Việc không được rèn luyện khả năng chịu đựng thất bại có thể khiến trẻ dễ rơi vào lo âu, sụp đổ tinh thần khi vấp ngã – từ những vấp ngã nhỏ nhất ở tuổi mẫu giáo, đến những thất bại lớn ở tuổi trưởng thành. Quan trọng hơn, nỗi sợ thất bại có thể khiến trẻ từ bỏ nỗ lực hoặc không dám thử những điều mới.
Michael Jordan, huyền thoại bóng rổ người Mỹ, được xem là một trong những vận động viên vĩ đại nhất mọi thời đại, từng chia sẻ:
. “Tôi đã thất bại hết lần này đến lần khác trong đời. Và đó chính là lý do tôi thành công.” Ông dành nhiều năm để nhấn mạnh vai trò của kiên trì và phục hồi sau thất bại như nền tảng để trở thành nhà vô địch.
Thế nhưng, khi xã hội ngày càng đặt áp lực “phải thành công” lên vai trẻ em, nhiều bậc cha mẹ lại tìm mọi cách để con không được phép thất bại. Hệ quả là ngày càng nhiều trẻ không thể chịu đựng nổi sai sót nhỏ nhất.
Trẻ tự trừng phạt mình
- Hoa, một học sinh lớp 9, đã vô cùng thất vọng sau khi trượt kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên – nơi em đặt nhiều kỳ vọng.
Hoa tự nhốt mình trong phòng suốt nhiều ngày, lảng tránh tiếp xúc với gia đình lẫn bạn bè. Mẹ em chia sẻ: “Con bé gần như sụp đổ, không muốn gặp ai, cả ngày không nói câu nào… Nhìn con như vậy, tôi thực sự đau lòng.”
Thực tế cho thấy, có không ít học sinh – đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên – rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần khi đối mặt với thất bại trong học tập.
Một cú trượt nguyện vọng, một điểm thi không như mong đợi, hay đơn giản là việc không đạt thành tích bằng bạn bè cũng có thể trở thành cú sốc lớn với các em.
Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân không chỉ nằm ở áp lực thi cử, mà còn đến từ sự kỳ vọng quá lớn của bản thân hoặc gia đình, cùng với việc thiếu kỹ năng đối mặt với thất bại.
Ở tuổi dậy thì, khi tâm lý còn nhiều biến động và bản sắc cá nhân đang hình thành, những cú trượt đầu đời có thể dễ dàng dẫn tới cảm giác thất vọng về bản thân, tự ti và chán nản.
Tiến sĩ Amanda Mintzer – chuyên gia tâm lý lâm sàng tại Mỹ, từng nhấn mạnh: “Khả năng chịu đựng sự không hoàn hảo, khả năng phục hồi sau vấp ngã, đôi khi còn quan trọng hơn bất kỳ thành tích học thuật nào.”
Nhưng đáng tiếc là những kỹ năng ấy thường bị bỏ qua trong quá trình nuôi dạy và giáo dục trẻ.
“Xây dựng bộ kỹ năng này là điều cần thiết để trẻ có thể độc lập, phát triển kỹ năng xã hội và đạt được thành công dài hạn,” bà Amanda Mintzer nhấn mạnh.
Vậy cha mẹ nên làm gì khi con thất bại?
Đồng cảm thay vì phủ nhận
Đừng vội nói: “Không sao đâu, lần sau con sẽ làm tốt hơn.” Câu nói này nghe có vẻ động viên nhưng lại phủ nhận cảm xúc của con. Hãy thay bằng:
“Mẹ thấy con rất thất vọng. Mẹ hiểu con đã cố gắng nhiều như thế nào.”
Làm gương cho con
Hãy chia sẻ về một thất bại của chính bạn – bỏ lỡ một cơ hội, bị từ chối, vấp ngã trong công việc… Trẻ sẽ thấy: thất bại là chuyện ai cũng gặp và người lớn cũng đang học cách đối diện.
Biến thất bại thành bài học
Cùng con nhìn lại: Lần sau con có thể làm gì khác đi? Con có thể hỏi thầy cô, ôn bài theo cách nào tốt hơn?
Nói với con: “Chúng ta chấp nhận điều đã xảy ra, và cùng nhau xem có thể thay đổi gì trong tương lai.”
Niềm tin là liều thuốc phục hồi
Hầu như mọi đứa trẻ đều có thể bước qua giai đoạn khủng hoảng nếu các em biết rằng vẫn có người tin vào mình. Tin rằng con sẽ ổn, dù hiện tại còn yếu ớt. Tin rằng con không cần phải hoàn hảo để được yêu thương. Tin rằng con sẽ tìm lại ánh sáng – theo cách riêng của mình.
Sự hiện diện lặng lẽ nhưng kiên định của cha mẹ, thầy cô hay một người lớn đủ tinh tế… có thể là điểm tựa lớn nhất để trẻ đứng dậy từ chính những lần vấp ngã. Bởi đôi khi, điều duy nhất giúp con bước tiếp không phải là lời khuyên, mà là ánh mắt dịu dàng chứa đầy niềm tin: “Con sẽ vượt qua được.”
Hãy lùi lại và để con vấp ngã
Cha mẹ thường muốn can thiệp, che chắn, làm mọi thứ giúp con. Nhưng chính những lần vấp ngã mới giúp trẻ học cách giải quyết vấn đề, đứng dậy và tự tin hơn.
Các cuốn sách nổi tiếng The Blessings of a Skinned Knee (“Phước lành từ những vết trầy đầu gối” )hay The Gift of Failure(“Món quà của sự thất bại”) đều nhấn mạnh: nếu cha mẹ cứ lảng vảng và ngăn cản con thất bại, họ đang cướp đi cơ hội trưởng thành của con.
Với những trẻ bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo, như xé đi xé lại bài tập vì viết sai một chữ – các chuyên gia khuyên dùng liệu pháp tiếp xúc: khuyến khích trẻ mắc lỗi một cách có chủ đích, để làm quen với cảm giác “không hoàn hảo cũng không sao”.
Học cách thất bại cũng có nghĩa là học đối mặt với những cảm xúc khó chịu: sự xấu hổ, tiếc nuối và tổn thương… Thất bại không phải dấu chấm hết, mà là một phần không thể thiếu trong hành trình trưởng thành.
Khi trẻ học được cách đối diện với khó khăn, xử lý cảm xúc và rút ra bài học, chính là lúc các em xây được nền tảng vững vàng cho tương lai.