Hành động của người phụ nữ tự xưng là “cô giáo vùng cao” tại Nha Trang (Khánh Hòa) không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn vô tình làm xấu đi hình ảnh vốn rất thiêng liêng, cao quý của những người thực sự là “cô giáo vùng cao”.
Người phụ nữ đăng clip nói mình run sợ khi đến Nha Trang, trách sao nơi này không có biển báo “Cấm đỗ xe” để rồi ô tô bị khóa bánh, đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi.
Cô này cho rằng nhiều nơi có biển cấm rõ ràng, sao Nha Trang lại không, rồi quay clip chia sẻ cảm giác “run sợ, chùn bước khi đến Nha Trang, không biết có dám đi tiếp hay không”.
Thế nhưng thực tế, theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa và Phòng Cảnh sát giao thông địa phương, biển báo cấm dừng đỗ đã được đặt từ lâu quanh quảng trường 2 Tháng 4, kèm camera giám sát. Thậm chí, lực lượng CSGT hôm đó còn nhẹ tay, chỉ tuyên truyền, nhắc nhở vì thấy đây là du khách lần đầu tới. Vậy mà sau đó, người phụ nữ lại đăng clip sai sự thật, cho rằng có “người mặc thường phục chờ sẵn để khóa bánh xe”, gây hiểu lầm nghiêm trọng.
Hành vi này không chỉ dẫn đến án phạt hành chính 5 triệu đồng, mà còn làm dấy lên làn sóng ngao ngán trên mạng xã hội. Nhiều người để lại bình luận: “Trách nhiệm của người lái xe là biết luật, đọc biển báo. Không thể đổ lỗi cho thành phố du lịch chỉ vì mình vi phạm” hay “Hãy là du khách văn minh, đừng để con sâu làm rầu nồi canh”.
Điều khiến tôi chạnh lòng nhất là cô ấy tự xưng là “cô giáo vùng cao”. Danh xưng “cô giáo vùng cao” xưa nay vốn rất thiêng liêng, gợi lên biết bao hy sinh thầm lặng. Vậy mà qua sự việc này, cụm từ ấy vô tình bị gắn vào một hình ảnh không đẹp, gây cho tôi cảm giác tiếc nuối vô cùng.
Trái ngược với ồn ào đó, ngoài kia vẫn có những “cô giáo vùng cao” thật sự, lặng lẽ bám trường, bám bản, mang con chữ lên đỉnh núi, nơi chưa bao giờ dễ dàng.
Báo Thanh Niên từng kể câu chuyện cô giáo Vũ Thị Thu, 29 tuổi, đã gắn bó với điểm trường Nậm He, huyện Mường Tè (cũ, nay là xã Mường Tè), tỉnh Lai Châu suốt 7 năm. Dù chỉ cách trung tâm huyện hơn 60 km nhưng đường sá cheo leo, trơn trượt, mùa mưa lầy lội phải dắt xe hàng giờ mới đi nổi. Cô Thu chia sẻ: “Ngày mưa, chúng tôi vẫn băng qua dòng suối nước chảy xiết để đến lớp. Thấy các em vui vì được học, bao nhiêu vất vả tan biến hết”.
Ở Điện Biên, cô giáo Trần Thị Hồng, giáo viên điểm bản Huổi Lếch, cũng dành cả tuổi thanh xuân nơi núi rừng. Lương cô chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn đều đặn “gánh cái chữ” đến với gần 100 học trò người dân tộc Mông, Dao, Thái. “Nhiều hôm rét căm căm, tôi cõng theo vài ký gạo, ít cá khô để dành cho học sinh ăn bán trú. Các em tới lớp đã quý lắm rồi”, cô Hồng bùi ngùi nói trên Lao Động.
Hình ảnh đẹp của những cô giáo vùng cao còn được lan tỏa trong một đoạn clip gần đây. Trên con đường đất sụt lở, mưa xuống thành bùn lầy, một cô giáo vùng cao tay xách cặp, tay kéo váy, cố lội qua thì bị sụt sâu. May mắn thay, một anh lái máy xúc gần đó đã hạ càng xuống đất, mời cô bước lên rồi nhẹ nhàng nâng càng xúc đưa cô vượt đoạn dốc ngập bùn. Clip ngắn thôi nhưng thu hút hơn trăm ngàn lượt thích, hàng ngàn lời bình luận, khen ngợi: “Một cô giáo có tâm gặp một bác lái máy xúc có tình”, “Yêu cô yêu ông máy xúc này quá những hình ảnh đẹp của nước Việt Nam tôi”.
Những câu chuyện thật, hình ảnh thật ấy mới chính là tinh thần của bài hát “Em là cô giáo vùng cao” mà Phan Huy Hà phổ nhạc từ thơ Hoàng Nghĩa Tự. Và trong lúc viết những dòng tâm sự này, giai điệu của bài hát ấy lại vang lên, làm tôi cứ mường tượng những bước chân nhỏ vượt qua triền đồi, khe suối, những đôi tay bé nhỏ đón lấy từng nét chữ mới.
“Bản làng yêu ơi, em rời phố thị
Vượt núi, băng rừng, cõng cái chữ lên non
Dẫu nắng mưa hay mùa đông giá lạnh
Cùng các em thơ vượt núi đến trường
Hi sinh tuổi xuân bám trường, bám bản
Cho trẻ vùng cao viết tiếp những ước mơ
Tình yêu thương như hoa rừng ngào ngạt
Dành cho em thơ như ngọn núi, dòng sông…”
Đó mới chính là hình ảnh đẹp, đáng yêu và đáng kính của những “cô giáo vùng cao” thật sự. Những người đã hy sinh tuổi xuân để gieo chữ trên từng dốc đá cheo leo, để nụ cười trẻ thơ vùng cao được tươi mãi, để núi rừng bớt hoang vắng, để niềm tin vào lòng người càng thêm sâu đậm.