Chuyên gia cảnh báo đột quỵ đối với người trẻ

Phạm Sinh

Phóng viên

Hiện nay, số ca đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là đối với người trẻ.

Từ vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Huy Thắng – Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) vừa đưa ra những cảnh báo cụ thể.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, so với các quốc gia khác tuổi đột quỵ trung bình của người Việt Nam trẻ hơn 10 năm. 

Benh nhan dot quy

PGS.TS Nguyễn Huy Thắng bên một bệnh nhân đột quỵ đang được cấp cứu tại BNhân dân 115. Ảnh: BVCC.

Chẳng hạn, vào chỉ trong gần 1 ngày (khoảng 9h ngày 11/5 đến 6h ngày 12/5), BV Nhân dân 115 đã ghi nhận 50 ca đột quỵ nhập viện. Trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhân dưới 50 tuổi.

Đáng chú ý, trường hợp nữ bệnh nhân H.T.K.V. (21 tuổi), nhập viện lúc 18h ngày 11/5 trong tình trạng nguy kịch.

Qua hội chẩn, các bác sĩ tại BV đã chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết não từ thuyên tắc hệ thống tĩnh mạch não.

Sau hơn một ngày cấp cứu tích cực, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định hơn.

Bên cạnh đó, một trường hợp khác là người đàn ông 40 tuổi cũng cấp cứu trong tình trạng xuất huyết não với nguyên nhân do tăng huyết áp không kiểm soát.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng cho biết, theo số liệu năm 2019 tại BV Nhân dân 115 cho thấy, tuổi trung bình của 6.601 bệnh nhân đột quỵ là 62 tuổi. Ở một nghiên cứu khác với trên 2.300 bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam cũng ghi nhận kết quả tương tự.

So với các quốc gia phát triển, độ tuổi trung bình mắc đột quỵ ở Việt Nam ít hơn khoảng 10 năm, cho thấy xu hướng trẻ hóa rõ rệt – PGS.TS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.

7 nguyên nhân chính

Từ những vấn đề vừa nêu, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng cũng đã chỉ ra 7 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này:

Đầu tiên, bệnh lý nền gia tăng sớm: Người trẻ ngày càng đối mặt nhiều với các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường và rối loạn lipid máu ở độ tuổi sớm hơn do lối sống ít vận động, dùng nhiều đồ ăn nhanh, ít rau củ và tình trạng béo phì là những yếu tố chính thúc đẩy các bệnh lý này.

Thứ hai, do lối sống đô thị hóa: Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã thay đổi thói quen sinh hoạt của người trẻ. Trong đó, việc ít vận động thể chất, tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn giàu muối và đường, cùng với áp lực tâm lý từ công việc và cuộc sống đô thị, đều làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thứ ba, ô nhiễm môi trường: Hiện nay ô nhiễm không khí tại những thành phố lớn ở các nước đang phát triển đạt mức báo động. Cụ thể, các nghiên cứu gần đây chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm và nguy cơ đột quỵ gia tăng.

Thứ tư, hạn chế tiếp cận y tế: Theo thống kê, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang phát triển còn thiếu các chương trình tầm soát hiệu quả cho các bệnh lý nền như tăng huyết áp hay tiểu đường. Đồng thời, việc không phát hiện và điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Thứ năm, thói quen sử dụng chất kích thích: Hiện nay, tỷ lệ hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng chất kích thích đang gia tăng ở người trẻ cũng đã góp phần gây tổn thương mạch máu, đặc biệt khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác.

Thứ sáu, yếu tố di truyền và chủng tộc: Theo nghiên cứu, một số nhóm dân tộc tại các nước đang phát triển có nguy cơ cao hơn về bệnh lý mạch máu do di truyền nên khi kết hợp với lối sống không lành mạnh, nguy cơ đột quỵ càng trở nên nghiêm trọng.

Thứ bảy, thiếu nhận thức về đột quỵ: Hiện nay, nhiều người trẻ chưa nhận thức đầy đủ về các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của đột quỵ, khi đa số những người trẻ có tâm lý chủ quan rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi khiến họ chậm trễ trong việc tìm kiếm chăm sóc y tế, dẫn đến tỷ lệ tử vong hoặc biến chứng nghiêm trọng cao hơn.

PGS.TS Nguyễn Huy Thắng cũng nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện lối sống và tăng cường các chương trình tầm soát y tế là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ ở người trẻ

Bên cạnh đó, theo một số thống kê tại Việt Nam, hiện nay tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. 

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, các dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ thường giống như ở người lớn với các biểu hiện như: Tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay, hoặc chân, thường ở một bên cơ thể; Khó nói hoặc khó hiểu lời nói của người khác; Chóng mặt hoặc mất thăng bằng; Đau đầu dữ dội, đột ngột; Rối loạn thị giác, chẳng hạn như nhìn mờ hoặc nhìn đôi; Khó nuốt; Co giật; Buồn nôn hoặc nôn mửa; Rối loạn ý thức và hôn mê…

Vì vậy, nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nêu trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đưa ra một số phương pháp phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ như: Kiểm soát huyết áp, cholesterol và đường huyết ở mức ổn định; Hạn chế các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, bia, rượu,…; Kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng thừa cân béo phì; Tập thể dục thường xuyên; Thực hiện lối sống ăn uống lành mạnh. Hạn chế ăn nhiều muối, thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ,…; Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh có thể làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não…

BÀI LIÊN QUAN