Phát hiện hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả “khủng”
Sản phẩm sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gain vừa qua – ảnh minh họa
Theo đó, ngày 6/4, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn và bắt giữ 14 đối tượng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Qua điều tra cơ quan công an xác định, trong số 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả đã được thu giữ có 4 loại là giả các thuốc đã được cấp phép lưu hành (44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion). Các loại còn lại là sản phẩm do các đối tượng tự đặt tên không có các sản phẩm thuốc nào tương tự đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.
Hay như ngày 24/4, Công an tỉnh Phú Thọ bất ngờ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam và đã phát hiện, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn bột ngọt, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả.
Ngoài ra, Công an tỉnh Phú Thọ còn tạm giữ gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, sang chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả nói trên và gần 1 triệu 600 vỏ bao bì, can nhựa đựng sản phẩm cùng dây chuyền sản xuất đóng gói.
Cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ xác định, Công ty Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Công an cũng đang làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác…
Hay vừa qua Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã phát hiện đường dây sản xuất xuất gần 600 loại sữa giả tại TP Hà Nội.
Cơ quan CSĐT xác định, từ tháng 8/2021 đối tượng Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà đã chủ mưu cầm đầu thành lập Công ty Rance Pharma (địa chỉ: khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông) và Công ty Hacofood Group (địa chỉ: LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa bột giả.
Đến thời điểm bị phát hiện đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai… Cơ quan công an cũng xác định, các loạt sữa bột này có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Theo điều tra, trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 16/5 Công an TP Hà Nội cũng đã phá chuyên án, bắt giữ 7 nghi phạm, thu giữ trên 100 tấn thực phẩm chức năng giả trên địa bàn toàn quốc do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, cư trú tại số 1 LK 11, khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu.
Khám xét địa điểm sản xuất, công an đã thu giữ được 30 khuôn bế dập gân vỏ hộp, hơn 28.500 hộp thực phẩm chức năng, hơn 34.800 lọ thực phẩm chức năng, hơn 38.900 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng, hơn 8.500 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu…
Gần đây, ngày 19/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với hoa hậu Nguyễn Trúc Thùy Tiên để điều tra hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng liên quan đến vụ sản xuất kẹo Kera của Công ty Chị Em Rọt.
Trước đó, Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và một số người liên quan đã bị bắt giữ.
Công ty do Hoa hậu Thùy Tiên góp vốn đã bán hơn 135.000 hộp kẹo Kera cho hơn 30.000 khách hàng thu về gần 18 tỷ đồng. Tuy nhiên sản phẩm này đã gian dối về thành phần bột rau (hàm lượng thấp nhưng công bố cao) và không công bố chất tạo ngọt sorbitol, quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm.
Và còn hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng khác mà chúng ta khó có thể thống kê hết.
Hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả
Đầu tiên, hàng giả, đặc biệt là các sản phẩm như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người tiêu dùng. Bởi những sản phẩm này thường được sản xuất từ nguyên liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không tuân thủ các quy trình kiểm định chất lượng, thậm chí là những chất độc hại không được phép sản dùng trong xuất thực phẩm sử dụng cho người.
Thứ hai là thiệt hại về kinh tế, khi hàng giả, hàng nhái làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất hàng chính hãng, khiến họ mất thị phần, giảm lợi nhuận, thậm chí phá sản. Cùng với đó, hàng giả còn làm thất thu ngân sách nhà nước do trốn thuế, gian lận thương mại.
Một yếu tố quan trọng khác là làm mất niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường, làm giảm sức mua và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thứ ba, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và thương hiệu, khi các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian để sản xuất, xây dựng thương hiệu và uy tín. Tuy nhiên, chỉ cần một vài sản phẩm bị làm giả, làm nhái, uy tín của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thứ tư, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, thông thường các đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả thường hoạt động có tổ chức, với quy mô lớn, gây khó khăn cho công tác điều tra và xử lý của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, việc sao chép, làm nhái sản phẩm không khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trực tiếp làm kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ và năng lực cạnh tranh của quốc gia…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phòng công tác phòng chống hàng giả
Liên quan đến vấn đề phòng chống hàng giả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để xảy ra hàng loạt vụ việc sản xuất hàng giả làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh phòng công tác phòng chống hàng giả trên phạm vi toàn quốc – ảnh: Chinhphu.vn
Cụ thể hóa các vấn đề này, Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 và Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ… Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng.
Cùng với đó, các địa phương cũng sẽ thành lập Tổ công tác do chủ tịch UBND làm tổ trưởng với sự tham gia của đại diện các ngành để triển khai đợt cao điểm trong thời gian từ ngày 15/5-15/6, sau đó sẽ tiến hành sơ kết…
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Chính phủ, việc làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi để làm việc này phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển… Vì vậy Thủ tướng cho rằng chỉ có 2 khả năng: “Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm”.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan trong quản công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, gắn trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giảđể kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các cá nhân tiếp tay, bảo kê, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thủ tướng cũng yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường… trong quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời, hân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước…
Hiện nay, trên cơ sở sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước cũng đang tăng cường công tác phòng chống hàng giả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững…
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong cuộc chiến chống hàng giả không chỉ là chuyện của riêng lực lượng chức năng, mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Đặc biệt, người tiêu dùng cần tỉnh táo, không ham mua hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tạo kẽ cho những kẻ bất chấp tất cả để trục lợi cho bản thân…
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), không những bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân hoặc tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị khởi tố với mức phạt có thể lên đến 15 năm tù, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và giá trị hàng giả.