“Khi suy đi tính lại, tôi tự thuyết phục rằng công việc an toàn nhất thế giới có lẽ là… làm vườn”, đó là chia sẻ gần đây của ông Martin Wolf, nhà bình luận kinh tế trưởng của Financial Times.
Tuy nhiên ngay sáng sau lời chia sẻ này, chính tờ Financial Times đăng bài viết “Những khu vườn trồng bởi AI”, mô tả hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, máy dò sâu bệnh và robot nhổ cỏ chạy bằng năng lượng mặt trời.
Chưa rõ những hệ thống tưới tiêu tự động hay “robot nhổ cỏ” này có thực sự đe dọa công việc của người làm vườn hay không, nhưng câu chuyện này nhắc chúng ta nhớ rằng cần phân biệt rõ giữa “công việc” và “nhiệm vụ”. Hầu hết công việc đều là tập hợp của nhiều nhiệm vụ đan xen.
Một người làm vườn không chỉ cắt cỏ và nhổ cỏ, mà còn phải nhận biết sâu bệnh, thiết kế không gian ngoài trời, hoặc điều khó nhất là giao tiếp với những khách hàng khó tính. Nhiều hệ thống AI hiện nay hoàn toàn có thể hỗ trợ hầu hết các nhiệm vụ này. Dù vậy, điều này không có nghĩa là nghề làm vườn sẽ biến mất, mà là nó sẽ thay đổi hình thái.
Vấn đề đặt ra là: mỗi ứng dụng AI mới sẽ thay đổi công việc của chúng ta như thế nào? Và chúng ta có thích công việc đã được “tái định hình” đó không?
Công nghệ cũ và mới
AI tạo sinh có thể là mới nhưng những câu hỏi trên thì không. Chúng đã xuất hiện từ phong trào Luddite đầu thế kỷ 19, khi những người thợ dệt lành nghề phản đối máy móc vì đã thay họ làm những phần khó nhất trong công việc, dẫn tới việc họ bị thay thế bởi những lao động giá rẻ, ít tay nghề hơn.
Vậy câu trả lời cho những câu hỏi thời đại AI là gì? Đó là ứng dụng công nghệ với sự am hiểu bản chất công việc.
Chẳng hạn, bảng tính điện tử xuất hiện năm 1979, lập tức thay thế hoàn hảo những công việc trước đó do nhân viên kế toán thực hiện. Nhưng ngành kế toán không biến mất, họ chuyển sang giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược và sáng tạo hơn, như mô phỏng các kịch bản tài chính và đánh giá rủi ro.
Một ví dụ khác là thiết bị Jennifer, chiếc tai nghe hướng dẫn nhân viên kho lấy hàng, lại khiến công việc trở nên cơ học hơn. Nó theo dõi từng bước di chuyển, thì thầm mệnh lệnh và loại bỏ nốt phần tư duy còn sót lại của một công việc vốn đã rất tẻ nhạt. Trái ngược hoàn toàn với bảng tính điện tử, vốn loại bỏ phần nhàm chán nhất trong một công việc phức tạp.
Điều đó cho thấy AI có thể khiến một công việc vốn đã nhàm chán càng thêm tẻ nhạt, và một công việc thú vị thì trở nên hấp dẫn hơn.
AI có thể làm và không thể làm gì?
Các nhà nghiên cứu David Autor và Neil Thompson từ MIT vừa công bố nghiên cứu mới có tên “Chuyên môn hóa” (Expertise), đặt ra câu hỏi: Liệu nhân viên kế toán và nhân viên kiểm kê hàng tồn kho có bị ảnh hưởng giống nhau bởi tự động hóa?
Các mô hình phân tích lâu nay đều trả lời: Có. Vì trước đây, cả hai nhóm đều làm những công việc trí óc lặp đi lặp lại như kiểm tra chênh lệch số liệu, lập bảng, làm toán đơn giản… Tất cả đều là “mồi ngon” cho máy tính. Khi công nghệ đủ rẻ, nó thay thế họ.
Tuy nhiên, thực tế ngay nay lại khác, trong khi mức lương của nhân viên kế toán tăng, thì nhân viên kiểm kê lại bị trả thấp hơn.
Lý do là bởi công việc không phải là tập hợp ngẫu nhiên các nhiệm vụ. Chúng là những gói nhiệm vụ liên kết chặt chẽ, mà nếu tách một phần ra, phần còn lại cũng sẽ thay đổi.
Cụ thể, nhân viên kiểm kê mất đi phần công việc đòi hỏi kỹ năng tính toán, thứ cần nhiều đào tạo và trở thành người xếp hàng đơn thuần.
Trong khi đó, nhân viên kế toán cũng mất đi phần toán học nhưng phần còn lại của công việc đòi hỏi khả năng phán đoán, phân tích và giải quyết vấn đề phức tạp, có nghĩa yêu cầu chuyên môn cao hơn.
Vì thế, mặc dù cùng bị AI thay thế một loại nhiệm vụ, nhưng một nghề trở nên tầm thường còn một nghề thì càng đòi hỏi trình độ cao hơn.
Điều mà ai cũng lo khi nghĩ đến 5 năm tới là “AI sẽ ảnh hưởng đến công việc của mình ra sao?”
Mặc dù không có gì chắc chắn, khung phân tích của Autor và Thompson đưa ra câu hỏi then chốt: “AI có đang thay thế phần công việc đòi hỏi kỹ năng cao, hay là phần bạn vẫn muốn loại bỏ bấy lâu nay vì quá tẻ nhạt?”
Câu trả lời có thể hé lộ tương lai công việc mỗi người, rằng “sẽ hấp dẫn hơn hay nhàm chán hơn, lương tăng hay giảm, vị trí được trân trọng hay dần bị xem nhẹ như số phận của những thợ dệt thời Luddite”.
Ví dụ, các hệ thống AI tạo sinh rất giỏi trong việc động não, tạo ra nhiều ý tưởng mới lạ, đa dạng. Chẳng hạn, trong một trò chơi nhập vai, AI giúp đẩy nhanh quá trình chuẩn bị và cho phép những người chơi đi thẳng đến phần hay nhất, đó là ngồi quanh bàn với bạn bè và vào vai nhân vật trò chơi.
Tuy nhiên, với những người làm công việc cần ít sáng tạo, vây quanh bởi toàn giấy tờ và nhiệm hành chính khô khan, thì những cỗ máy “động não công nghiệp” này có thể chẳng mang lại gì ngoài áp lực và sự nhàm chán.
Còn người lao động chân tay như làm vườn thì sao? Có thể nhiệm vụ họ ghét nhất là viết email cho khách hàng. Do đó, đừng bận tâm đến những thứ như robot nhổ cỏ, điều những người lao động tay chân cần nhất chính là một trợ lý AI, người thư ký, biên tập viên, người viết giúp họ giao tiếp tốt hơn.