Trong một thế giới nơi nông nghiệp ngày càng phụ thuộc vào máy móc, hóa chất và sản lượng, ông Masanobu Fukuoka, nhà khoa học vi sinh người Nhật, đã rời bỏ thành phố về quê, bắt đầu hành trình “không làm gì” trên cánh đồng. Điều tưởng như nghịch lý ấy đã làm nên một cuộc cách mạng thầm lặng, đưa ông trở thành biểu tượng toàn cầu của nông nghiệp tự nhiên.
Rời phòng thí nghiệm, trở về cánh đồng
Sinh năm 1913 tại đảo Shikoku, Nhật Bản, ông Masanobu Fukuoka từng là một nhà khoa học triển vọng. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành vi sinh vật học tại Đại học Nông nghiệp Gifu, ông làm việc tại Cục Hải quan Yokohama, chuyên nghiên cứu bệnh cây trồng, một công việc ổn định và được trọng vọng trong xã hội Nhật lúc bấy giờ.
Thế nhưng, năm 1937, một biến cố nội tâm đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Sau trận ốm nặng và một đêm lang thang bên bờ cảng Yokohama, ông Fukuoka trải qua cuộc thức tỉnh sâu sắc. Ông nhận ra con người đang đi ngược lại tự nhiên, rằng việc can thiệp quá mức vào đất đai hay cây cối, dù dưới danh nghĩa “phát triển nông nghiệp”, chỉ dẫn tới sự suy thoái.
“Tôi thấy không còn gì cần làm nữa”, ông viết trong một cuốn sách sau này. “Tất cả những gì nhân loại đang làm đều là thừa thãi”.
Ngay sau đó, ông bỏ công việc thành thị, quay về vùng quê Shikoku, nơi cha mẹ ông sở hữu một trang trại nhỏ. Từ đây, một hành trình kéo dài hơn 60 năm bắt đầu.
Không giống những nhà nông khác, ông Fukuoka không cày đất, không dùng phân bón hóa học, không phun thuốc trừ sâu, cũng không nhổ cỏ. Thay vào đó, ông quan sát tự nhiên, tin vào sự tự điều chỉnh của hệ sinh thái và khởi xướng mô hình ông gọi là “nông nghiệp tự nhiên” (natural farming), hay còn được biết đến với cái tên khác: “nông nghiệp không làm gì” (do-nothing farming).
Nhiều người ban đầu cười nhạo. Các học giả coi ông là kẻ lập dị phản tiến bộ. Hàng xóm gọi ông là “gã điên sống với lúa”. Thậm chí, những cánh đồng đầu tiên ông canh tác đã thất bại, sản lượng thấp, cây trồng rối loạn.
Nhưng ông không từ bỏ. Qua thời gian, ông Fukuoka bắt đầu hiểu sâu hơn về vòng đời sinh thái: cách cỏ dại bảo vệ đất, cách vi sinh vật cộng sinh với rễ cây, cách rơm rạ có thể thay thế phân bón. Dần dần, trang trại của ông trở thành một mô hình vận hành trơn tru không cần máy móc, không hóa chất, không tưới tiêu mà vẫn đạt năng suất tương đương (thậm chí cao hơn) các nông trại tiên tiến xung quanh.
Cuộc cách mạng cọng rơm
Năm 1975, ông Fukuoka ra mắt cuốn sách “The One-Straw Revolution” (Cuộc cách mạng một cọng rơm), trong đó ông trình bày triết lý nông nghiệp của mình qua lăng kính Phật giáo, Thiền học và khoa học sinh thái. Cuốn sách ngay lập tức gây tiếng vang trong giới môi trường và những cộng đồng tìm kiếm lối sống bền vững.
Ông Fukuoka không chỉ là nông dân, mà là một triết gia thực hành. Ông tin rằng nền văn minh hiện đại đang gãy đổ vì đánh mất mối liên hệ với tự nhiên và nông nghiệp chính là khởi nguồn của sự sai lệch đó.
“Nếu ta muốn chữa lành thế giới, ta phải bắt đầu từ mảnh đất dưới chân mình”, ông viết trong cuốn sách.
Từ cuối thập niên 1970, người nông dân Fukuoka bắt đầu đi khắp thế giới, từ Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan đến châu Phi. Ông tham gia cải tạo đất sa mạc, giảng dạy nông nghiệp tự nhiên, gieo rắc những hạt giống tri thức về cách con người có thể sống thuận tự nhiên mà vẫn đủ đầy.
“Nông nghiệp không làm gì” của ông Fukuoka nghe có vẻ đơn giản: không cày đất, không phun thuốc, không nhổ cỏ. Nhưng thực tế, phương pháp đòi hỏi tính kiên nhẫn, quan sát sâu sắc và tôn trọng tuyệt đối đối với hệ sinh thái địa phương.
Ông không đưa ra công thức chung, không dập khuôn mô hình. Thay vào đó, ông khuyến khích từng người nông dân phải hiểu mảnh đất, khí hậu và cây trồng của mình, từ đó trồng trọt như một phần của tự nhiên chứ không phải kẻ kiểm soát nó.
Ở Ấn Độ, ông Fukuoka từng đi bộ hàng trăm cây số để gieo hạt và truyền bá triết lý. Ở Somalia, ông giúp nông dân địa phương phục hồi đất khô cằn. Ở châu Âu, các trường đại học bắt đầu giảng dạy về mô hình “không làm gì” như một lựa chọn thay thế bền vững.
Di sản sống mãi với tự nhiên
Ông Masanobu Fukuoka mất năm 2008, thọ 95 tuổi. Ông để lại không chỉ một trang trại không hóa chất ở Shikoku, mà còn một di sản tư tưởng chạm đến tận gốc rễ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Tác phẩm của ông đã được dịch sang hơn 25 thứ tiếng, là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ nông dân, nhà hoạt động môi trường và nhà hoạch định chính sách. Các mô hình nông nghiệp tái sinh, permaculture, agroforestry hiện nay đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ triết lý Fukuoka.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Fukuoka chia sẻ: “Tôi không đi tìm một giải pháp nông nghiệp. Tôi chỉ muốn tìm cách sống đúng đắn”.