Đã từng có thời gian, Gen Z tỏ ra hào hứng với hình thức làm việc từ xa, ưu tiên sự linh hoạt và tự do thay vì gò bó nơi văn phòng.
Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z bắt đầu muốn quay trở lại môi trường làm việc trực tiếp.
Một phần nguyên nhân đến từ trải nghiệm làm việc online kéo dài trong đại dịch Covid-19, trải qua cảm giác cô lập và thiếu kết nối đã khiến họ trân trọng hơn sự tương tác trực tiếp với đồng nghiệp và môi trường công sở.
Theo Tạp chí Fortune, một khảo sát với hơn 12.000 người lao động thuộc nhiều ngành nghề khác nhau tại 44 quốc gia cho thấy, người thuộc thế hệ Z có xu hướng làm việc tại văn phòng nhiều hơn so với các thế hệ khác.
“Có những điều bạn không thể dễ dàng học được khi làm việc trực tuyến, như cách tương tác với đồng nghiệp mới hay nắm bắt các tín hiệu xã hội” – một giám đốc Gen Z, đang làm trong ngành Quan hệ công chúng, chia sẻ với Fortune.
Bên cạnh đó, người lao động thuộc thế hệ Z được cho là có xu hướng thích trò chuyện, tán gẫu lâu hơn với đồng nghiệp, điều mà các chuyên gia lý giải là hệ quả của cảm giác cô lập và cô đơn trong thời kỳ đại dịch.
Tuy vậy, Gen Z không hẳn muốn quay lại văn phòng toàn thời gian. Nhiều người vẫn ưu tiên mô hình làm việc kết hợp : vừa có thể đến công ty để giao tiếp, học hỏi, vừa có những khoảng lặng làm việc tại nhà để tập trung và duy trì sự linh hoạt.
“Thành thật mà nói, tôi không thích phải đến văn phòng mỗi ngày,” Huyền Anh, một nhân viên truyền thông tại TP.HCM chia sẻ. “Khi có thời gian linh hoạt, tôi có thể nghỉ ngơi, không phải liên tục giao tiếp và làm tốt hơn những công việc đòi hỏi sự tập trung cao. Như vậy vẫn dễ chịu hơn.”
Xu hướng nhảy việc và làm nghề tay trái
Các nghiên cứu cho thấy, Gen Z có xu hướng gắn bó với công việc trong thời gian ngắn hơn và tỷ lệ “nhảy việc” của họ luôn cao hơn so với các thế hệ trước.
Ngoài ra, Gen Z cũng có xu hướng không đi theo lộ trình công việc truyền thống như làm lâu dài tại một nơi và hướng đến mục tiêu thăng tiến. Kể từ năm 2022, tỷ lệ người tìm việc thuộc thế hệ này coi trọng cơ hội thăng tiến đã giảm tới 34% – một dấu hiệu cho thấy họ đang dần mất hứng thú với con đường sự nghiệp theo kiểu truyền thống.
Bên cạnh thu nhập, Gen Z ngày càng ưu tiên sức khỏe thể chất, tinh thần, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thay vì chỉ chăm chăm theo đuổi mức lương cao.
Tuyết Hân, 26 tuổi, chuyên viên thiết kế trải nghiệm người dùng (UI/UX) sống tại quận 7, TP.HCM, vừa quyết định nghỉ việc dù đang nhận mức lương 80 triệu đồng/tháng.
Cô chia sẻ: “Khi quyết định nghỉ việc, tôi hiểu rất rõ rằng mức lương 3.000 USD không phải điều dễ dàng đạt được, nhất là với một người trẻ đang sống ở Việt Nam… Nhưng tôi cũng nhận ra, nếu tiếp tục, cái giá phải trả sẽ là sức khỏe của chính mình.”
Thực tế, không phải Gen Z lười biếng. Ngược lại, họ đang cống hiến rất nhiều thông qua công việc. Điều này thể hiện rõ qua xu hướng làm thêm nghề tay trái ngày càng phổ biến ở thế hệ này.
Một khảo sát toàn cầu của Deloitte cho thấy 46% Gen Z có công việc phụ ngoài công việc chính. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các thế hệ trước. Nhiều người trẻ làm nghề tay trái không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn để theo đuổi đam mê và phát triển kỹ năng cá nhân.
Tóm lại, Gen Z không chán làm việc, họ chỉ không muốn gắn bó lâu dài với một công việc nhàm chán, thiếu cảm hứng hay không mang lại giá trị cá nhân.