Bỏ phố về làng, xây nên cơ nghiệp từ hạt cà phê 

Kiều Giang

Phóng viên

Rời bệnh viện sau nhiều năm học và hành nghề bác sĩ, Y Pốt Niê, chàng trai Ê Đê sinh năm 1988, chọn con đường đầy gian nan: về buôn làng nghèo khởi nghiệp bằng hạt cà phê - sản vật của quê hương Đắk Lắk.

Bỏ nghề bác sĩ, về quê khởi nghiệp

Sáu năm trước, một ngày bình thường như bao ngày, mẹ của Y Pốt Niê đang lui cui trong bếp thì bất ngờ thấy người con trai thứ năm – bác sĩ đang công tác tại TP.HCM – xuất hiện trước cửa.

Khi biết anh quyết định bỏ nghề y để về quê khởi nghiệp, cả nhà đều sốc và phản đối. Trong tám anh chị em, Y Pốt là người học hành bài bản nhất, cũng là niềm kỳ vọng lớn nhất của gia đình.

Nhưng anh đã quyết. Chàng trai Ê Đê “da nâu, mắt sáng” dứt khoát bỏ phố về quê, mang theo một giấc mơ cháy bỏng: làm kinh doanh để thoát nghèo – bắt đầu từ hạt cà phê quê nhà.

Lần nào về quê cũng thấy bố mẹ, anh chị làm rẫy vất vả quanh năm mà vẫn thiếu trước hụt sau, nợ nần triền miên. Mình cứ nghĩ, phải có cách nào đó để hạt cà phê giúp gia đình khá lên chứ” Y Pốt nhớ lại.

Những năm sống ở Sài Gòn, vừa học ngành y, vừa đi làm thêm phục vụ ở quán cà phê, anh dần nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp – bắt đầu từ chính sản phẩm của gia đình.

Nhà mình rang cà phê kiểu thủ công, để uống hoặc cho bà con trong buôn làm quà. Mình thử đem biếu bạn bè, đồng nghiệp, ai cũng khen ngon, rồi hỏi mua tiếp,” anh kể.

Từ vài mẻ cà phê rang bằng bếp củi gửi biếu, dần dần, những đơn hàng đầu tiên tìm đến. Năm 2019, Y Pốt Niê chính thức rời ngành y, về Đắc Lắc thành lập Công ty TNHH Ê Đê Café – đánh dấu bước ngoặt từ bác sĩ thành người làm nông sản sạch, mang hương vị Tây Nguyên ra thị trường.

Y Pốt Niê bên chảo rang cà phê của gia đình.
Y Pốt Niê bên chảo rang cà phê của gia đình.

Văn hóa Ê Đê là “hồn cốt” của sản phẩm

Điều làm nên khác biệt của Ê Đê Café không chỉ nằm ở hương vị cà phê, mà ở câu chuyện phía sau sản phẩm.

“Tôi không chỉ bán cà phê. Tôi gửi đến khách hàng câu chuyện – chuyện của một chàng trai Ê Đê khởi nghiệp, của hạt cà phê trên đất Đắk Lắk, và những mẻ cà phê rang bằng tay trên bếp lửa truyền thống của người Ê Đê.”– Y Pốt Niê chia sẻ.

Và anh tận dụng tối đa mọi phương tiện để kể câu chuyện đó – biến nó thành bộ nhận diện thương hiệu của Ê Đê Café.

Anh đưa yếu tố văn hóa vào từng chi tiết: từ bao bì, thiết kế, cách đặt tên đến màu sắc… Hai năm đầu, anh vẫn bán cà phê rang bằng tay, giã bằng cối của người Ê đê, đúng cái cách mẹ anh từng làm trong căn bếp nhỏ ở buôn K’la – mẻ rang thủ công, thơm khói, đượm ký ức.

Sự kiên trì, tâm huyết và cá tính ấy giúp Ê Đê Café tạo được chỗ đứng trên thị trường cà phê đầy cạnh tranh.

Anh chia sẻ, đầy biết ơn và tự hào: “Chính văn hóa Ê đê đã giúp tôi xây dựng sự nghiệp, đã thay đổi cuộc đời tôi”.

Từ chiếc chảo rang cà phê ban đầu, Y Pốt Niê nay đã xây dựng được một xưởng chế biến hiện đại với quy trình sản xuất khép kín.

Ê Đê Café sở hữu vùng nguyên liệu ổn định, gồm 10 hecta cà phê của gia đình và 50 hecta cà phê liên kết với khoảng 100 hộ dân trong buôn làng.

Bà con cung cấp nguyên liệu, còn công ty thì hỗ trợ tái canh cây cà phê, nhân giống, phân bón, cho vay không tính lãi,” – anh chia sẻ. Với Y Pốt, đó không chỉ là hợp tác kinh tế, mà còn là cách để đưa đời sống của buôn làng đi lên.

Empty

Từ hai sản phẩm thủ công những ngày đầu, Ê Đê Café hiện đã phát triển 8 dòng sản phẩm gồm cà phê bột và cà phê hòa tan, phục vụ cả thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2023, Y Pốt đại diện nông dân tỉnh Đắk Lắk tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam, và Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân cả nước.

Cũng trong năm đó, anh xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam với vai trò Giám đốc Công ty Cổ phần Ê Đê Café.  Y Pốt đã gọi vốn thành công 5 tỷ đồng từ Shark Hùng Anh, cùng tấm vé Golden Ticket và khoản thưởng nóng 100 triệu đồng.

Hiện, doanh thu hàng năm của Ê Đê Café đạt trên 10 tỷ đồng. Sản phẩm của thương hiệu đã có mặt tại các thị trường như Đức, Canada và nhiều quốc gia khác.

Nhưng điều khiến Y Pốt hạnh phúc nhất không nằm ở những con số. Mà là khi anh nhìn thấy bố mẹ đã yên tâm hơn, bà con trong buôn có cuộc sống ổn định hơn– và giấc mơ thời trai trẻ của anh đã thành hiện thực.

Về quê làm giàu: hành trình không dành cho người ngại khó

Không gian cà phê mang bản sắc đặc trưng của Ê Đê Café.
Không gian cà phê mang bản sắc đặc trưng của Ê Đê Café.

Y Pốt nói rằng, những ai muốn về quê khởi nghiệp ban đầu có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Như trường hợp của anh, lúc mới về buôn là “3 không”: không vốn, không người đồng hành, không ai ủng hộ.

Quan trọng nhất là phải tin vào chính mình, không phải người khác nghĩ gì, mà là bản thân có đủ kiên trì để đi tới cùng con đường mình chọn hay không.”  – Y Pốt nhấn mạnh: “Để làm được thì phải sống với công việc đó – ăn với nó, ngủ với nó. Thất bại thì làm lại. Nhưng không được nửa vời.”

Y Pốt khẳng định, muốn làm giàu từ quê, phải bắt đầu từ chính điểm mạnh của mình và biết khai thác những lợi thế từ sản vật, văn hóa bản địa. Về quê làm giàu không phải chuyện mơ ước viễn vông – mà là hành trình của sự chịu khó, kiên định và nỗ lực không ngừng.

BÀI LIÊN QUAN