Xuất thân trong một gia đình lao động phổ thông, cha mẹ phải bươn chải vất vả để nuôi con ăn học, Lê Anh Tiến sớm hình thành tính tự lập từ khi còn rất nhỏ.
Tuổi thơ của anh gắn liền với những ngày vừa học vừa phụ giúp cha mẹ trông xe, kiếm sống, thậm chí từ trước khi bước vào lớp 1. Việc thiếu ngủ hay không có thời gian vui chơi là điều diễn ra thường xuyên trong suốt những năm tháng đầu đời.
Lên cấp 3, Lê Anh Tiến đã thể hiện niềm đam mê đặc biệt với khoa học ứng dụng. Anh thường tự mày mò nghiên cứu và sáng tạo các sản phẩm trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, môi trường, giáo dục.
Niềm đam mê ấy giúp anh giành được nhiều giải thưởng như Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo (Trung ương Đoàn), danh hiệu Nhà sáng chế trẻ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đồng thời tốt nghiệp hệ lập trình viên quốc tế ngay khi vừa kết thúc lớp 12.
Tiếp tục theo đuổi đam mê công nghệ, Lê Anh Tiến lựa chọn ngành Điện tử – Viễn thông tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Trong suốt bốn năm đại học, phần lớn thời gian của anh được dành trong phòng thí nghiệm, nơi anh tiếp tục đào sâu các vấn đề công nghệ và phát triển những ý tưởng ứng dụng thực tiễn.
Vào năm 2008, khi các khái niệm như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning) vẫn còn xa lạ với phần lớn sinh viên và giảng viên, Lê Anh Tiến nhìn thấy cơ hội khác biệt. Trong khi nhiều người chọn những ngành học phổ biến để đảm bảo đầu ra, anh tin rằng theo đuổi một hướng đi mới sẽ mở ra tương lai rộng lớn hơn. Bạn bè không mấy ngạc nhiên với lựa chọn này, bởi từ lâu Tiến đã quen với việc suy nghĩ và hành động khác biệt.
Nhờ định hướng rõ ràng và nỗ lực bền bỉ, ngay sau khi tốt nghiệp, anh đã sở hữu nhiều công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giành được các giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Những thành quả bước đầu ấy là bước đệm quan trọng giúp anh kiên định theo đuổi con đường công nghệ, với khát vọng tạo ra giá trị thực sự cho cộng đồng.
Từ quán cà phê nhỏ đến chatbot triệu người dùng
Năm 2017, khi AI chưa phổ biến với phần lớn người kinh doanh nhỏ tại Việt Nam, Lê Anh Tiến và các cộng sự xây dựng một ứng dụng gọi là automation marketing (Tự động hoá tiếp thị), hỗ trợ một quán cà phê chăm sóc khách hàng tự động.
Phiên bản đầu tiên của sản phẩm, được nhóm anh Tiến đặt tên Chatbot 1.0, có thể xử lý yêu cầu phức tạp, phân tích và nắm bắt thói quen của người sử dụng dịch vụ tại quán, từ đó thay đổi và cải thiện thực đơn theo thị hiếu chung.
Chỉ sau 3 tháng triển khai thử nghiệm Chatbot 1.0 trên Messenger và nhận thấy hiệu quả rõ rệt, nhóm anh Tiến quyết định thương mại hóa sản phẩm, chính thức thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam vào tháng 11/2017, đặt tên sản phẩm là Bot Bán Hàng.
Năm 2018, Bot Bán Hàng nhận được gói tài trợ trị giá 3.000 USD của Facebook và bắt đầu triển khai hàng loạt sản phẩm cho 5.000 – 6.000 người dùng miễn phí. Cùng năm, Bot Bán Hàng lọt Top 5 Startup Việt và nhận giải “Startup công nghệ tiềm năng” từ Grab.
Theo Lê Anh Tiến, thời điểm ra mắt thị trường, có rất nhiều startup được đầu tư nhưng Bot Bán Hàng là một trong những cái tên nổi bật nhất.
Điểm đặc biệt đầu tiên là Bot Bán Hàng nằm trong số rất ít startup sở hữu giấy phép công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong khi hầu hết các startup khác lúc bấy giờ đều chưa có.
Thứ hai, mô hình kinh doanh của Bot Bán Hàng rất khác biệt: Thay vì chỉ tập trung bán hàng đơn thuần, nền tảng ưu tiên việc sử dụng công nghệ để giải quyết bài toán tăng trưởng và cụ thể cho khách hàng, điều hiếm startup nào dám tuyên bố thời điểm đó.
Chẳng hạn, với ngành thời trang, Bot Bán Hàng cam kết giúp doanh nghiệp tăng trưởng đến 40% doanh thu, còn ngành làm đẹp thì từ 20 – 30%, tùy theo quy mô và dữ liệu khách hàng. Mô hình kinh doanh tập trung vào hậu mãi và hiệu quả thực tế này đã giúp công ty tạo khác biệt với phần còn lại của thị trường, đồng thời giành được những khoản đầu tư lớn trong nước.
Tiếp đà thành công trong nước, anh Tiến mở rộng thị phần ở Thái Lan, Philippines, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, anh nghiên cứu thêm các công nghệ mới liên quan tới AI, Machine Learning, Big Data để giúp Bot Bán Hàng ngày càng thông minh, tự học qua từng cuộc trò chuyện và có thể kết nối đa kênh.
“Việc kết nối đa kênh qua các nền tảng như Messenger, Zalo, WhatsApp, CRM… giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng toàn cầu”, anh Tiến giải thích.
Từ đó, số lượng khách hàng của Bot Bán Hàng tăng trưởng phi mã. Ban đầu từ 5.000 tới 6.000 khách hàng thì tới thời điểm 2020 tăng trưởng lên khoảng 50.000 khách hàng và dần dần đạt cột khoảng 10 triệu người dùng.
“Trên hành trình gần tám năm, chúng tôi luôn bám sát nhu cầu thực tế, không ngừng lắng nghe phản hồi và cải tiến công nghệ. Sự thành công ngày hôm nay là kết quả của cam kết đem lại giá trị thiết thực cho khách hàng và tinh thần đổi mới không ngừng của toàn đội ngũ Chatbot Việt Nam”, anh Tiến chia sẻ.
Công nghệ Việt giữa thời đại số hoá toàn cầu
Là một trong những gương mặt tiêu biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần VI, Lê Anh Tiến không chỉ là người kiến tạo công nghệ, mà còn là đại diện cho làn sóng doanh nhân đổi mới, nơi mỗi sản phẩm không phải bắt đầu bằng mã lệnh, mà bắt đầu bằng việc lắng nghe nhu cầu thị trường.
Anh cho rằng Việt Nam sở hữu lợi thế rõ ràng từ việc thấu hiểu sâu sắc ngôn ngữ, văn hóa và thói quen tiêu dùng của khách hàng bản địa, giúp các sản phẩm “thuần Việt” như Bot Bán Hàng nhanh chóng chiếm lĩnh niềm tin thị trường.
Việt Nam cũng đang có cơ hội lớn để vươn lên trong cuộc đua AI với nguồn nhân lực CNTT dồi dào, sự ủng hộ từ Chính phủ và vốn đầu tư mạo hiểm đang chảy mạnh vào khởi nghiệp công nghệ. Tuy nhiên, hạ tầng tính toán, dữ liệu và pháp lý vẫn là những “nút thắt” cần sớm được tháo gỡ nếu muốn cạnh tranh với các ông lớn như Google hay Microsoft.
Theo anh Tiến, các ông lớn công nghệ trên thế giới sở hữu hệ sinh thái AI, hạ tầng tính toán và dữ liệu khổng lồ, sẵn sàng tung ra tính năng mới để chiếm thị phần ngay lập tức.
Trong khi đó, hạ tầng trung tâm dữ liệu nội địa còn hạn chế. Đến quý 1/2024, Việt Nam mới có 33 data center với tổng công suất khoảng 80 MW, chưa đáp ứng nhu cầu huấn luyện các mô hình AI quy mô lớn.
Mặt khác,Việt Nam được dự báo thiếu khoảng 200.000 chuyên gia CNTT vào năm 2025. Nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 500.000 người, trong đó 70% kỹ sư mới ra trường phải qua đào tạo bổ sung trước khi làm việc thực tế.
Cuối cùng, khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phát triển AI có trách nhiệm vẫn đang hoàn thiện, khiến doanh nghiệp còn e ngại khi thu thập, xử lý thông tin người dùng.
CEO 9X nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 57, Nghị quyết Trung ương ngày 22/12/20024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết này khẳng định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính thúc đẩy phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, đây cũng là giải pháp chiến lược giúp ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và tạo sức bật mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới.
Nghị quyết tập trung vào tăng cường chỉ đạo, hoàn thiện hành lang thể chế và cơ chế chính sách tự chủ, từ cải cách thủ tục hành chính, giao quyền tự chủ cho các viện, đơn vị nghiên cứu, đến chính sách đãi ngộ nhân tài và đầu tư hạ tầng số nhằm giải phóng tối đa nguồn lực khoa học công nghệ.
Nghị quyết cũng xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, giới khoa học và người dân, những chủ thể trung tâm trong quá trình đổi mới. Việc huy động đồng bộ các lực lượng này đã khơi dậy nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Luôn khởi đầu từ ‘bài toán thật’
Xuất thân là học sinh chuyên Tin từ cấp 3, từng thi nhiều cuộc thi về Tin học trong và ngoài nước, Lê Anh Tiến theo học ngành Kỹ thuật Máy tính, chuyên sâu về AI, đặc biệt là các lĩnh vực như machine learning, xử lý ảnh.
Quá trình học tập và làm việc ở nước ngoài giúp anh tiếp cận sâu hơn với thương mại điện tử (e-commerce), và đặc biệt là mô hình social commerce, nơi việc mua sắm diễn ra ngay trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Chính từ nhu cầu thực tiễn này, anh bắt đầu nghiên cứu về chatbot ứng dụng AI, về hành vi người tiêu dùng mua sắm trên mạng xã hội, từ đó phát triển nên sản phẩm AI chatbot của Bot Bán Hàng.
Với kinh nghiệm khởi nghiệp và sáng tạo công nghệ, anh Tiến chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam đang nuôi giấc mơ làm startup hai bài học then chốt:
“Thứ nhất, hãy luôn bắt đầu từ một ‘bài toán thật’, chỉ khi hiểu rõ cái khó của khách hàng, bạn mới tạo ra giải pháp có giá trị bền vững. Đừng ngần ngại ra mắt sớm phiên bản thử nghiệm (MVP), thu thập phản hồi, điều chỉnh linh hoạt; bởi thất bại sớm chính là cơ hội hoàn thiện nhanh hơn.
Thứ hai, đừng bao giờ ngừng học hỏi và hãy xây dựng một đội ngũ gắn kết. Trong bối cảnh công nghệ số và AI biến đổi từng ngày, kiến thức cũng phải được cập nhật liên tục qua các khóa học, hội thảo và cộng đồng chuyên môn. Đồng thời, một văn hoá minh bạch, chia sẻ và tôn trọng ý tưởng sẽ giúp giữ chân nhân tài và vượt qua mọi thử thách. Hãy kiên định với tầm nhìn dài hạn, nhưng luôn sẵn sàng thích ứng nhanh khi thị trường thay đổi”.