Bé gái 2 tuổi phải đi cấp cứu do ăn thuốc diệt nấm vì tưởng là kẹo

Phạm Sinh

Phóng viên

Một bé gái 26 tháng tuổi đã phải đi cấp cứu do ăn nhầm thuốc diệt nấm vì tưởng đó là… kẹo.

Theo các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, BV Nhi Hà Nội, BV đã cấp cứu một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ngộ độc thuốc diệt nấm do sự sơ ý, chủ quan của phụ huynh.

Tại BV, các bác sĩ đã phải theo dõi chặt chẽ, truyền dịch và lợi tiểu cưỡng bức nhằm tăng đào thải chất độc cho một bệnh nhi. Các xét nghiệm chuyên sâu về chức năng tim và thần kinh được thực hiện ngay sau đó.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi ổn định, các chỉ số xét nghiệm trong giới hạn bình thường, không có dấu hiệu tổn thương tim hoặc thần kinh.

Tới ngày 10/7, trẻ được xuất viện.

Theo người nhà bệnh nhi, ngày phát hiện con gái hơn 2 tuổi cầm vỏ thuốc diệt nấm, miệng có dính chất màu trắng xung quanh, gia đình hốt hoảng, vội ôm bé đi cấp cứu tại một bệnh viện gần nhà. Tại đây bệnh nhi được rửa dạ dày và uống than hoạt tính, sau đó chuyển lên BV Nhi Hà Nội để theo dõi và điều trị chuyên sâu.

Gói thuốc được xác định là thuốc diệt nấm chứa hoạt chất Hexaconazole – một loại thuốc sinh học dạng lỏng, được đóng gói nhỏ như kẹo thạch, rất dễ khiến trẻ nhầm lẫn.

nm

Bệnh nhi 26 tháng tuổi bị ngộ độc thuốc diệt nấm – Ảnh BVCC

Theo các bác sĩ, dù là thuốc sinh học, Hexaconazole có thể gây ngộ độc ở trẻ nhỏ nếu uống nhầm với liều lượng lớn. Các triệu chứng ngộ độc được thể hiện như: nôn, buồn nôn, đau bụng, tổn thương cơ tim, ngộ độc thần kinh…

Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho loại chất này, nên xử trí chủ yếu dựa vào triệu chứng, hỗ trợ đào thải độc tố sớm nhất.

Từ vụ việc, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh tuyệt đối không để thuốc trừ sâu, diệt nấm, hóa chất… trong tầm với của trẻ nhỏ.

Đặc biệt, không lưu trữ các hóa chất trong chai lọ nước suối, hộp kẹo dễ gây hiểu lầm.

Đồng thời, luôn đóng kín và dán nhãn rõ ràng các loại thuốc, hóa chất trong nhà.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, khi phát hiện trẻ uống nhầm, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất, mang theo vỏ thuốc hoặc bao bì để bác sĩ có hướng xử trí đúng và kịp thời.

BÀI LIÊN QUAN