Chè Vân vốn là loài cây hoang, mọc tự nhiên ở vùng đất Bản Sen từ hàng trăm năm trước. Theo chị Lò Thị Nghiên, một người dân địa phương, loại chè này từng được tìm thấy nhiều trong các cánh rừng nguyên sinh: “Các cụ ngày xưa phát hiện lá cây có vị ngọt thanh, sao lên uống thấy tốt cho sức khỏe nên mang về trồng gần nhà để tiện thu hái”.
Nhưng những năm sau đó, chè Vân không còn được coi là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế, nên dần dần bị thay thế bởi những loại cây khác. Có một thời, muốn tìm chè Vân, người ta phải vào những cánh rừng tự nhiên còn sót lại ở Bản Sen.
Bà Phạm Thị Huyền, người đã hơn 25 năm gắn bó với loại chè này, chia sẻ: “Nhà tôi còn được một hecta. Còn các hộ khác xung quanh thì chặt gần hết rồi. Vì làm chè cổ thụ kỳ công mà thu nhập không bằng nghề nuôi trồng thủy sản, nên người ta chặt bỏ”.
Dù không còn ở thời kỳ hoàng kim, chè Vân vẫn là một nét văn hóa đặc thù của vùng rừng núi Bản Sen, là niềm tự hào cho những ai trân trọng truyền thống và hương vị tinh tế của chè cổ thụ.
Những cây chè có tuổi thọ hơn 500 năm
Một số cây chè Vân ở Bản Sen đã được xác định là có tuổi thọ trên 500 năm. Có người so sánh chè Vân với chè Shan Tuyết ở Hà Giang, đều là loài cây cổ thụ và thích sống ở những vùng sương gió khắc nghiệt.
Phải chăng, từ đó mà tạo nên hương vị chè đặc biệt, khiến ai đã từng quen uống chè Vân dù có đi xa vẫn không quên được.
Quá trình chế biến chè Vân hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự thuần thục và kiên nhẫn. Chè sau khi hái được phơi nắng, đưa vào máy sấy, rồi đem ủ cho lên men, sau đó lại mang ra phơi nắng, cuối cùng mới được cho vào chảo rang trong vòng một tiếng để hoàn thiện sản phẩm.
“Ủ chè là công đoạn phức tạp nhất. Phải ủ đủ 6 tiếng, mà phải đúng nắng, phơi không khéo thì chè không thơm. Làm chè kỳ công lắm”, chị Nghiên chia sẻ.
Khác với các loại chè công nghiệp, chè Vân có vị chát nhẹ ban đầu nhưng ngọt hậu, nước xanh trong, hương thơm thoang thoảng của núi rừng. Có người còn đem ướp cùng hoa nhài, hoa cúc hoặc sen để tăng thêm hương vị thanh khiết.
Nhưng bản thân chè cổ thụ, ngay cả khi không ướp với hoa, cũng đủ làm mê đắm những người am hiểu và trân trọng vị chè truyền thống.
“Uống chè này không bị xót ruột, kể cả buổi sáng chưa ăn cơm cũng không thấy cồn cào. Cái ngon của chè Vân không chỉ ở giống chè, mà là nhờ vào cái khí hậu thổ nhưỡng ở đây. Ví dụ cũng giống chè này mà trồng nơi khác, uống vẫn không ngon bằng.” – Bà Huyền khẳng định.
Chèn trà thấm đẫm thiền vị
Dưới thời nhà Trần, chè Vân từng được dùng trong các nghi lễ cung đình. Vua Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, thường cùng với các thiền sư thưởng trà trong không gian thanh tịnh của núi rừng Yên Tử. Mỗi chén trà là một hành trình trở về với nội tâm, là phương tiện kết nối với đất trời qua từng hơi thở.
Ngày nay, mặc dù áp lực cơm áo đã khiến nhiều hộ dân bỏ chè thay thế bằng những loại cây khác kinh tế hơn, nhưng vẫn còn không ít người bền bỉ giữ nghề truyền thống. Bởi chè Vân không chỉ là một loại trà, mà còn là tinh hoa của trời đất, là một phần của văn hóa uống trà lâu đời của người Việt.
Gần đây, Bản Sen đã chú trọng việc khôi phục lại giống chè cổ thụ. Chè Vân đã được công nhận là sản phẩm OCOP và là sản phẩm xuất khẩu được các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác ưa chuộng.
“Địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát triển thương hiệu chè Vân Bản Sen, phối hợp với doanh nghiệp ở địa phương lên kế hoạch khôi phục lại diện tích trồng chè, từ 2 hecta lên 30 hecta,” – Ông Hoàng Anh Tuấn, chủ tịch UBND xã Bản Sen cho biết.
Những năm gần đây, xu hướng thưởng trà đang quay trở lại.
Giữa nhịp sống hối hả với những thú tiêu khiển ồn ào, chén trà trở thành liệu pháp thanh lọc tâm hồn, là khoảng lặng để con người an trú và kết nối với những giá trị đã ăn sâu vào tâm thức người Việt suốt hàng ngàn năm.
Một chén chè Vân mộc mạc có thể đưa người ta trở về với thiên nhiên, với cội nguồn, và với chính mình.