Từng là học sinh chuyên Toán của trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá), đạt giải nhất tháng trong một cuộc thi kiến thức trên truyền hình, Duy Trinh tự nhận “mình cũng giỏi, sau này chắc phải làm cho tập đoàn này nọ, thu nhập khủng”. Nhưng ở tuổi 25, chàng trai này giờ đây lại đang là một người bán tạp hóa bình thường, không giỏi kiếm tiền.
Những chia sẻ của chàng trai sinh năm 2000 tại Thanh Hóa thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội. Nhiều người tò mò về câu chuyện “bỏ phố về quê” làm lại từ đầu của Duy Trinh sau những năm học tập, làm việc tại Hà Nội.
Duy Trinh từng theo học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử tại trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau khi ra trường, anh chàng làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Duy Trinh cho biết quyết định trở về quê hương Thanh Hoá bắt đầu nhen nhóm từ dịp lễ 30/4/2023. Đến tháng 9/2024, khi về nghỉ lễ Quốc khánh, thấy sức khoẻ của bố mẹ suy giảm do làm việc quá sức, Duy Trinh dần lên kế hoạch cho việc về quê phụ giúp bố mẹ.
Ban đầu Duy Trinh dự định đầu năm 2025, sau khi sắp xếp công việc ở Hà Nội mới về quê. Nhưng do một vài rắc rối nên quyết định trở về nhà luôn từ tháng 10/2024, sớm hơn dự kiến vài tháng.
“Thật ra khi về quê để làm việc không gặp nhiều khó khăn như tôi nghĩ. Đến hiện tại chưa gặp nhiều vấn đề. Mọi thứ đều dễ dàng hơn so với khi ở Hà Nội, từ tài chính cho tới áp lực công việc” – Duy Trinh chia sẻ.
Biết tin con trai về làm việc gần nhà, bố mẹ Duy Trinh rất vui, thậm chí mở tiệc ăn mừng. Quyết định này cũng giúp Duy Trinh gần gũi hơn với người thân, đỡ đần bố mẹ công việc buôn bán, chăm sóc sức khỏe hằng ngày. Đồng thời thoát khỏi những áp lực, stress vì công việc và cuộc sống ở chốn thành thị xô bồ.
“Bố mẹ luôn mong muốn tôi về quê, còn tôi mới là đứa từng khăng khăng đòi ở lại Hà Nội để phát triển. Nhưng rồi càng lớn tôi càng hiểu ra rằng gia đình mới là quan trọng nhất, ở gần bố mẹ thì mới có thể kịp thời nhìn thấy những dấu hiệu không ổn của họ và can thiệp sớm. Ở xa rất khó để biết được điều đó, chưa kể bố mẹ sẽ luôn nói dối rằng bố mẹ ổn. Vậy nên khi thấy tôi về bố mẹ rất vui, còn mở tiệc ăn mừng, mẹ gặp ai cũng luôn bảo rằng thành công lớn nhất năm là lôi được tôi về quê” – Duy Trinh chia sẻ.
Quyết định về quê của Duy Trinh không phải là bồng bột nhất thời. Anh chàng cho biết đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất là không có việc làm thì vẫn có thể kiếm tiền thông qua bán hàng và áp dụng những gì đã học được, kinh nghiệm đi làm để tăng doanh thu cho gia đình. Theo Duy Trinh, những thứ đã học được ở thành phố là để chuẩn bị cho tương lai. Khi về quê, những kinh nghiệm có được tại Hà Nội là điều vô cùng quý báu, giúp ích trong công việc.
Trước câu hỏi liệu người trẻ có ngày càng sợ đối mặt với công việc, cuộc sống ở thành thị nên chọn về quê, Duy Trinh cho biết ngoài nỗi sợ và áp lực đó là việc “cái đích” an cư lạc nghiệp ở thành phố ngày càng xa vời. Điều này khiến các bạn trẻ dần không còn tin vào tương lai để làm động lực chống chọi với áp lực nữa.
“Về quê không phải để chill, về quê là để làm việc nhưng với một áp lực hợp lý hơn và tương lai tươi sáng hơn, cũng là để giảm tải áp lực hạ tầng đô thị và phát triển đồng đều các khu vực” – Duy Trinh cho biết.
Hiện tại ngoài công việc phụ bố mẹ bán tạp hoá, Duy Trinh còn làm media (truyền thông) cho một thương hiệu trà, cũng là thương hiệu của quê hương Thanh Hóa. Anh chàng cho biết dù thu nhập không cao nhưng đủ sống và không phụ thuộc vào bố mẹ.
“Thanh Hoá cực kì nhiều tiềm năng để khởi nghiệp và làm giàu, nhất là về mảng nông sản vì nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường cũng tương đối lớn. Chưa kể hiện tại các doanh nghiệp ở Thanh Hoá mới chỉ đang bắt đầu hiện đại hoá, vậy nên sẽ là cơ hội cực tốt để các bạn trẻ về quê và bắt đầu, trở thành người khai hoang.
Vốn dĩ tôi về quê là để ở bên gia đình, nên sẽ mãi ở đây. Chưa kể tôi còn có ước muốn quảng bá, đem sản phẩm nông nghiệp của quê hương Thanh Hoá tới khắp nơi trên cả nước. Vì tôi rất yêu quê hương mình” – Duy Trinh chia sẻ.
Hiện tại Duy Trinh đang làm truyền thông để quảng bá sản phẩm trà ổi và trà gừng đặc sản quê hương, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong tương lai, chàng trai 10x phấn đấu làm được nhiều hơn nữa, đưa nhiều nông sản địa phương lan tỏa rộng khắp.
Duy Trinh cho biết, anh rất hy vọng bản thân sẽ làm được điều gì đó cho quê hương, chứ không hy vọng quê hương có gì để đãi ngộ mình. Chính vì vậy anh chàng khẳng định: “Sẽ chẳng có chuyện tôi bỏ xứ ra đi nữa đâu”.