Trong thời gian gần đây, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã và đang điều trị nhiều ca bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời…Bệnh không dừng lại ở trẻ em mà người lớn vẫn có thể nhiễm căn bệnh nguy hiểm này…
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời
Theo thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, hiện nay BV đang điều trị nhiều bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản nguy hiểm, trong đó có nhiều trường hợp nguy kịch…
Đầu tiên là bệnh nhân V.C.T (26 tuổi, quê An Giang) nhập viện gần 2 năm nhưng đến nay vẫn phải thở máy, liệt hoàn toàn tay chân, chỉ có thể ra hiệu bằng mắt. Bệnh nhân được chẩn đoán có khả năng di chứng suốt đời và rất khó hồi phục.
Một bệnh nhân khác (33 tuổi, TP Hồ Chí Minh) mắc viêm não Nhật Bản từ đầu mùa hè. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân cai được máy thở nhưng vẫn còn suy kiệt, teo cơ, yếu nửa người và phải điều trị dài ngày.
Một trường hợp 22 tuổi cũng nhập viện điều trị hồi tháng 5 và đã xuất viện. Tuy nhiên, không lâu sau, người này tái nhập viện vì sốt và đau đầu. Các xét nghiệm không phát hiện tác nhân gây bệnh, bệnh nhân được chuyển viện với chẩn đoán viêm não tự miễn.
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm – ảnh: TTXVN
Theo TS – BS Hồ Đặng Trung Nghĩa – Trưởng Khoa Nhiễm Việt – Anh, BV Bệnh Nhiệt đới, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm do virus viêm não Nhật Bản gây ra, lây truyền qua muỗi Culex sau khi đốt các loài chim hoang dã hoặc gia súc như heo, bò, ngựa…
Khi vào cơ thể, virus này theo đường máu tấn công lên não, gây tổn thương thần kinh nặng nề. Bệnh khởi phát bằng triệu chứng sốt, đau đầu, sau đó lơ mơ, gồng cứng cơ, co giật, hôn mê.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, cần làm xét nghiệm máu và dịch não tủy.
Bệnh viêm não Nhật bản thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi trong đó thường gặp từ từ 2 đến 6 tuổi chiểm 75% nếu không được tiêm phòng, song người lớn vẫn có thể mắc bệnh.
Tại Việt Nam, khoảng 40% trường hợp viêm não ở trẻ là do virus viêm não Nhật Bản, trong khi người lớn từ 25-30 tuổi chiếm khoảng 5%. Tỉ lệ tử vong trung bình của căn bệnh này từ 20%-30%
Tuy nhiên, trong số các bệnh nhân sống sót, 30%-50% để lại di chứng nặng như liệt, rối loạn tâm thần, ngôn ngữ, co giật, nằm liệt giường…
Riêng tại Khoa Nhiễm Việt – Anh, BV Bệnh Nhiệt đới có tỉ lệ tử vong khoảng 10%-20% nhưng tỉ lệ di chứng lên tới 70%.
Viêm não Nhật Bản là gánh nặng lớn không chỉ với người bệnh mà cả ngành y tế và xã hội. Những bệnh nhân nặng phải thở máy dài ngày, dễ viêm phổi, loét tỳ đè, cần chế độ dinh dưỡng, vật lý trị liệu đặc biệt và gần như mất khả năng lao động, phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.
Cơ chế lây lan và cách phòng chống viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt người. Virus được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa virus.
Về nguồn gốc của căn bệnh này, năm 1938 các nhà khoa học người Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi có tên Culex Tritaeniorhynchus, sau đó xác định được vai trò vật chủ và ổ chứa chính của virus gây bệnh là loài lợn và chim.
Ở nước ta loài muỗi này thường xuất hiện nhiều vào những tháng mùa nóng, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và đốt người.
Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người, trong đó, việc uống chung, dùng chung đồ dùng hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.
Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn) và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn).
Hiện bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong đó cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine đầy đủ.
Vaccine viêm não Nhật Bản hiện có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Với chương trình mở rộng, cần tiêm đủ 3 mũi cơ bản, sau đó tiêm nhắc lại mỗi 3 năm.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người không tiêm hoặc tiêm không đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh và để lại biến chứng nặng. Trẻ em nên rà soát lịch tiêm chủng, nếu thiếu sẽ tiêm bổ sung chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Về cách nhận biết dấu hiệu của viêm não Nhật Bản, sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày thì bệnh ở giai đoạn khởi phát (khoảng từ 1 đến 6 ngày).
Trong giai đoạn đầu: Khi đó chưa có biểu hiện của tổn thương hệ thần kinh nên rất khó để chẩn đoán bệnh vì người bệnh có thể chỉ có sốt và hội chứng nhiễm virus. Giai đoạn này được gọi là thể ẩn và chiếm một tỷ lệ khá cao. Đây cũng là thời điểm quan trọng trong lây truyền bệnh.
Đối với giai đoạn sau là giai đoạn thâm nhiễm thần kinh trung ương là lúc virus đã xâm nhập vào hệ thần kinh với một số lượng lớn.
Biểu hiện của giai đoạn này là tổn thương về hệ thần kinh xảy ra ở não, màng não, tủy sống hoặc có cả rễ thần kinh.
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề có thể dẫn đến tử vong. Trong đó các biến chứng được thể hiện rõ nhất là viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, loét, suy hô hấp…..
Ngoài ra, bệnh viêm não Nhật Bản còn để lại di chứng rất nặng nề, gánh nặng cho gia đình và xã hội với các di chứng như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường….
Về cơ bản, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Thường các bác sĩ sẽ điều trị với nguyên tắc khi các biểu hiện như: Điều trị suy hô hấp, sốc (nếu có); Chống phù não (nếu có); Điều trị biến chứng; Đảm bảo dinh dưỡng; Kháng sinh khi có chỉ định…
Chính vì thế việc phòng ngừa là quan trọng nhất.
Do bệnh lây truyền qua trung gian muỗi Clulex Triaeniorhynchus đốt các động vật mang mầm bệnh sau đó lây truyền mầm bệnh sang người vì thế việc phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản quan trọng nhất cần phải tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh.
Về nguyên tắc phòng bệnh viêm não Nhật Bản, các chuyên gia khuyến cáo các biện pháp như:
Phòng chống muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài tay, quần dài hạn chế muỗi đốt. Dùng các biện pháp trừ khử muỗi như: vệ sinh môi trường sinh sống, dùng thuốc trừ muỗi…
Nếu có nuôi lợn, chuồng chăn nuôi, trang trại cần đặt xa nhà, có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt lợn vì lợn là nguồn súc vật mang mầm bệnh. Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi.
Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh…