Radar sân bay và quân sự phát ra tín hiệu mạnh tới 200 năm ánh sáng, vô tình tiết lộ Trái Đất cho người ngoài hành tinh.
Nghiên cứu này được nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Manchester công bố tại Hội nghị Thiên văn Quốc gia 2025 ở Durham, Anh.
Họ tính toán rằng các trung tâm hàng không lớn như sân bay JFK ở New York (Mỹ) hay Heathrow và Gatwick ở London (Anh) có thể trở thành “dấu hiệu công nghệ”, tức là manh mối về sự tồn tại của sự sống thông minh, cho các quan sát viên ngoài Trái Đất.
Nguyên nhân xuất phát từ việc các hệ thống radar sân bay và quân sự phát ra sóng vô tuyến để kiểm soát không phận. Những sóng này bị “rò rỉ điện từ không chủ ý”, nhưng đủ mạnh để lan ra không gian và có thể bị phát hiện từ khoảng cách lên tới 200 năm ánh sáng nếu có kính thiên văn vô tuyến hiện đại như loại chúng ta đang sử dụng.
Nhà vật lý thiên văn Ramiro Saide, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ: “Kết quả của chúng tôi gợi ý rằng các tín hiệu radar, vốn vô tình được tạo ra bởi bất kỳ hành tinh nào có công nghệ tiên tiến và hệ thống hàng không phức tạp, có thể hoạt động như một dấu hiệu phổ quát cho sự tồn tại của trí tuệ ngoài Trái Đất”.
Điều này cho thấy không chỉ Trái Đất mới phát ra loại tín hiệu như vậy. Bất kỳ hành tinh nào phát triển đủ công nghệ để có radar giám sát hàng không đều có thể để lộ chính mình theo cách tương tự.
Đồng thời, nó cũng mở ra một hướng nghiên cứu mới: chúng ta có thể dò tìm các “dấu hiệu công nghệ” này để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.
Đội ngũ nghiên cứu đã mô phỏng cách các tín hiệu radar của Trái Đất lan tỏa ra không gian và sẽ trông như thế nào nếu được quan sát từ những ngôi sao gần.
Họ chú trọng vào các ngôi sao như Barnard (chỉ cách Mặt Trời khoảng 6 năm ánh sáng) hay AU Microscopii (cách chưa đến 32 năm ánh sáng), là những nơi có các hệ hành tinh trẻ mà các nhà thiên văn học rất quan tâm.
Ước tính cho thấy các radar sân bay phát ra tổng công suất lên tới khoảng 2 triệu tỷ watt. Đây là mức năng lượng đủ để các kính thiên văn như Green Bank ở Tây Virginia bắt được tín hiệu từ cách xa 200 năm ánh sáng.
Trong khi đó, radar quân sự, với chùm sóng tập trung và quét như đèn pha, có công suất cực đại đạt khoảng 100 ngàn tỷ watt trong vùng quan sát, khiến chúng “nhìn rất rõ ràng và nhân tạo từ khoảng cách liên sao”, theo Saide.
Ông còn nói thêm: “Thậm chí, từ một số vị trí nhất định trong không gian, tín hiệu quân sự này có thể xuất hiện mạnh hơn gấp cả trăm lần”.
Điều đó không chỉ làm dấy lên câu hỏi liệu chúng ta đang vô tình tự “bật đèn hiệu” cho người ngoài hành tinh hay không, mà còn giúp chúng ta hiểu thêm về cách công nghệ của con người có thể bị quan sát từ không gian.
Giáo sư Michael Garrett, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định: “Việc tìm hiểu các tín hiệu của chúng ta di chuyển qua không gian như thế nào đem lại kiến thức quý giá, giúp bảo vệ phổ vô tuyến cho viễn thông và thiết kế các hệ thống radar tương lai”.
Các phương pháp mô hình hóa và phát hiện tín hiệu yếu này còn có thể được ứng dụng trong thiên văn học, phòng thủ hành tinh, cũng như giám sát tác động của công nghệ con người lên không gian.
Saide kết luận: “Theo cách đó, công trình của chúng tôi vừa phục vụ cho mục tiêu khoa học giải đáp câu hỏi liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ, vừa hỗ trợ những nỗ lực thực tiễn nhằm quản lý ảnh hưởng của công nghệ lên thế giới và ngoài không gian”.