxy phản ứng hơn, hay còn gọi là gốc tự do, là sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất có thể làm tế bào lão hóa, tổn thương và gây viêm mô.

Nhìn chung, nếu mạch máu của bạn bị co thắt nhiều hơn và khả năng phá vỡ cục máu đông giảm đi, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ tăng lên” – Auburn Berry, đồng tác giả  nghiên cứu giải thích trên tờ Sci-News.

 GS DeSouza cũng cảnh báo: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ sử dụng một lượng nhỏ chất thay thế đường. Đối với những người tiêu thụ nhiều khẩu phần mỗi ngày, tác động có thể còn tệ hơn”.

Ngoài nguy cơ về vấn đề tim mạch như phân tích ở trên, nếu lạm dụng erythritol, người dùng còn có thể gặp vấn đề tiêu hóa. Cụ thể, một số người có thể gặp các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy khi tiêu thụ erythritol với lượng lớn. 

Đặc biệt, erythritol cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ đối với những người có bệnh lý nền. 

Vì vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, người có bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc các vấn đề tiêu hóa nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng erythritol.

BÀI LIÊN QUAN