ChatGPT thành trợ giảng: Từ công cụ gian lận đến lớp học chính thống

Chí Phú

Biên tập viên

Từng bị xem là công cụ gian lận bài tập, nay ChatGPT chính thức bước vào vai trò trợ giảng, được tích hợp vào ứng dụng học tập dùng trong hàng ngàn trường học tại Mỹ.
ChatGPT_Classrooms1

Khi ChatGPT lần đầu gây sốt vào năm 2023, không ít học sinh đã lạm dụng chatbot này để làm bài tập. Hai năm sau, OpenAI – công ty đứng sau công nghệ đó, đang chuyển sang một hướng đi hoàn toàn mới khi bắt tay với các công ty giáo dục để chính thức đưa AI vào giảng dạy trong trường học.

Hôm qua ngày 23/7, OpenAI và Instructure – công ty công nghệ giáo dục đứng sau ứng dụng học tập Canvas, thông báo về mối quan hệ hợp tác mới. Theo đó, AI tạo sinh (generative AI) sẽ được tích hợp sâu vào hệ thống học tập đang được sử dụng bởi hàng ngàn trường phổ thông và đại học ở Mỹ.

Canvas vốn đã quen thuộc với nhiều học sinh, sinh viên và cả phụ huynh. Đây là nơi học sinh kiểm tra bài tập, theo dõi điểm số trên điện thoại. Với việc tích hợp AI, ứng dụng này sẽ hỗ trợ giáo viên xây dựng khóa học mới, đánh giá học sinh theo cách sáng tạo hơn và giảm tải các công việc hành chính tẻ nhạt.

Điều quan trọng là với sự hỗ trợ của AI, học sinh có thể sử dụng công nghệ trong việc học một cách minh bạch và hợp lệ, không còn lo bị nghi gian lận. 

“Học sinh thực sự muốn học, nhưng họ muốn nội dung mang ý nghĩa và phù hợp với cuộc sống của họ”, bà Melissa Loble – Giám đốc học thuật của Instructure, chia sẻ. “Việc tích hợp AI theo cách này sẽ khiến việc học thú vị hơn, giúp các em gắn kết với kiến thức tốt hơn”.

Xu hướng đưa AI vào giáo dục hiện rất sôi động. Trước đó, Khan Academy – một nền tảng học trực tuyến nổi tiếng, đã ra mắt trợ lý ảo AI mang tên Khanmingo, cũng dựa trên công nghệ của OpenAI, dành cho cả giáo viên và học sinh.

Tâm điểm của lần hợp tác giữa OpenAI và Instructure lần này là một loại bài tập mới mang tên “Bài tập dùng mô hình ngôn ngữ lớn” (LLM-Enabled Assignment). Thay vì làm bài theo cách truyền thống, học sinh sẽ tương tác với chatbot AI ngay trong Canvas.

Giáo viên chỉ cần mô tả mục tiêu giảng dạy và kỹ năng mong muốn, hệ thống sẽ tạo ra một đoạn hội thoại thông minh, được cá nhân hóa cho từng học sinh. 

Ví dụ, giáo viên môn Kinh tế có thể tạo ra một “chatbot” mang hình hài nhà kinh tế John Maynard Keynes. Học sinh sau đó có thể trò chuyện với “ông Keynes ảo” để hiểu sâu hơn các vấn đề kinh tế, chẳng hạn như hậu quả của việc tăng cung trên thị trường.

Toàn bộ cuộc trò chuyện giữa học sinh với chatbot sẽ được đối chiếu với mục tiêu học tập do giáo viên đặt ra, sau đó đưa kết quả về sổ điểm của hệ thống. Điều này giúp giáo viên có cái nhìn toàn diện hơn về mức độ hiểu bài của học sinh trong suốt quá trình học, chứ không chỉ dựa vào đáp án cuối cùng.

Tuy nhiên, việc sử dụng mô hình của OpenAI trong khâu đánh giá vẫn khiến một số phụ huynh và giáo viên lo ngại. Theo Instructure, sẽ luôn có người thật giám sát quá trình này, và giáo viên vẫn giữ toàn quyền kiểm soát điểm số cũng như các đánh giá.

Ngoài nội dung giảng dạy, AI còn được ứng dụng để hỗ trợ giáo viên giải quyết các công việc hành chính rườm rà. Chẳng hạn, nếu một học sinh tên Porsche bị thương và cần gia hạn bài tập, giáo viên chỉ cần nhờ trợ lý AI cập nhật lại hạn nộp cho tất cả các môn liên quan.

AI cũng có thể hỗ trợ trả lời câu hỏi từ phụ huynh. Nếu phụ huynh muốn biết lý do vì sao con mình chỉ được điểm B môn Kinh tế, AI có thể tóm tắt nội dung tin nhắn và các điểm chung trong nhiều phản hồi, sau đó đề xuất câu trả lời phù hợp. Tuy nhiên, giáo viên vẫn là người duyệt và chỉnh sửa trước khi gửi đi.

ChatGPT_Classrooms2

Tất cả những ứng dụng nói trên cho thấy AI đang dần thay đổi cách dạy và học, không chỉ giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn mà còn giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, tập trung vào những giá trị con người trong giáo dục. 

Thay vì bị xem là mối đe dọa, ChatGPT và các công nghệ tương tự đang được định hình lại thành một phần chính thức của hệ sinh thái giáo dục hiện đại.

BÀI LIÊN QUAN