Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025

Phạm Sinh

Phóng viên

Chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 (trực tuyến) với các địa phương sau khi cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7. Phiên họp đã đánh giá kết quả kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và mục tiêu 6 tháng cuối năm…

Nhiều mục tiêu kinh tế 6 tháng đầu năm tăng trưởng ổn định

Tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh và phức tạp, tuy nhiên Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu tăng trưởng 8%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế, chuyển đổi số và nâng cao đời sống nhân dân.

Quang cảnh cuộc họp - ảnh: VGP
Quang cảnh cuộc họp – ảnh: VGP

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, cần nhìn nhận thẳng thắn vào thực trạng nền kinh tế – xã hội, bởi bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.

Các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư công, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu… cần được đẩy mạnh hơn. Đồng thời, cần sớm khơi thông các động lực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung đánh giá bối cảnh, tình hình thực tiễn, chỉ ra những điểm mới, điểm khác so với trước trên có sở xem xét hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, cần xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong quý III và thời gian còn lại của năm 2025, từ đó bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm nay và cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đạt mức tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và ổn định bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực thi nhiệm vụ trên cơ sở bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Tổng Bí thư Tô Lâm…

Trong đó, việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp phải được tổ chức hiệu quả, thông suốt, đồng bộ về phân cấp, phân quyền, bảo đảm tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, không duy trì cổng cấp tỉnh từ ngày 1/7.

Về chính sách đối ngoại, cần chủ động thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và ổn định chuỗi cung ứng.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tăng thu ngân sách trên 15%, đẩy mạnh đầu tư công và tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung nguồn lực cho an sinh xã hội.

Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Đặc biệt, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới.

 Đôn đốc, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch.

Cùng với đó, khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết, đồng thời thúc đẩy các FTA mới.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và hơn 1.000 km đường ven biển trong năm 2025, đồng thời chuẩn bị điều kiện để triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao.

Đồng thời, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, đặc biệt là 2.365 dự án kéo dài được xem là nhiệm vụ trọng tâm để giải phóng nguồn lực, chống lãng phí.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong toàn hệ thống.

Cùng với đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị…

Cũng tại Phiên họp, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu 3 tăng tốc bao gồm:

Một là, tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng;

Hai là, tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025;

Ba là, tăng tốc, dồn lực để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7, trên phạm vi toàn quốc trước ngày 31/8/2025 và hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội trước 31/12/2025.

Tăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất trong gần 20 năm qua

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tình hình kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025 chuyển biến tích cực khi tăng trưởng GDP quý I tăng 6,93%, quý II ước tăng 7,67%, trung bình 6 tháng đạt 7,31%, tương đương với mốc 7,5% theo kịch bản đề ra trước đó.

Đây được đánh giá là mức tăng trưởng 6 tháng cao nhất trong gần 20 năm qua. Điều này phản ánh sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều biến động trên thị trường quốc tế và trong nước.

 Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 9,3%. Trong đó có nhiều địa phương ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Bộ trưởng Bộ tài chính cũng thông tin, trong 63 tỉnh, thành phố cũ có 10 địa phương tăng trưởng hai con số. Còn tính theo 34 đơn vị hành chính mới, có 6 địa phương tăng trên 10% là Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh và Phú Thọ.

 Đồng thời, các chỉ tiêu kinh tế lớn như sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, tiêu dùng nội địa, xuất nhập khẩu… đều ghi nhận chuyển biến tích cực qua từng tháng và quý, cho thấy sự ổn định vĩ mô tiếp tục được duy trì.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng – ảnh: VGP

Về kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm. Trong đó CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27%. Trong đó:

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 432 tỷ USD, tăng 16,1%, trong đó xuất siêu 7,63 tỷ USD.

Thu ngân sách đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm và tăng 28,3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,8%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 32,46% kế hoạch, cao hơn 4,26% so với cùng kỳ.

Về thu hút FDI 6 tháng đạt 21,5 tỷ USD, tăng 32,5%, cao nhất 15 năm qua, trong đó vốn thực hiện tăng 8,1%.

 Cùng với đó, hạ tầng tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt có thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc lên 2.268 km.

Về hoạt động sản xuất – kinh doanh, trong tháng 6/2025 cả nước có 24.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Đây cũng là mức cao kỷ lục.

Tính chung 6 tháng đầu năm có 152.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, vượt số rút lui (127.200 doanh nghiệp).

Lĩnh vực du lịch ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ với gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng, tăng 20,7%. Trong đó, tháng 6 đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 17,1%.

Tổng vốn đăng ký bổ sung cho nền kinh tế trong 6 tháng ước đạt xấp xỉ 2,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi và tăng trưởng.

Đặc biệt, ngày 2/7, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất Tuyên bố chung về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng tạo sự yên tâm cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh…

Công tác đối ngoại cũng được triển khai đồng bộ, góp phần giữ môi trường hòa bình, ổn định.

Cần cải thiện nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, nền kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn trong thời gian tới. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đặt ra ở mức cao dẫn tới nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, áp lực trong điều hành vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá, lãi suất, tiếp tục là điểm cần lưu tâm. Đồng thời, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật đã có tiến triển nhưng vẫn còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển và hội nhập.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai ngay trong tháng 7 và quý III/2025 như sau:

 Cần sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Đồng thời, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình thực thi phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho địa phương, bảo đảm sự thông suốt và đồng bộ trong quản lý nhà nước. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bền vững.

Về điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, các giải pháp cần được thực hiện linh hoạt và phối hợp chặt chẽ. Trong đó Ngân hàng Nhà nước được giao tiếp tục điều hành tỷ giá, lãi suất, công cụ chính sách tiền tệ phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Bộ Tài chính tập trung tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan, phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2025 tăng 15% so với dự toán và tỷ lệ huy động vào ngân sách khoảng 16% GDP.

Đồng thời, tiếp tục tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ nay đến cuối năm để ưu tiên đầu tư cho các trường học nội trú vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, đáp ứng các nhiệm vụ cấp thiết về chính trị và an sinh xã hội.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, kịp thời có biện pháp bình ổn thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý…

BÀI LIÊN QUAN