Cần Thơ kỳ vọng chiến dịch “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” sẽ xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương

Việc xây dựng thương hiệu nông sản địa phương còn hạn chế khiến giá trị gia tăng thấp nên TP.Cần Thơ rất kỳ vọng chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó đưa lên sàn thương mại điện tử không những trong nước mà còn quốc tế.

Mới đây, tại Học viện Chính trị khu vực IV, TP.Cần thơ, Sở Công thương TP.Cần Thơ và Ban tổ chức chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” do Tập đoàn Truyền thông Halotimes làm đại diện đã thực hiện ký kết hợp tác chiến lược về quảng bá và phát triển văn hoá – sản vật địa phương.

Lễ ký kết hợp tác giữa hai bên còn có sự chứng kiến của đại diện các sở ban ngành TP.Cần Thơ gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Thành đoàn TP.Cần Thơ.

Đại diện Sở Công thương TP. Cần Thơ và Tập đoàn Truyền thông Halotimes ký kết hợp tác.

Việc ký kết hợp tác này giữa TP.Cần Thơ và Ban tổ chức chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” không chỉ thúc đẩy quảng bá văn hóa, du lịch địa phương mà còn hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP của địa phương này lên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chưa khai thác hết tiềm năng nền tảng số để phát triển sản phẩm OCOP

Trao đổi thêm về việc hợp tác này, ông Trần Minh Kiệt – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ cho biết rất kỳ vọng vào sự hợp tác này.

Ông đánh giá các mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung và của thành phố Cần Thơ nói riêng thường có giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân một phần là do các mặt hàng nông sản chỉ được sơ chế thô sơ, nguyên nhân khác là việc xây dựng thương hiệu nông sản còn hạn chế.

Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ đầu tư sản xuất, chế biến nhiều loại sản phẩm nông sản với hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, quan tâm đúng mức cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử không những trong nước mà còn hướng tới các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba,...”, lãnh đạo Sở Công thương TP.Cần Thơ nói.

TP.Cần Thơ là địa phương nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đa dạng (lúa gạo, trái cây, rau, tôm, cá, chăn nuôi). Những điều kiện thuận lợi này liên quan đến khí hậu nhiệt đới, đất bằng phẳng và tương đối màu mỡ, mạng lưới đường thủy dày đặc, nguồn nước ngọt dồi dào.

TP. Cần Thơ có tiềm năng phát triển rất lớn.

Từ việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, thành phố Cần Thơ hiện có 153 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 75 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 78 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và nhiều sản phẩm chủ lực như gạo, thủy hải sản chế biến.

Các doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao, cải tiến bao bì mẫu mã nhãn hiệu hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường lớn trên thế giới.

Trong thời đại chuyển đổi số, cần áp dụng những phương thức giao dịch thương mại hiện đại hơn. Theo đó, các doanh nghiệp cần tham gia các nền tảng số để giao dịch với người tiêu dùng quốc tế. Bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử đang dần trở nên ngày càng phổ biến vì tính chất xuyên biên giới, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận…

Nói về tính ưu việt của sàn thương mại điện tử (TMĐT), lãnh đạo Sở Công thương TP.Cần Thơ cho rằng, thông qua các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Trước đây, bất lợi của doanh nghiệp nhỏ trong cạnh tranh sản phẩm trên thị trường bởi vị trí xa các thành phố lớn, phải qua nhiều trung gian mới có thể đưa sản phẩm tới người tiêu dùng ngoại tỉnh. Nhưng khi sản phẩm lên sàn thương mại, nhà sản xuất đã có thể giao dịch trực tiếp với mọi khách hàng.

Tại Cần Thơ, hiện có khoảng 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa nhiều”, đại diện Sở Công thương TP.Cần Thơ đánh giá.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, khó khăn thường gặp khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử là việc doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian vào việc đăng tải sản phẩm và update thông tin trong khi doanh nghiệp sở hữu nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin chi tiết cũng như số lượng hàng hóa khác nhau. Hơn nữa, doanh nghiệp phải dành thời gian để tương tác với khách hàng thường xuyên.

Hỗ trợ người dân đẩy mạnh bán hàng livestream trên nền tảng số

Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử hay tương tác trực tiếp (livestream). Thời gian vừa qua, Cần Thơ rất quan tâm phát triển lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Cụ thể, UBND TP.Cần Thơ ban hành Quyết định số 1279/QĐ-UBND ngày 15/6/2021 về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Từ đó, hàng năm, Sở Công Thương đã ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử.

Nhằm thúc đẩy thương mại điện tử trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử gồm sàn TMĐT Alibaba tại Việt Nam, Sendo, Postmart và Shopee.

Các bên nhất trí hợp tác kết nối các doanh nghiệp địa phương có sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng (trong đó có các sản phẩm OCOP) với các sàn TMĐT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các sàn TMĐT trong công tác tổ chức cung ứng, tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố về việc xây dựng và vận hành mô hình Chợ gạo TMĐT tại Cần Thơ. Hiện có 1 doanh nghiệp đăng ký và đang trong giai đoạn xin chủ trương, nghiên cứu thủ tục triển khai.

Sở Công Thương cũng cho biết, thường xuyên thông tin cho doanh nghiệp về các sự kiện hội thảo, hội nghị tập huấn về TMĐT do các doanh nghiệp TMĐT tổ chức tại Cần Thơ để các doanh nghiệp địa phương biết, tiếp cận và phát triển kênh bán hàng.

Theo Sở Công thương, lũy kế từ trước đến nay, thành phố Cần Thơ có 520 website TMĐT bán hàng, 21 website cung cấp dịch vụ TMĐT, 4 ứng dụng TMĐT bán hàng.

Ngoài ra, trong tháng 8 vừa qua, Sở Công Thương phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức một cuộc Hội nghị tập huấn về kỹ năng bán hàng trên nền tảng số mà trọng tâm là hướng dẫn kỹ năng bán hàng livestream trên nền tảng Tik Tok trong thời gian 2 ngày tại Cần Thơ. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 170 đại biểu đến từ 60 doanh nghiệp tại TP.Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” do 9 đơn vị truyền thông phối hợp tổ chức gồm: Tạp chí Triết học, Tạp chí Du lịch TP. HCM, Tạp chí Xưa và Nay, Tạp chí Gia đình mới, Tạp chí Dân tộc và Thời đại, Tạp chí kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, Trang Thông tin điện tử tổng hợp Yolo24h, Mạng xã hội du lịch Soctrip, Công ty truyền thông Halotimes. 

Chương trình sẽ diễn ra trong 1 năm với mục tiêu: Tạo 1 triệu nội dung trên các nền tảng truyền thông trong nước và quốc tế. Tăng thu nhập cho 2 triệu gia đình Việt Nam. 100 công trình nghiên cứu khoa học do các nhà khoa học thực hiện thông qua các Hội thảo, tọa đàm quốc gia và quốc tế. 1000 tác phẩm văn học, nghệ thuật, MV, phim… ra đời thông qua các cuộc thi sáng tác hưởng ứng chiến dịch. 

BÀI LIÊN QUAN