Ngày càng nhiều người trẻ trì hoãn, thậm chí từ chối kết hôn và sinh con. Điều này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong cách họ nhìn nhận về hôn nhân và gia đình, mà còn kéo theo những hệ lụy rõ rệt đến cơ cấu dân số, tỷ lệ sinh và tương lai phát triển bền vững của xã hội.
Nhưng thay vì hỏi “Tại sao họ không chịu lập gia đình?”, có lẽ việc cần quan tâm là: Liệu người trẻ đã được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và điều kiện để đưa ra lựa chọn phù hợp và có trách nhiệm hay chưa?
Khủng hoảng giá trị sống – một dạng áp lực vô hình
Thế giới thay đổi quá nhanh. Người trẻ buộc phải tự mình xác định lại: sống thế nào là “đúng”.
Nếu như thế hệ trước từng xem việc lập gia đình, có con, có nhà là mục tiêu rõ ràng cần đạt, thì với thế hệ hôm nay, những thước đo đó không còn là tuyệt đối.
Nhiều người trẻ chứng kiến cha mẹ không hạnh phúc trong hôn nhân, chứng kiến áp lực cơm áo gạo tiền ngày càng khắc nghiệt, và bắt đầu tự hỏi: “Liệu mình có cần đi con đường đó không?”
TS. Xã hội học, ThS. Tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy nhận địnhXã hội học, ThS. Tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy nhận định: “Tuổi 20–30 là giai đoạn dễ khủng hoảng hiện sinh: Không biết mình là ai, sống để làm gì, có nên kết hôn hay sinh con không?
Họ băn khoăn, bối rối trong chính cuộc đời mình. Đó là cái người ta gọi là ‘thế hệ bông tuyết’ – mong manh, nhiều lo âu, khó ra quyết định”.
Khi không còn tin chắc vào các giá trị cũ, nhưng cũng chưa tìm ra định hướng mới cho bản thân, người trẻ dễ rơi vào trạng thái mơ hồ. Mà chính sự mơ hồ này lại tạo nên áp lực.
Khác với những áp lực từ bên ngoài có thể tránh né, khủng hoảng giá trị sống là áp lực đến từ nội tâm. Người trẻ tự chất vấn mình, tự đối chiếu với xã hội, với bạn bè, với kỳ vọng của chính bản thân và không biết nên tin vào điều gì.
Cùng lúc đó, họ cũng phải đối mặt với đủ loại áp lực khác: tài chính, sự nghiệp, các mối quan hệ, “áp lực đồng trang lứa”… và cả những kỳ vọng truyền thống về chuyện lập gia đình, sinh con.
“Phụ nữ hiện đại không còn tin vào tư duy ‘trời sinh voi, sinh cỏ’. Mọi thứ đều đắt đỏ, yêu cầu cao. Họ trì hoãn sinh con không hẳn vì lười, mà vì lo mình không đủ điều kiện để nuôi dạy con tử tế”, bà Thúy chia sẻ.
Họ có thiếu thông tin?
Trong thời đại số hóa ngập tràn dữ liệu như hiện nay, việc “thiếu thông tin” nghe có vẻ khó tin. Nhưng giữa ma trận của truyền thông, mạng xã hội.., câu hỏi đặt ra là: Người trẻ có thực sự biết chọn lọc thông tin cần thiết để đưa ra những lựa chọn đúng đắn?
Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ Tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy cho biết, khi làm việc với sinh viên và thân chủ trẻ tuổi, bà nhận ra nhiều người chưa hề biết đâu là độ tuổi sinh con lý tưởng.
“Có bạn nghe tư vấn mới tá hỏa: ‘Ôi em cứ tưởng từ từ cũng được!’, hoặc ‘Em chỉ định sinh một con nên nghĩ cưới muộn cũng chẳng sao’. Nhưng đâu phải vậy – cơ thể phụ nữ có những giới hạn sinh học mà không thể đảo ngược,” Chuyên gia Phạm Thị Thúy chia sẻ.
“Theo y học, phụ nữ nên sinh con đầu trước 30 tuổi, con thứ hai trước 35. Vượt quá ngưỡng đó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn tác động đến chất lượng sống của cả mẹ và con”.
Không chỉ thiếu kiến thức sinh sản, nhiều người trẻ cũng chưa được trang bị hiểu biết cơ bản về hôn nhân. Như nhiều chuyên gia nhận định, sự thiếu chuẩn bị từ kiến thức đến kỹ năng, là một trong những nguyên nhân lớn khiến hôn nhân đổ vỡ hoặc rơi vào bất ổn.
Và những hệ quả đó không chỉ ảnh hưởng đến hai người trong cuộc mà còn tác động đến những người liên quan, đặc biệt nó kéo theo tổn thương tinh thần cho trẻ em, thậm chí làm tăng nguy cơ tội phạm trẻ.
Hôn nhân không chỉ là tình yêu. Đó là sống chung, là trách nhiệm, là kỹ năng giao tiếp, chia sẻ, thỏa thuận – và đôi khi, là học cách chịu đựng những khác biệt. Khi chưa hiểu những điều căn bản này, nhiều người bước vào hôn nhân với ảo tưởng rồi vỡ mộng nhanh chóng.
Hiểu biết đúng là nền tảng của lựa chọn đúng. Không thể nói “sinh muộn cũng được” nếu chưa hiểu và cân nhắc rủi ro. Cũng không nên “thích thì cưới” nếu chưa biết hôn nhân đòi hỏi điều gì từ người chồng và người vợ.
Thứ người trẻ cần không phải là lời khuyên giáo điều hay sự thúc ép, mà là được trang bị đầy đủ những thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết, để từ đó họ có thể đưa ra quyết định phù hợp, dựa trên tư duy độc lập của chính mình.
Khi người trẻ hiểu rõ cả mặt tích cực lẫn hệ quả của từng lựa chọn, họ sẽ biết cân nhắc, và sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Bởi quyền lựa chọn chỉ có ý nghĩa khi đi cùng với hiểu biết.