Dùng phải thuốc sát trùng giả, người đàn ông suýt mất mạng thật

Phạm Sinh

Phóng viên

Một người đàn ông tại Hà Nội dùng cồn để súc miệng và ngậm để chữa đau răng nhưng đã rơi vào hôn mê, tổn thương não nghiêm trọng do mua phải cồn sát trùng giả.

Người đàn ông tổn thương não nghiêm trọng khi dùng phải “cồn” y tế  giả

Theo đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai mới tiếp nhận người đàn ông 55 tuổi (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Kết quả xét nghiệm, trong máu bệnh nhân chứa nồng độ cồn công nghiệp methanol cao 116,63 mg/dL và kết quả chụp MRI não xuất hiện tổn thương hoại tử nhân bèo và biến chứng chảy máu não.

 Đáng nói bệnh nhân không có tiền sử nghiện rượu, cơ thể khoẻ mạnh và thường có thói quen dùng cồn để súc miệng, ngậm chữa đau răng.

Con gia

Bệnh nhân phải đi cấp cứu vì dùng phải cồn y tế giả – ảnh: BVCC

Theo chia sẻ từ người nhà bệnh nhân, khoảng 1 tuần trở lại đây, bệnh nhân bị viêm tuỷ răng nên đã mua cồn 70 độ ở hiệu thuốc gần nhà về súc miệng và ngậm với thời lượng liên tục trong 1 giờ và ngày ngậm từ 3 – 4 lần.

Trước 3 ngày nhập viện, bệnh nhân ăn uống kém, xuất hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, người mệt mỏi, sau đó xuất hiện thêm triệu chứng nhìn mờ nên bệnh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Thần kinh – BV Bạch Mai.

Tại thời điểm nhập viện ban đầu, ngoài những triệu chứng kể trên, người bệnh tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn, tim phổi bình thường, không rối loạn cảm giác. Bên cạnh đó, hình ảnh MRI não xuất hiện ổ nhồi máu nhỏ nhân bèo trái.  Đồng thời, qua xét nghiệm khí máu cho thấy các chỉ số bất thường.

Tiếp đó, bệnh nhân giảm dần ý thức, đồng tử giãn, suy hô hấp, hôn mê phải đặt nội khí quản thở máy.

Nghi ngờ ngộ độc methanol nên ngay trong ngày, bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm Chống độc để đánh giá, xử trí, lọc máu do bị ngộ độc methanol.

Kết quả xét nghiệm mẫu cồn bệnh nhân sử dụng mặc dù nhãn mác ghi “Ethanol cồn 70 độ”, nhưng không hề có ethanol, mà cồn công nghiệp methanol chiếm đến 77,5%.

Vì vậy, việc bệnh nhân dùng “cồn” để ngậm thời gian dài, miệng có vết thương hở (viêm tuỷ răng) nên đã thẩm thấu qua niêm mạc và cũng không ngoại trừ quá trình ngậm bệnh nhân có nuốt phải.

 Đây là những nguyên nhân khiến bệnh nhân ngộ độc và dẫn đến tình trạng nguy kịch như hiện nay.

Cồn công nghiệp nguy hiểm như thế nào?

Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai, loại cồn sát khuẩn phổ biến là ethanol, còn methanol là cồn công nghiệp, là hóa chất độc hại, khả năng sát trùng rất kém và không được dùng để sát trùng.

 “Cồn công nghiệp methanol có thể dễ dàng hấp thu qua đường tiêu hóa, qua da và đường hô hấp. Methanol cũng dễ bốc hơi nên hít nhiều hoặc kéo dài cũng bị ngộ độc” – BS Nguyên chia sẻ.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng chia sẻ, tại Trung tâm chống độc, có những bệnh nhân bị tổn thương thần kinh mắt, tổn thương não mà không hề có triệu chứng ban đầu. Đến khi bệnh nhân nhập viện thì đã quá muộn, mắt đã mù, não đã hỏng…

Methanol khi vào cơ thể sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành formaldehyde và axit formic. Đây là hai chất cực độc gây tổn thương não, mù mắt, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời” – TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Các bác sĩ cũng cho biết, chỉ trong vài năm gần đây, Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc methanol với điểm chung là đều sử dụng các loại dung dịch dán mác “cồn y tế” không rõ nguồn gốc.

Nhiều chai cồn được bệnh nhân mang đến kiểm tra sau đó cho kết quả, chỉ chứa methanol và nước, hoàn toàn không có ethanol (cồn y tế thật) như công bố.

Con y te gia

Những chai cồn y tế giả được bệnh nhân mang đến Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Liên quan đến vấn đề vừa nêu, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ và thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, việc kinh doanh cồn công nghiệp bị buông lỏng dẫn đến việc cồn công nghiệp dễ dàng mua được và sử dụng với mục đích xấu.

Trước đây, cồn công nghiệp chủ yếu nhập khẩu và được phân biệt bằng màu xanh để tránh sử dụng nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau đó, trong nước tự sản xuất và việc phân biệt bằng màu xanh đã không được thực hiện khiến nhiều người lợi dụng để pha chế, trà trộn với cồn ethanol”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cùng với việc bắt buộc đánh dấu nhận diện methanol bằng chất chỉ thị màu, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc kiểm tra chặt loại hóa chất này và hoạt động sản xuất, phân phối cồn trên thị trường, đồng thời có chế tài xử lý mạnh đối với những người sử dụng cồn công nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người khác…

BÀI LIÊN QUAN