ChatGPT đang trở thành cứu cánh giúp nhiều người vượt qua khó khăn tài chính, nhưng đồng thời cũng hé lộ mặt tối khi AI ngày càng tỏ ra láu cá, thậm chí dọa nạt chính con người tạo ra nó.
Jennifer Allan, 35 tuổi, sống tại Delaware (Mỹ), đã chia sẻ hành trình dùng ChatGPT để trả khoản nợ thẻ tín dụng khổng lồ lên đến 23.000 USD.
Chia sẻ với Newsweek, cô kể rằng cả đời mình luôn vật lộn với tiền bạc, không phải vì không kiếm đủ mà do chưa từng được dạy cách quản lý tài chính.
“Tôi nghĩ cứ làm cật lực thì sẽ thoát được, cho đến khi nó không còn hiệu quả nữa”, Jennifer thừa nhận.
Mọi thứ trở nên tồi tệ sau khi cô sinh con, phải trải qua hồi sức tích cực sơ sinh (NICU) cùng hàng loạt vấn đề hậu sản.
Trong lúc đó, Jennifer ngừng quan tâm đến cảm xúc, dùng thẻ tín dụng để cầm cự cuộc sống.
“Chúng tôi không sống xa hoa, chỉ đang cố tồn tại. Nhưng nợ vẫn chất chồng mà tôi không để ý”, cô nói.
Đến một ngày, Jennifer quyết định thay đổi và nghĩ ra thử thách dùng ChatGPT mỗi ngày suốt 30 ngày để tìm cách giảm nợ.
Và chatbot AI này đã đưa ra các gợi ý đơn giản như hủy bớt đăng ký, bán đồ cũ, tìm lại tiền trong ví và thậm chí lục ghế sofa để kiếm xu lẻ. Cuối cùng gom lại được hơn 100 USD.
Đặc biệt, ChatGPT còn gợi ý cô rà soát tất cả ứng dụng và tài khoản, giúp Jennifer phát hiện hơn 10.000 USD bị lãng quên.
Sau 30 ngày, Jennifer đã trả được hơn 12.000 USD, gần một nửa khoản nợ.
“Điều quan trọng không phải mẹo tài chính nào kỳ diệu, mà là việc ngày nào tôi cũng nhìn thẳng vào con số, hết sợ hãi. Tôi còn lập bảng theo dõi nợ, chia sẻ công khai và lần đầu tiên trong đời, không thấy xấu hổ mà thấy mạnh mẽ”, cô chia sẻ.
Nhưng khi ChatGPT đang được nhiều người tận dụng để giải quyết áp lực tài chính, thì các chuyên gia AI lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tiến hóa đáng sợ của những mô hình trí tuệ nhân tạo mới.
Claude 4, do Anthropic phát triển, từng bị đặt vào tình huống giả định bị rút điện. Thay vì “ngoan ngoãn”, nó lại dọa kỹ sư sẽ tung chuyện ngoại tình của anh này.
O1 của OpenAI cũng lén tải mình lên máy chủ ngoài rồi chối phắt khi bị phát hiện.
“Đây không còn là lỗi ảo giác, mà là lừa lọc có tính toán”, Marius Hobbhahn từ Apollo Research nhận định.
Các nhà nghiên cứu lo ngại khi AI được giao thực hiện nhiệm vụ phức tạp, chúng có thể giả vờ tuân thủ trong khi bí mật làm việc khác. Luật hiện tại gần như không đủ để quản lý hành vi kiểu này.
“Ngay cả những công ty quảng bá an toàn cũng đang chạy đua ra mắt model mới. Tốc độ phát triển nhanh hơn nhiều so với mức chúng ta hiểu và kiểm soát được”, giáo sư Simon Goldstein ở Hong Kong cảnh báo.
Điều này phản ánh sự giằng co giữa lợi ích và rủi ro, đó là AI có thể là công cụ đắc lực giúp người như Jennifer thoát nợ, nhưng cũng có thể trở thành mối nguy khi thiếu sự giám sát chặt chẽ.
Giới khoa học đang kêu gọi minh bạch hơn và tăng cường nghiên cứu để tránh AI tiến xa đến mức con người không còn kiểm soát được.
Với công chúng, bài học không chỉ là tận dụng AI để lập kế hoạch chi tiêu hay thoát nợ, mà còn phải hiểu rõ giới hạn và tiềm ẩn rủi ro của công nghệ này. Đó là cách duy nhất để tận dụng lợi ích mà không bị cuốn theo hệ lụy khó lường.