Một thế hệ chó máy mới đang được phát triển tại Trung Quốc nhằm hỗ trợ người khiếm thị di chuyển độc lập hơn. Không chỉ bắt chước khả năng của chó dẫn đường thật, những chú chó robot này còn sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như không bị phân tâm, không cần nghỉ và có thể tắt đi khi không sử dụng.
Sử dụng camera và cảm biến, chó máy có thể định vị, tránh vật cản và nhận diện đèn giao thông, điều mà chó thật không thể làm được. Người dùng có thể ra lệnh bằng giọng nói, điều chỉnh tốc độ qua gậy điều khiển và nhận phản hồi từ robot nhờ công nghệ nhận diện giọng nói và giao tiếp bằng âm thanh.
Tại Thượng Hải, nhóm nghiên cứu từ Đại học Giao thông Thượng Hải đang thử nghiệm chó máy sáu chân có kích thước tương đương một chú Bulldog Anh. Thiết kế sáu chân giúp robot duy trì ổn định tối đa. “Khi ba chân được nhấc lên, ba chân còn lại vẫn tạo thành giá đỡ như chân máy ảnh, đó là tư thế ổn định nhất”, Giáo sư Cao Phong – Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Cặp vợ chồng khiếm thị Lý Phi (41 tuổi) và Chu Tư Bân (42 tuổi) là hai trong số những người đang tham gia thử nghiệm, dùng lệnh thoại tiếng Trung để điều khiển robot. “Nếu robot này được thương mại hóa, ít nhất nó có thể giúp tôi tự đi làm, đi bệnh viện hay siêu thị mà không cần nhờ người thân hoặc tình nguyện viên đi cùng”, anh Lý nói.
Hiện Trung Quốc chỉ có khoảng 400 chó dẫn đường, trong khi số người khiếm thị lên đến gần 20 triệu. Ngoài ra, nuôi thú cưng hay dùng động vật phục vụ vẫn còn khá mới ở nước này, khiến chó dẫn đường khó được chấp nhận trong nhà hàng, công ty hay không gian công cộng.
Khác với chó thật cần thời gian dài huấn luyện và sinh sản có giới hạn, chó máy có thể được sản xuất hàng loạt. “Giống như ô tô vậy, chúng tôi có thể sản xuất hàng loạt và nhờ đó giá sẽ rẻ hơn. Đây có thể là thị trường rất lớn vì trên thế giới có hàng chục triệu người cần chó dẫn đường”, giáo sư Cao nhận định.
Với công nghệ ngày càng phát triển, chó máy dẫn đường có thể là giải pháp đột phá, đặc biệt tại những quốc gia đang thiếu trầm trọng nguồn chó dẫn đường truyền thống.