Một trong những vấn đề đang tồn tại khiến ý tưởng làm mát Trái Đất gặp nhiều khó khăn là do nhiều ý tưởng đưa ra cho đến nay có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, bao gồm các giải pháp giúp phản chiếu hoặc chặn ánh sáng mặt trời.
Hầu hết các đề xuất về kỹ thuật địa kỹ thuật (geoengineering, còn gọi là can thiệp khí hậu) đều nhằm mục đích ngăn chặn ánh sáng mặt trời chiếu tới bề mặt Trái đất, ví dụ như cách phóng các đám mây hạt phản chiếu vào khí quyển.
Nhưng kỹ thuật này gây nhiều tranh cãi và một số thí nghiệm ngoài trời đã được lên kế hoạch đã bị hủy bỏ sau khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ do có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng chẳng hạn như thay đổi lượng mưa cần thiết đối với sản xuất lương thực.
Bên cạnh đó, việc đưa sulfat (nhóm nguyên tử bao gồm hai nguyên tố lưu huỳnh và oxi) vào khí quyển để phản chiếu ánh sáng mặt trời trở lại không gian cũng không được ủng hộ, do sulfat gây ra mưa axit và ảnh hưởng đến các kiểu mưa.
Để tránh gây tranh cãi, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các phương án thay sulfat bằng các chất phản chiếu ánh sáng mặt trời nhưng vô hại. Họ sẽ đưa chúng vào tầng bình lưu bằng bóng thám không rồi thu hồi để xem sự tiếp xúc này gây ra những thay đổi gì. Trước tiên sẽ không có vật liệu nào được giải phóng nhưng hiệu ứng làm mát của chúng và việc liệu chúng có vô hại hay không sẽ được đánh giá.
Một ý tưởng khác là khoan lỗ trên băng Bắc Cực vào mùa đông và bơm nước biển lên các tảng băng trôi ở nhiệt độ không khí dưới mức đóng băng để làm chúng dày lên cũng đang được thử nghiệm. Thêm vào đó là việc phun nước biển để tạo thành mây trên đại dương để phản chiếu ánh sáng mặt trời cũng đang được triển khai.
Giáo sư Mark Symes, người đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu và Phát minh Tiên tiến (ARIA), cho biết mối đe dọa sắp xảy ra của các “điểm bùng phát” (Tipping point, còn gọi là “điểm tới hạn”) về khí hậu là lý do chính đáng để nghiên cứu kỹ thuật địa kỹ thuật năng lượng mặt trời.
Việc Trái Đất đến gần các “điểm tới hạn” do nhiệt độ tăng, chẳng hạn như sự sụp đổ của các dòng hải lưu quan trọng hoặc các tảng băng khổng lồ sẽ gây ra những tác động thảm khốc.
“Điều này đã thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với các phương pháp có thể chủ động làm mát thế giới trong một khoảng thời gian ngắn để tránh những điểm tới hạn đó”, Mark Symes nói.
Tuy vậy, một số nhà khoa học khác đã cảnh báo rằng việc bắt đầu phát triển kỹ thuật địa kỹ thuật có thể làm giảm động lực giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng khẩn cấp về khí hậu, chính là việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Dù các phương pháp địa kỹ thuật còn vướng nhiều tranh cãi và chưa thể thay thế việc cắt giảm khí thải, nếu được chứng minh là an toàn và hiệu quả, việc can thiệp khí hậu có thể trở thành “phao cứu sinh” trong bối cảnh nhân loại đang tiến gần những điểm tới hạn khí hậu không thể đảo ngược và vẫn có cơ hội cứu lấy Trái Đất.
Việt Nam tuy không trực tiếp tham gia vào các nghiên cứu hay thí nghiệm can thiệp khí hậu nhưng đã và đang có những đóng góp thiết thực vào hành trình này. Tiêu biểu là việc cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26) và ban hành Chiến lược Khí hậu Quốc gia về biến đổi khí hậu có mục tiêu giảm 43,5% phát thải vào 2030, dần loại bỏ nhiệt điện than và thúc đẩy chuyển dịch sang năng lượng sạch. (Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
Quan trọng hơn cả là nỗ lực bảo tồn rừng và hệ sinh thái như một hệ thống làm mát tự nhiên. Năm 2024, Việt Nam đã nhận khoản thanh toán 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới thông qua Quỹ Đối tác Carbon Rừng (FCPF) cho kết quả giảm phát thải carbon nhờ bảo vệ và phục hồi rừng, đánh dấu khoản thanh toán kết quả đầu tiên của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. (Theo VOVWorld)
Những biện pháp này không chỉ hỗ trợ giảm nhiệt độ toàn cầu một cách tự nhiên mà còn tạo nền tảng tài chính và chính sách vững chắc cho hành trình chống lại biến đổi khí hậu lâu dài của Việt Nam.
(Theo The Guardian)