Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Các bệnh này là nguyên nhân gây ra hơn 70% tổng số ca tử vong hàng năm, trong đó độ tuổi mắc các bệnh này ngày càng trẻ hóa khi có 41,5% số trường hợp dưới 70 tuổi.
Bệnh không lây nhiễm chiếm tỷ lệ tử vong cao
Theo thống kê của Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 70% tổng số ca tử vong hàng năm ở nước ta và đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ngày càng trẻ hóa.
Trên toàn cầu, các bệnh không lây nhiễm cũng cướp đi mạng sống của 41 triệu người mỗi năm.
Bên cạnh đó, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Cụ thể, bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mạn tính 4% và tiểu đường chiếm 3,9% tổng gánh nặng bệnh tật.
Các bệnh không lây nhiễm có 4 nhóm chính gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và tiểu đường.
Đầu tiên, bệnh tim mạch – nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% số ca tử vong.
Bên cạnh đó, theo Viện Tim mạch tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành khoảng 25%, tương đương 4 người trưởng thành có 1 người mắc. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần.
Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch gia tăng ở các nước có thu nhập thấp.
Thứ hai, bệnh ung thư:
Theo thống kê của GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận 180.480 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư, đứng ở vị trí thứ 20 về tỷ lệ mắc mới tại châu Á và thứ 101 trên toàn cầu.
Trong đó, ở nam giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất với 19,7%, tiếp theo là ung thư phổi với 17,7% và ung thư dạ dày chiếm 11%.
Đối với nữ giới, ung thư vú chiếm tỷ lệ cao nhất với 28,9%, ung thư phổi và ung thư đại trực tràng chiếm 8,7%.
Thứ ba, bệnh hô hấp mạn tính:
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao hàng đầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Bộ Y tế, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân khiến hơn 25.000 người tử vong mỗi năm tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, số liệu sơ bộ của điều tra do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổng cục Thống kê triển khai cho thấy có tới 3,1% số người trưởng thành (từ 18-69 tuổi) từng được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thứ tư, bệnh tiểu đường:
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc tiểu đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với gần 5 triệu bệnh nhân. Theo dự báo, số ca mắc của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.
Căn bệnh này là một trong những yếu tố phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.
Có khoảng hơn 55% số ca mắc tiểu đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% về mắt và thần kinh; 24% về thận.
Các yếu tố nguy cơ và cách phòng chống các bệnh không lây nhiễm:
Nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các bệnh không lây nhiễm là do lối sống thiếu lành mạnh, trong đó nhiều người, nhất là nam giới hút thuốc lá, uống rượu bia quá mức, ăn uống không cân đối, ít vận động, căng thẳng kéo dài, môi trường ô nhiễm… Đặc biệt tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng báo động ở bệnh nhân trẻ.
Các yếu tố (về thói quen sinh hoạt, lối sống, các tác nhân vật lý hay hóa học…) khi xuất hiện sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh không lây nhiễm hay tử vong do bệnh.
Do sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngày nay chúng ta bắt gặp không ít các thanh niên “ngủ ngày cày đêm”, gây nên sự đảo lộn của sinh hoạt.
Chế độ ăn uống bất hợp lý với sự gia tăng của các nhà hàng fast food, đồ ăn ngọt, nhiều mỡ, thức uống có ga, có cồn…
Bên cạnh đó, tỷ lệ béo phì, cận thị trong giới trẻ cũng đang gióng lên những hồi chuông đáng báo động.
Điều này lý giải sự tăng vọt và trẻ hóa của các bệnh lý không lây nhiễm.
Từ những yếu tố nguy cơ nêu trên, để phòng tránh tốt nhất sự xuất hiện của các bệnh không lây nhiễm, chúng ta hãy thực hiện tốt việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ này bằng các biện pháp như: Bỏ thuốc lá; tăng cường vận động thể lực, tích cực tham gia thể dục thể thao; hạn chế rượu bia; có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý…
Đặc biệt, hạn chế muối, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ xào rán; đồ uống ngọt, có ga; tăng cường rau xanh, hoa quả tươi…
Phạm Sinh