Chúng ta có nên tin vào trực giác?

Kiều Giang

Phóng viên

Chúng ta đã từng nghe nhiều về trực giác: những tia sáng bất chợt lóe lên trong đầu, giúp ta đưa ra quyết định mà không cần lý do rõ ràng. Nó còn được gọi là “giác quan thứ sáu”, một dạng trí tuệ bẩm sinh, được cho là vượt lên trên logic.

Nhưng liệu nó có thật sự đáng tin đến mức ấy? Khi nào ta nên tin vào trực giác, và khi nào thì không?

Daniel Kahneman, nhà tâm lý học đoạt giải Nobel Kinh tế và là tác giả của cuốn “Thinking, Fast and Slow”, cho rằng con người thường xuyên và vô thức lệ thuộc vào trực giác.

Chính sự lệ thuộc này dẫn đến những sai lệch mang tính hệ thống trong phán đoán và ra quyết định, đặc biệt khi ta đối mặt với những tình huống phức tạp hoặc không quen thuộc

Kahneman chia tư duy con người thành hai hệ thống:

  •     Hệ thống 1 – Tư duy nhanh: Hoạt động một cách tự động, cảm tính và trực quan. Đây là hệ thống giúp ta phản ứng tức thì trước các tình huống, như né một chiếc xe đang lao tới, hay bất chợt “cảm thấy” ai đó không đáng tin.
  •     Hệ thống 2 – Tư duy chậm: Mang tính logic, có chủ ý, đòi hỏi sự nỗ lực và thời gian. Đây là hệ thống ta kích hoạt khi cần phân tích số liệu, giải bài toán khó hoặc xây dựng chiến lược dài hạn.

Vấn đề là, não bộ con người có xu hướng tiết kiệm năng lượng, nên nó thường “phó mặc” cho Hệ thống 1 xử lý phần lớn tình huống, kể cả những việc đòi hỏi phân tích sâu.

Đây là lý do chúng ta dễ dàng hành động theo bản năng và cảm tính mà không nhận ra.

Trực giác là gì?

Trực giác đem đến một
Trực giác đem đến một “cảm giác” về điều gì đó, mà không rõ lý do (Ảnh minh họa)

Trực giác là khả năng nhận biết, đánh giá hoặc ra quyết định một cách nhanh chóng mà không cần lý luận có ý thức. Nó thường xuất hiện như “cảm giác đúng sai”, “linh cảm”, hoặc “biết mà không rõ vì sao biết”.

Trực giác hoạt động âm thầm, tự động, và thường dựa trên kinh nghiệm, cảm xúc hoặc những mẫu hình quen thuộc.

Daniel Kahneman, trong “Thinking, fast and slow”, cho rằng trực giác chính là sản phẩm đặc trưng của Hệ thống 1 (tư duy nhanh).

Trực giác không phải lúc nào cũng sai. Trong những tình huống quen thuộc, có phản hồi nhanh và rõ ràng (ví dụ: chơi cờ, chữa cháy, chơi thể thao…), trực giác có thể rất chính xác, vì nó được “đào tạo” qua kinh nghiệm, qua những tình huống lặp lại.

Tuy trực giác có thể giúp ta phản ứng nhanh trong nhiều tình huống, nhưng trong các lĩnh vực phức tạp và đầy biến động như tài chính, y tế, chính trị hay tuyển dụng, nó lại dễ dẫn đến sai lầm nghiêm trọng.

Daniel Kahneman đã chỉ ra rằng, Hệ thống 1 – tư duy nhanh thường bị ảnh hưởng bởi nhiều loại thiên kiến, khiến ta đánh giá sai lệch thực tế mà không hề nhận ra.

thinking
  • Thiên kiến khả dụng (Availability Bias)

Chúng ta đánh giá một sự kiện là phổ biến hoặc nguy hiểm chỉ vì nó dễ nhớ, chứ không phải vì nó thật sự xảy ra nhiều.

Ví dụ:

Bạn nghe tin tức về một vụ tai nạn máy bay, với hình ảnh tang thương, lời kể ám ảnh, tên nạn nhân được nhắc đến liên tục trên truyền thông. Kể từ đó, bạn cảm thấy máy bay rất nguy hiểm, thậm chí lo sợ mỗi lần bay. Nhưng thống kê cho thấy xác suất tử vong vì tai nạn máy bay là rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với tai nạn xe máy hay ô tô.

Bạn bị đánh lừa vì thông tin về tai nạn máy bay “khả dụng” hơn trong trí nhớ: dễ nhớ hơn, gây ấn tượng mạnh hơn, nên trực giác cho rằng rủi ro lớn, dù thực tế ngược lại.

  • Thiên kiến đại diện (Representativeness Bias)

Chúng ta dễ đánh giá một người hoặc sự việc dựa vào việc giống với hình mẫu quen thuộc, mà quên xem xét xác suất thực tế.

Hãy thử một ví dụ nổi tiếng từ nghiên cứu của Kahneman và Tversky:

Linda 31 tuổi, độc thân, thẳng thắn và rất thông minh. Cô tốt nghiệp ngành triết học. Khi còn là sinh viên, cô rất quan tâm đến các vấn đề phân biệt đối xử và công bằng xã hội, từng tham gia các cuộc biểu tình chống hạt nhân.

Giờ bạn được hỏi: Trong hai phương án dưới đây, điều nào có khả năng đúng hơn?

  • Linda là giao dịch viên ngân hàng.
  • Linda là giao dịch viên ngân hàng và là một nhà hoạt động nữ quyền.

Phần lớn người được hỏi chọn phương án B, vì nó “hợp” với hình ảnh đã mô tả về Linda.

 Nhưng về mặt logic, đó là một sai lầm. Xác suất xảy ra đồng thời hai sự kiện (A và B) luôn nhỏ hơn hoặc bằng xác suất chỉ một sự kiện (A).

Đây là ví dụ điển hình của lỗi liên hợp (conjunction fallacy), và là minh chứng rõ ràng cho cách trực giác có thể đánh lừa ta khi ta bị cuốn theo hình mẫu quen thuộc mà bỏ qua xác suất thực tế.

  • Hiệu ứng mỏ neo (Anchoring Effect)

Thông tin đầu tiên bạn tiếp xúc, dù không liên quan, có thể ảnh hưởng mạnh đến các đánh giá sau.

Ví dụ:

Bạn đi xem một căn hộ. Chủ nhà nói: “Căn này đang có người trả 3,2 tỷ rồi, bạn muốn mua thì phải nhanh”. Bạn cảm thấy căn nhà có vẻ đáng giá trong khoảng 3 tỷ trở lên. Nhưng thực tế, nếu bạn chưa từng nghe con số 3,2 tỷ đó, bạn có thể chỉ định giá căn này khoảng 2,7 tỷ dựa trên thị trường.

Thông tin “3,2 tỷ” trở thành mỏ neo tâm lý, làm thay đổi góc nhìn của bạn, dù nó hoàn toàn có thể là bịa đặt. Và hệ thống tư duy nhanh không kiểm tra tính đúng sai, mà chỉ lấy đó làm mốc.

  • Ảo tưởng hiểu biết (Illusion of Understanding)

Sau khi một sự kiện đã xảy ra, ta có xu hướng cho rằng mình “hiểu rõ lý do”, dù lúc nó xảy ra, ta chẳng đoán được gì.

Ví dụ:

Sau khi một chính trị gia thất bại trong bầu cử, ta thường nghe những lời như: “Tôi biết ngay mà, ông ta cứ nói năng thiếu nhất quán, làm sao dân tin được.”

Thực tế là: Trước đó, chính người này có thể vẫn nghĩ ông ta sẽ thắng. Chúng ta chỉ “nối lại câu chuyện” sau khi biết kết quả, khiến sự kiện trông có vẻ tất yếu, hợp lý.

Nhưng đó là ảo giác. Chúng ta đánh giá quá cao khả năng hiểu sự việc sau khi nó xảy ra, và đánh giá thấp vai trò của sự ngẫu nhiên.

Hệ quả nguy hiểm: Quá tin vào nhận định của mình

emotion

Một trong những phát hiện đáng lo ngại nhất của Kahneman là: con người có xu hướng quá tự tin vào trực giác của mình, ngay cả khi hoàn toàn không có cơ sở dữ liệu hay bằng chứng rõ ràng.

Điều này không chỉ xảy ra với người bình thường, mà cả với những người được xem là chuyên gia trong lĩnh vực của họ.

Trong một nghiên cứu thực tế, Kahneman đã theo dõi hiệu suất đầu tư của các nhà quản lý tài chính, những người tin chắc rằng họ có khả năng “đánh hơi” cổ phiếu tốt nhờ kinh nghiệm và cảm giác thị trường. Nhưng dữ liệu cho thấy hiệu suất đầu tư của họ không hề vượt trội so với việc lựa chọn ngẫu nhiên.

Hiện tượng tương tự cũng xuất hiện ở các bác sĩ chẩn đoán bệnh, các CEO ra quyết sách, hay các nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên. Họ tin vào “linh cảm chuyên môn”, nhưng nhiều khi lại ra quyết định dựa trên thiên kiến, kinh nghiệm giới hạn, hoặc cảm xúc nhất thời, thay vì quy trình khách quan và dữ liệu thực chứng.

Kahneman không kêu gọi ta loại bỏ trực giác. Ông thừa nhận rằng trực giác có thể rất hữu ích, miễn là ta biết khi nào nên tin, và khi nào cần nghi ngờ.

Điều ông cảnh báo là: đừng trao toàn quyền quyết định cho trực giác trong mọi tình huống.

Thay vào đó, điều chúng ta cần làm là:

Nhận diện đúng ngữ cảnh, đặc biệt là những tình huống phức tạp, nhiều biến số, thiếu phản hồi rõ ràng (như đầu tư, quản lý, y tế, tuyển dụng…); đó là những tình huống trực giác dễ sai nhất.

Chủ động kích hoạt Hệ thống 2 – tư duy chậm, để dừng lại, xem xét, đối chiếu, và chất vấn chính cảm giác ban đầu của mình.

Kiểm tra trực giác bằng dữ liệu, bằng phản biện logic, và bằng sự hoài nghi khoa học, nhất là khi quyết định mang hệ quả lớn.

Tóm lại, trực giác vẫn là công cụ hữu ích, nhưng cần tỉnh táo để tránh việc quá lệ thuộc vào nó. Chúng ta không cần phải chọn giữa cảm tính hay lý trí. Điều ta cần là học cách để hai thứ đó hòa hợp.

BÀI LIÊN QUAN