Biến ban công thành ‘trạm’ điện mặt trời

Anh Thịnh

Biên tập viên

Với xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, điện mặt trời ban công đang dần trở thành biểu tượng mới của năng lượng xanh.

Từ những chậu cây, giỏ hoa đến dây phơi quần áo, cư dân ở Madrid, Berlin và nhiều thành phố châu Âu khác từ lâu đã biết tận dụng tối đa ban công nhỏ của mình, thậm chí là để tạo ra điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Công nghệ “điện mặt trời ban công” cho phép người dân thành thị lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời ở không gian hẹp ngoài căn hộ, tạo ra điện để sử dụng trong gia đình.

Những hệ thống tự lắp đặt (DIY), vốn ngày càng phổ biến ở Pháp, Ý, Hà Lan và Đức, thường được cắm trực tiếp vào ổ điện trong nhà, giúp tiết kiệm chi phí điện và mở ra nguồn năng lượng mới cho người dân.

Một “trạm” điện ban công bên ngoài một căn hộ ở Đức. (Ảnh: The Guardian)

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng dễ dàng triển khai và lặp đặt hệ thống “điện mặt trời ban công” tương tự. Chẳng hạn ở Anh, các quy định yêu cầu việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và dây điện phải do chuyên gia thực hiện, và các tấm pin không được phép cắm trực tiếp vào nguồn điện chính.

Ông Thomas Newby từ công ty kỹ thuật Morgan & Newby (trụ sở ở Leeds) cho biết, sự khác biệt trong quy định chính là lý do khiến công nghệ này phát triển mạnh ở nhiều quốc gia. Tại Đức, hệ thống điện ban công Balkonkraftwerk hiện đã được lắp đặt tại 1,5 triệu căn hộ.

“Nhiều quốc gia cho phép hệ thống có công suất tối đa 800W được kết nối vào ổ cắm điện tiêu chuẩn”, ông Newby nói. “Nhờ chi phí đầu vào thấp và thiết kế phù hợp cho căn hộ, nơi các tấm pin có thể treo hoặc đặt ngoài ban công, việc lắp đặt đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây”.

Tuần này, chính phủ Anh thông báo triển khai cuộc nghiên cứu an toàn “nhằm mở đường cho các cơ hội phát triển công nghệ điện mặt trời cắm trực tiếp”, nằm trong kế hoạch tăng gấp ba công suất điện mặt trời của quốc gia vào năm 2030.

Về lý thuyết, điều này có thể giúp người sống ở căn hộ tiếp cận nguồn năng lượng mặt trời với chi phí rẻ hơn nhiều, vì không phải trả tiền công lắp đặt. Người thuê nhà cũng có thể mang theo hệ thống khi chuyển chỗ ở. Điều này giúp những nhóm dân cư vốn khó tiếp cận nguồn điện giá rẻ có thêm cơ hội giảm hóa đơn năng lượng.

Ông Newby cho biết một bộ thiết bị cơ bản, gồm hai tấm pin mặt trời, một pin lưu trữ và các loại phích cắm để kết nối với mạng điện trong nhà, có giá khoảng 2.000 bảng (khoảng 70 triệu đồng). Pin lưu trữ có vai trò tích trữ năng lượng tạo ra nhưng chưa sử dụng ngay, đặc biệt trong những ngày nắng nóng như tháng trước, khi nhiệt độ ở Anh lên tới 33°C.

Tổ chức Solar Energy UK, đại diện ngành công nghiệp điện mặt trời, cho biết việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời cắm trực tiếp hiện không được phép theo các quy định xây dựng và chính sách quy hoạch của Anh.

“Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như thẩm mỹ, độ an toàn kết cấu, công trình và an toàn người tiêu dùng. Cũng có các yếu tố thực tế khác như vị trí ổ cắm điện và yêu cầu bảo vệ dây cáp. Ở Anh, ban công hiếm khi có sẵn ổ điện”, bà Gemma Grimes, Giám đốc chính sách của tổ chức, cho biết.

“Việc lắp đặt thiết bị điện luôn đi kèm rủi ro, nên cần hiểu rõ các rủi ro đó trước khi triển khai rộng rãi. Chúng tôi biết một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đang thành công trong triển khai hệ thống này và rất mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ họ”, bà Grimes cho biết thêm.

Điện mặt trời ban công là gì?

Khác với những hệ thống điện mặt trời cồng kềnh trên mái nhà truyền thống, điện mặt trời ban công nhỏ gọn, tiện dụng và đặc biệt phù hợp với người sống tại căn hộ.

Về cơ bản, hệ thống điện mặt trời ban công bao gồm từ một đến hai tấm pin, đi kèm một bộ chuyển đổi dòng điện và dây cắm trực tiếp vào ổ điện trong nhà. Người dùng không cần khoan đục tường hay lắp đặt phức tạp, chỉ cần tìm một vị trí đón nắng tốt, thường là lan can hoặc mép ban công và cắm vào nguồn điện như cách dùng một thiết bị gia dụng thông thường.

Dễ lắp đặt, dễ sử dụng và dễ di chuyển, điện mặt trời ban công rất được ưa chuộng tại châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh giá điện khu vực liên tục tăng cao. Chẳng hạn tại Đức, mỗi bộ thiết bị tiêu chuẩn có thể giúp giảm 20 – 40% hóa đơn điện, đồng thời cho phép người dùng chủ động quản lý phần nào năng lượng tiêu thụ hàng ngày. Với mức tiết kiệm điện từ 80 – 200 euro mỗi năm, các hệ thống nhanh chóng hoàn vốn sau vài năm sử dụng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hưởng lợi như nhau từ mô hình này. Hạn chế lớn nhất nằm ở công suất. Một hệ thống điện mặt trời ban công thường chỉ cung cấp được 600 – 800 watt, đủ dùng cho các thiết bị cơ bản như wifi, TV, tủ lạnh nhỏ, máy tính xách tay nhưng không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng của gia đình hiện đại.

Ngoài ra, hiệu suất phụ thuộc nhiều vào vị trí địa lý, hướng nắng và độ che khuất, những yếu tố mà người sống ở chung cư không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát.

Một trở ngại khác đến từ chính hạ tầng kỹ thuật. Không phải ban công nào cũng được thiết kế để chịu tải trọng của pin mặt trời, chưa kể vấn đề thẩm mỹ và sự đồng thuận từ các hội cư dân, đặc biệt ở những chung cư cao tầng có quy định nghiêm ngặt. Như tại Anh, phần lớn ban công không được lắp sẵn ổ điện ngoài trời.

Dẫu vậy, với xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, điện mặt trời ban công đang dần trở thành biểu tượng mới của năng lượng xanh.

BÀI LIÊN QUAN