Bibliotherapy: Khi sách trở thành một liệu pháp tinh thần

Chí Phú

Phóng viên

Trị liệu bằng sách (Bibliotherapy) là phương pháp sử dụng văn chương như một công cụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần, đang dần được giới chuyên môn và công chúng quan tâm trở lại.

Trong khi nhiều người tìm đến chatbot như một hình thức trị liệu tâm lý thay thế, hoặc dùng trí tuệ nhân tạo để mô phỏng lời khuyên của chuyên gia, thì bibliotherapy lại đi theo hướng ngược lại: chậm rãi, thầm lặng và hoàn toàn không có công nghệ can thiệp. 

Giữa làn sóng “AI hóa” các phương thức chăm sóc tinh thần, việc trở lại với những trang sách trở thành lựa chọn đặc biệt, không chỉ vì tính riêng tư mà còn bởi khả năng khơi gợi cảm xúc, kết nối nội tâm và tạo không gian phản tư sâu sắc, điều mà một chatbot khó có thể làm được.

cogaidocsach2

Bibliotherapy là gì và vì sao đang được nhắc đến?

Bibliotherapy là một hình thức trị liệu tâm lý dùng sách, từ tiểu thuyết, thơ, hồi ký đến sách tự lực, như một công cụ để hỗ trợ cảm xúc và hiểu bản thân sâu sắc hơn. 

Không đơn thuần là đọc để giải trí hay đọc để quên buồn, phương pháp này có thể được cá nhân thực hiện độc lập, hoặc đi kèm với quá trình trị liệu chuyên môn.

Thuật ngữ “bibliotherapy” có thể xa lạ với nhiều người, nhưng thực tế, việc tìm đến sách khi tổn thương tinh thần đã có từ lâu. Từ những cuốn tiểu thuyết viết về nhân vật bị trầm cảm, cho đến hồi ký về sống sót sau mất mát, văn chương có thể trở thành nơi trú ngụ, đồng hành và mở lối cho người đọc.

Sự quan tâm trở lại với bibliotherapy gần đây phản ánh một thực tế rằng, trong bối cảnh áp lực tinh thần gia tăng, nhiều người tìm đến những hình thức chữa lành mềm mại, sâu sắc và riêng tư hơn.

Trị liệu bằng sách hoạt động như thế nào?

Khác với việc đọc theo sở thích, bibliotherapy là hành trình có định hướng. Người đọc được gợi ý hoặc “kê đơn” những cuốn sách phù hợp với vấn đề của mình, từ lo âu, ám ảnh, tổn thương tuổi thơ đến khủng hoảng bản sắc.

Sau khi đọc, người đó có thể tự chiêm nghiệm hoặc trao đổi lại với nhà trị liệu để kết nối nội dung sách với câu chuyện cá nhân.

Theo trang Psychology Today, bibliotherapy hỗ trợ tâm lý thông qua 4 cơ chế chính:

  • Nhận diện: Khi thấy mình trong nhân vật, người đọc sẽ cảm thấy được thấu hiểu và bớt cô đơn hơn trong nỗi đau.
  • Thanh lọc cảm xúc: Cảm xúc dồn nén được giải tỏa gián tiếp qua hành trình của nhân vật, giúp người đọc trải nghiệm chữa lành một cách an toàn.
  • Hiểu biết: Qua câu chuyện của người khác, người đọc có thể nhìn lại bản thân một cách khách quan hơn, từ đó điều chỉnh cảm xúc và hành vi.
  • Tính phổ quát: Biết rằng nỗi đau của mình không phải là duy nhất giúp người đọc cảm thấy kết nối với cộng đồng và nhân loại.

Bibliotherapy không thay thế các phương pháp trị liệu chuyên sâu, nhưng nó mở ra một cánh cửa nhẹ nhàng và hiệu quả, nhất là với những người chưa sẵn sàng tìm đến bác sĩ tâm lý.

Xu hướng này cũng phản ánh nhu cầu tự chủ trong chăm sóc sức khỏe tinh thần, nơi mỗi người có thể lắng nghe và chữa lành bản thân theo cách riêng, trong không gian của một cuốn sách.

Đặc biệt, với những người cảm thấy bị choáng ngợp bởi nhịp sống nhanh, mạng xã hội và các nền tảng chữa lành đại trà, việc lặng lẽ đọc một cuốn sách mang tính đồng cảm và phản tư có thể là điều họ thực sự cần.

cogaidocsach1

Có điều gì cần lưu ý?

Không phải cuốn sách nào cũng phù hợp để trị liệu. Việc chọn sách cần phù hợp với hoàn cảnh và mức độ tổn thương của người đọc, tránh đọc những tác phẩm có thể gợi lại sang chấn nặng nề.

Nếu được thực hiện cùng chuyên gia trị liệu, bibliotherapy có thể trở thành một phần trong kế hoạch phục hồi tâm lý.

Tại Canada, bác sĩ tâm thần Martina Scholtens đã xây dựng cả một danh sách “sách theo toa” dựa trên chẩn đoán cụ thể, giúp bệnh nhân chọn đúng tác phẩm cần thiết.

Trong xã hội đang ngày càng bị chia cắt bởi công nghệ, đọc sách không chỉ là trở lại với văn hóa đọc, mà còn là cách để người ta giữ kết nối với chính mình. Không ai vội vàng khi đọc. Không ai bị so sánh, giảng dạy hay đánh giá khi đọc. Và đó có thể là điều ta cần nhất khi tinh thần tổn thương.

BÀI LIÊN QUAN