“Drama” mạng xã hội: Sự lan truyền văn hóa độc hại

Kiều Giang

Phóng viên

Sự tò mò, tâm lý a dua và nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) khiến nhiều người vô tình trở thành nạn nhân của những nội dung độc hại trên mạng xã hội.

“Drama” mạng xã hội: Sự lan truyền văn hóa độc hại

Thời gian qua, nhiều sự việc ồn ào liên tục xảy ra trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của dân mạng mà theo ngôn ngữ giới trẻ là “hóng/hít drama không kịp thở”. Hết streamer vướng lùm xùm từ thiện, tình ái đến KOLs quảng cáo sai sự thật. Phần lớn các vụ lùm xùm thường dính dáng đến người nổi tiếng có sức ảnh hưởng đến cộng đồng.

Gây “bão” bậc nhất thời gian qua có lẽ là vụ ồn ào tình ái của streamer ViruSs, Rapper Pháo và Tiktoker Ngọc Kem. Nhiều người vô cùng khó hiểu khi một phiên livestream đối chất, đấu tố lẫn nhau giữa ViruSs và Pháo kéo dài đến nửa đêm thu hút tới gần 5 triệu lượt xem, lúc cao điểm có đến 1,6 triệu người xem cùng lúc.

Vụ việc được bình luận, chia sẻ rầm rộ, lan truyền khắp cõi mạng. Rõ ràng, “drama” không còn là câu chuyện của người nổi tiếng mà trở thành “sân chơi” cho đám đông thể hiện quan điểm và đôi khi, công kích cá nhân.

Ồn ào tình ái của Streamer ViruSs là tâm điểm chú ý trên mạng xã hội thời gian qua.
Ồn ào tình ái của Streamer ViruSs là tâm điểm chú ý trên mạng xã hội thời gian qua.

Không ít bạn trẻ xem việc cập nhật nhanh “drama” như một cách khẳng định “mình đang theo kịp thời cuộc”. Thay vì dành thời gian cho các hoạt động ý nghĩa như học tập, làm việc hay phát triển bản thân, khiến đời sống tinh thần và tư duy bị chi phối bởi những câu chuyện thị phi trên mạng. Sự tò mò, tâm lý a dua và nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) khiến họ vô tình trở thành nạn nhân của những nội dung độc hại.

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy trăn trở: “Nhiều người trẻ đang dành thời gian, công sức, sự chú ý, quan tâm của họ cho những chuyện nhảm nhí, những thông tin đời tư thiếu kiểm chứng, những vấn đề mà lẽ ra nên “đóng cửa bảo nhau” được công khai “lột trần” trên mạng. Vậy thì “bản đồ văn hóa” của chúng ta, của giới trẻ đang như thế nào? Và giới trẻ đang đi về đâu, họ sẽ là ai trong tương lai? Họ sẽ làm được điều gì có ích cho chính họ, cho gia đình họ, cho cộng đồng, xã hội?”.

Nhiều người trẻ dành thời gian, công sức để
Nhiều người trẻ dành thời gian, công sức để “hóng drama” trên mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Mặt tích cực của “drama”

Những vụ ồn ào trên mạng vừa qua, ngoài những hệ lụy mà hầu như ai cũng thấy, thật ra cũng có điểm tích cực. Nhiều bạn trẻ đã bắt đầu nhận ra, hoặc cảm nhận một cách rõ ràng hơn sau bão “drama”, rằng việc suốt ngày “hóng biến”, theo dõi những luồng thông tin tiêu cực trên mạng chẳng giúp ích gì, mà còn gây mất thời gian, sức khỏe bị tổn hại, tâm trí mệt mỏi hơn.

“Bão drama” cũng là một lời nhắc quan trọng, lời “cảnh tỉnh” dành cho các bậc phụ huynh: đã đến lúc nên để mắt kỹ hơn đến đời sống tinh thần và những gì con cái mình tiếp xúc mỗi ngày trên mạng, trước khi mọi chuyện bị đẩy đi quá xa.

“Thậm chí, không chỉ cha mẹ mà thầy cô và những người làm công tác giáo dục, họ cũng cần chú ý hơn nhiều đến việc định hướng giới trẻ trong vấn đề tham gia mạng xã hội” – Tiến sỹ Phạm Thị Thúy nêu ý kiến.

Đã đến lúc cần
Đã đến lúc cần “detox” mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Người ta bắt đầu quan tâm đến chất lượng cuộc sống thực thay vì chạy theo những “ảo ảnh” trên mạng. Cuộc sống thực ở đây là sức khỏe, là năng suất lao động, niềm vui của sự tiếp xúc, chia sẻ, tương tác trực tiếp với người thân, bạn bè…Người trẻ đang dần nhận ra, mạng xã hội đang chi phối cuộc sống của họ quá nhiều.

Thực ra người dùng mạng cũng chán cái thuật toán đấy rồi, họ nhận thấy hậu quả và muốn nâng cao chất lượng sống. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh dùng mạng xã hội quá nhiều sẽ gây lo âu, trầm cảm, cùng các vấn đề như suy giảm nhận thức, giảm năng lực suy nghĩ, năng lực ra quyết định. Và đặc biệt là ảnh hưởng xấu đến khả năng kiểm soát cảm xúc” – Tiến sỹ Phạm Thị Thúy cho biết.  

Chính vì vậy cần “detox ”mạng xã hội là một nhu cầu cấp thiết. Đó không chỉ là cách để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, mà còn là cơ hội để thiết lập lại thói quen sống lành mạnh, ý nghĩa, sâu sắc hơn.

BÀI LIÊN QUAN