Tỷ lệ nghỉ ốm tăng có thể là tin xấu đối với các công ty Đức vào thời điểm nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng với thám tử tư Marcus Lentz ở thành phố Frankfurt, đây lại là cơ hội.
Văn phòng thám tử của Lentz nhận được lượng yêu cầu kỷ lục từ các công ty nhằm kiểm tra những nhân viên nghỉ phép của họ “có thực sự ốm hay không?”.
“Ngày càng nhiều công ty đau đầu với tình trạng này”, Lentz nói với AFP, đồng thời cho biết văn phòng thám tử của ông nhận được tới 1.200 yêu cầu như vậy trong năm 2024, gần gấp đôi so với năm trước đó.
Lentz cho biết có những trường hợp nhân viên nghỉ ốm 30, 40 hoặc thậm chí lên tới 100 ngày trong một năm, gây thiệt hại cho bên sử dụng lao động.
Từ các tập đoàn ô tô đến các nhà sản xuất phân bón, các công ty đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của tỷ lệ nghỉ ốm cao đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Một số ý kiến cho rằng việc thay đổi quy trình báo cáo nghỉ ốm đã khiến việc giả bệnh trở nên dễ dàng hơn. Trong khi đó, các chuyên gia chỉ ra rằng nguyên nhân đằng sau sự gia tăng này tương đối phức tạp, chẳng hạn người lao động chịu áp lực tinh thần và công việc.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hiện tượng trên đang tác động đến kinh tế Đức giai đoạn khó khăn. Họ đang bị chậm lại trong sản xuất và xuất khẩu, bị ví như “bệnh nhân của châu Âu”.
“Tác động là đáng kể và chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế”, Claus Michelsen, Giám đốc kinh tế tại Hiệp hội các công ty dược phẩm nghiên cứu của Đức, nhận định.
Hiệp hội ước tính tỷ lệ nghỉ ốm tăng đã làm giảm 0,8% sản lượng của Đức vào năm 2023, khiến nền kinh tế suy giảm 0,3%.
Theo cơ quan thống kê liên bang Destatis, trung bình người lao động ở Đức nghỉ ốm 15,1 ngày trong năm 2024, tăng so với mức 11,1 ngày vào năm 2021,
Công bảo hiểm y tế TK báo cáo số ngày nghỉ ốm trung bình của người lao động mà họ bảo hiểm là 14,13 trong 9 tháng đầu năm 2024, đạt mức cao kỷ lục.
Theo dữ liệu của OECD, người lao động ở Đức trung bình bỏ lỡ 6,8% số giờ làm việc của họ trong năm 2023 vì bệnh tật, cao hơn đáng kể hơn so với các quốc gia EU khác như Pháp, Italia và Tây Ban Nha.
Không ít lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ quan ngại về vấn đề này. Giám đốc điều hành Mercedes-Benz, Ola Kallenius, than phiền “tỷ lệ nghỉ ốm ở Đức đôi khi cao gấp đôi so với các quốc gia châu Âu khác”.
Tập đoàn xe điện Tesla của Elon Musk thậm chí được cho là đã cử bộ phận quản lý nhân sự tại nhà máy ở Đức đến tận nhà kiểm tra nhân viên đang nghỉ ốm.
Có ý kiến cho rằng việc hệ thống y tế cho phép bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nhận giấy chứng nhận nghỉ ốm từ bác sĩ qua điện thoại đang tạo điều kiện dễ dàng cho nhân viên nghỉ làm, hoặc thậm chí giả bệnh để nghỉ.
Một số nhóm ngành công nghiệp đang kêu gọi bãi bỏ quy định này, vốn được áp dụng lần đầu trong đại dịch COVID-19.
Thám tử Lentz cho biết nhiều trường hợp giả ốm trong thời gian dài thực chất là họ đang làm thêm việc gì đó. Ông đưa ra ví dụ về một người giúp vợ điều hành công việc kinh doanh trong khi đáng nghỉ ốm có phép. Có trường hợp nghỉ ốm dài hạn để sửa nhà.
Lentz cho biết các công ty đang tìm cách sa thải những nhân viên kém năng suất trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại có cái nhìn sâu sắc hơn về thực trạng nghỉ ốm gia tăng này.
Bettina Kohlrausch, Giám đốc khoa học viện WSI của Quỹ Hans Boeckler, một tổ chức liên kết với các công đoàn lao động Đức, cho rằng việc không nên “vội vã” đổ lỗi cho người lao động vì quyết định giả ốm để ở nhà.
“Những điều này che khuất cái nhìn về những nguyên nhân thực sự”, bà Kohlrausch, đồng thời chỉ ra các yếu tố thúc đẩy người lao động quyết định giả ốm nghỉ phép như điều kiện làm việc căng thẳng hơn, sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp và sự suy giảm các chính sách bảo vệ xã hội.