Cầu Choluteca ở Honduras thường được người dân địa phương gọi là “cây cầu chẳng dẫn đến đâu”, có người nói khó nghe hơn thì là “cây cầu vô dụng nhất thế giới”. Công trình là biểu tượng của sức mạnh kỹ thuật nhưng cũng là minh chứng sống cho sự khó lường của thiên nhiên.
Khu vực sông Choluteca là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng lốc xoáy và gió bão. Do đó, chính quyền địa phương muốn xây dựng một cây cầu để người dân dễ dàng qua sông nhưng phải đảm bảo chống chọi được thời tiết cực đoan.
Năm 1998, một công ty Nhật Bản đã xây dựng cây cầu dài 484 m bắc qua sông Choluteca, với thiết kế hiện đại nhằm chống chọi với những cơn bão mạnh nhất. Cây cầu này được kỳ vọng sẽ tồn tại hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, và trở thành biểu tượng của sự tiến bộ và kết nối tại Honduras.
Cùng năm đó, Honduras phải đối mặt với cơn bão Mitch, một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Ảnh hưởng của bão khiến lượng nước mưa đổ xuống khu vực này tăng đột biến, hơn 1.900 mm và kéo dài 4 ngày. Nước sông dâng cao gây ngập lụt toàn bộ khu vực, làm 11.000 người thiệt mạng ở khu vực Trung Mỹ, trong đó số người tử vong ở Honduras lên tới 7.000 người.
Cơn bão khiến nhiều cơ sở hạ tầng ở Honduras bị hư hại nặng nề nhưng cây cầu bắc qua sông Choluteca vẫn hiên ngang trụ vững, chứng minh chất lượng tuyệt đối công trình.
Tuy nhiên, điều chẳng ai ngờ là cơn bão mạnh đến mức làm dòng chảy của sông Choluteca lệch hẳn sang một hướng khác, kế bên cây cầu. Kể từ đó, cây cầu bị cô lập vì không bắc qua sông, cũng chẳng có đường lên và không dẫn tới đâu cả.
Qua gần ba thập kỷ, cầu Choluteca vẫn sừng sững ở đó, một biểu tượng của sức mạnh kỹ thuật nhưng cũng là minh chứng sống cho sự khó lường của thiên nhiên.
Câu chuyện về cầu Choluteca thậm chí tạo nên một thành ngữ mới “Don’t be the Choluteca Bridge. Be relevant with time” (Tạm dịch: Đừng biến mình thành cầu Choluteca, hãy thích ứng với hoàn cảnh). Ý nói mọi thứ dù hoành tráng đến đâu nhưng nếu không chịu thích ứng với những thay đổi cũng sẽ trở nên vô dụng.