Dự án đặt mục tiêu dài hạn: Đưa Nha Trang – Khánh Hòa trở thành hình mẫu quốc gia về đô thị xanh, hiện đại, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đề án “Xanh Nha Trang – Khánh Hòa” được trình bày tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI – 2025, trong nhóm nội dung 2: “Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh và phát triển bền vững”, cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa tư duy học thuật, đổi mới sáng tạo và nhu cầu phát triển thực tiễn ở địa phương.
Dự án quy tụ gần 60 lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của tỉnh cùng làm việc trực tiếp với hơn 50 chuyên gia trong và ngoài nước, nhiều người có trên 20 năm kinh nghiệm trong tư vấn chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, sự tham gia của 25 tổ chức và doanh nghiệp lớn đã giúp nâng cao tính thực tiễn, đảm bảo các giải pháp đưa ra phù hợp với điều kiện đặc thù của Khánh Hòa.
Một trong những lĩnh vực được đặc biệt quan tâm là du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 10% GRDP của tỉnh trong năm 2024 và đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy phần lớn các cơ sở lưu trú vẫn vận hành theo mô hình truyền thống, tiêu tốn năng lượng lớn, phát thải cao và thiếu tiêu chuẩn rõ ràng cho chuyển đổi xanh.
Để giải quyết thách thức đó, VinUni đã xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn du lịch xanh dành cho cơ sở lưu trú và điểm đến. Bộ tiêu chuẩn không chỉ giúp tỉnh có công cụ đánh giá rõ ràng mà còn hỗ trợ quá trình chuyển đổi thực tế, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch xanh bền vững.
Song song, nhóm chuyên gia còn triển khai thử nghiệm hệ thống quản lý năng lượng thông minh (BEMS) trong lĩnh vực khách sạn, nhằm tối ưu vận hành và tiết kiệm điện năng. Đây được xem là bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ ngành du lịch thích ứng với yêu cầu phát triển xanh.
Đặc biệt, đề án thương hiệu “Xanh Nha Trang – Khánh Hòa” cũng đã được nhóm chuyên gia hoàn thiện, với mục tiêu giúp địa phương định vị hình ảnh rõ nét, nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư và khách du lịch quốc tế.
Phát biểu về dự án, TS. Đinh Anh Tuấn – Giám đốc Dự án tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo kiêm Nghiên cứu viên tại Viện Kinh doanh Quản trị (CBM), Đại học VinUniversity, nhấn mạnh: Việc một trường đại học có thể trở thành đơn vị tư vấn chuyển đổi xanh không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn mở ra một mô hình hợp tác kiểu mới giữa nhà trường – chính quyền – doanh nghiệp.
Từ thành phố biển Nha Trang, mô hình này hoàn toàn có thể mở rộng ra nhiều địa phương khác, hình thành chuỗi đô thị tiên phong trong lộ trình phát triển xanh của cả nước. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho một cách tiếp cận đổi mới sáng tạo, bắt đầu từ nhu cầu thực tiễn của địa phương chứ không chỉ giới hạn ở công nghệ cao hay sản phẩm tiêu dùng.
Đề án “Xanh Nha Trang – Khánh Hòa” không chỉ là một chiến lược phát triển đô thị, mà còn phản ánh xu hướng tư duy mới trong quy hoạch và quản trị địa phương: gắn kết giữa khoa học, công nghệ và bối cảnh thực tế.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang là xu hướng toàn cầu, đây được xem là bước đi tiên phong, giàu tiềm năng tạo ra tác động tích cực, bền vững và lan tỏa lâu dài.