Cẩn trọng với bệnh tật có thể lây từ thú cưng

Phạm Sinh

Phóng viên

Nuôi thú cưng là niềm vui của nhiều người. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, những vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim cảnh… có thể là nguồn lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm sang con người.

Nuôi thú cưng không đúng cách có thể lây nhiễm hàng loạt bệnh nguy hiểm

Có nhiều bệnh có thể lây truyền từ thú cưng sang người, bao gồm các bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm. 

Cụ thể, một số bệnh phổ biến bao gồm: bệnh dại, bệnh giun đũa, giun móc, sán dây, bệnh hắc lào, cúm gia cầm và các bệnh nhiễm trùng da do nấm. 

Đầu tiên, là bệnh dại: Đây là căn bệnh lây truyền từ chó, mèo phổ biến và nguy hiểm nhất.

Khi bị nhiễm bệnh dại từ vật nuôi, virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương, tỷ lệ tử vong gần như 100% nếu phát bệnh. Người bị chó, mèo mang mầm bệnh cắn, cào hoặc liếm lên vết thương hở đều có nguy cơ nhiễm virus dại.

Cách phòng tránh bệnh này là tiêm vắc xin dại đầy đủ cho chó, mèo. Hạn chế để vật nuôi tiếp xúc động vật hoang dã. Trong khi đó, người bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương ngay và đến cơ sở y tế tiêm phòng kịp thời.

Nuôi thú cưng là niềm vui của nhiều người nhưng cũng tiềm ẩn nguy có lây bệnh nếu không nuôi dưỡng đúng cách - ảnh minh họa
Nuôi thú cưng là niềm vui của nhiều người nhưng cũng tiềm ẩn nguy có lây bệnh nếu không nuôi dưỡng đúng cách – ảnh minh họa

Thứ hai, bệnh nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, trong đó, mèo là vật chủ chính của Toxoplasma gondii.

Con người có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với phân mèo nhiễm ký sinh trùng hoặc ăn thực phẩm nhiễm bẩn. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai.

Cách phòng tránh bệnh này là dọn dẹp khay vệ sinh cho mèo hằng ngày, đeo găng tay khi làm vườn, nấu chín thức ăn, rửa sạch tay sau khi tiếp xúc vật nuôi.

Thứ ba, bệnh giun sán: Chó mèo có thể mang trứng giun đũa, giun móc, sán dải.

Trứng và ấu trùng tồn tại ở lông, phân, đất cát xung quanh nơi vật nuôi sinh hoạt. Con người có thể vô tình nuốt phải, dẫn đến nhiễm ký sinh trùng gây rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, thậm chí tổn thương cơ quan nội tạng.

Cách phòng tránh, tẩy giun định kỳ cho chó mèo; vệ sinh sạch sẽ chuồng trại; rửa tay kỹ trước khi ăn.

Thứ tư, bệnh cúm gia cầm: Một số loài chim cảnh như vẹt, chim bồ câu có thể mang virus cúm gia cầm (H5N1).

Người tiếp xúc với chim bệnh, lông, phân chim hoặc hít phải bụi mang mầm bệnh đều có nguy cơ nhiễm cúm, gây viêm phổi cấp tính nguy hiểm.

Cách phòng tránh, giữ vệ sinh chuồng nuôi, không tiếp xúc chim lạ; khi chim có dấu hiệu bệnh phải cách ly, báo thú y kịp thời; không thả chim gần nơi nuôi gia cầm.

Thứ năm, bệnh nấm da (nấm hắc lào): Chó, mèo dễ mắc các bệnh nấm ngoài da, lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp.

Dấu hiệu là vùng da đỏ, ngứa, tróc vảy hình tròn. Trẻ em thường dễ bị lây hơn người lớn.

Cách phòng tránh, là tắm rửa thú cưng thường xuyên; cách ly vật nuôi bị nấm; khử trùng đồ dùng, chuồng trại; rửa tay sau khi vuốt ve, ôm ấp.

Bên cạnh đó, thú cưng còn có thể lây sang người một số bệnh khác như: bệnh sốt mò, bệnh sốt Q, bệnh do vi khuẩn Salmonella… từ phân, nước bọt động vật.

Những bệnh này có thể gây rối loạn tiêu hóa, sốt, nhiễm trùng, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người già, người có sức đề kháng yếu.

Những cách nuôi thú cưng an toàn

Để phòng bệnh tật lây lan từ thú cưng sang người, người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:

 – Vệ sinh môi trường sống, không để trẻ em chơi ở những nơi có phân chó mèo, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, ăn chín uống sôi và tẩy giun định kỳ cho vật nuôi.

– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thú cưng, nhất là ôm hôn hoặc ngủ chung.

– Tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc cho chó, mèo.

– Khám sức khỏe định kỳ cho vật nuôi.

– Tắm rửa, vệ sinh chuồng trại thường xuyên.

– Dạy trẻ rửa tay sạch sẽ sau khi chơi với chó, mèo, chim cảnh.

– Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần đưa thú cưng đến bác sĩ thú y và đi khám ngay nếu bản thân có biểu hiện bất thường.

Theo các chuyên gia y tế, việc yêu thương và chăm sóc thú cưng đúng cách không chỉ giúp chúng khỏe mạnh mà còn bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm có hàng chục nghìn người bị nhiễm giun đũa chó mèo từ thú cưng. Loại ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào da, gan, não, phổi, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh – Viện Sốt rétKý sinh trùngCôn trùng Trung ương, số ca mắc bệnh giun sán lây từ chó mèo đang tăng mạnh.

Năm 2024, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ – là  cơ sở chuyên khoa điều trị ký sinh trùng thuộc Viện Sốt rét đã tiếp nhận gần 30.000 trường hợp nhiễm giun đũa chó mèo, gấp đôi so với năm 2023 (15.527 ca). Trong đó, số lượt điều trị ngoại trú  22.189 trường hợp, tăng 33,5% so với năm trước.

Con số này vượt xa mức trung bình cả nước, khi mỗi năm chỉ khoảng 20.000 người được phát hiện và điều trị bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo tại các tỉnh thành.

Phạm Sinh

BÀI LIÊN QUAN