Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận
Ngày 15/5, UBND phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với cơ sở giữ trẻ gia đình do bà T.T.T.H (32 tuổi) làm chủ liên quan đến vụ việc bé gái hơn 2 tuổi bị chấn thương “vùng kín”, bầm tím nhiều nơi trên cơ thể khi gửi tại cơ sở này.
Trước đó, chiều 12/5 chị L.T.L (29 tuổi) khi tắm cho con gái là bé N.L.H.A (sinh tháng 11/2022) đã phát hiện bé có các dấu vết bầm trên mí mắt, thái dương, sống lưng và đặc biệt là vùng kín bị đỏ nghi là do cơ sở giữ trẻ nêu trên bạo hành nên đã trình báo Công an phường Mũi Né.
Sau đó, bé A được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận khám và được chẩn đoán “đụng dập cơ quan sinh dục ngoài, tổn thương lồng ngực”.
Hiện vụ việc đang được công an phường Mũi Né điều tra làm rõ theo thẩm quyền.
Liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ em tại các cơ sở giữ trẻ, trường mầm non đã có hàng loạt vụ việc bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chẳng hạn, vụ việc tại Trường mầm non Dương Đông (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) vào cuối tháng 3 vừa qua, khi camera nhà trường ghi lại cảnh nhiều cô giáo đánh vào vai, nhéo vào tai trẻ, thậm chí có cô giáo còn dùng cây vợt muỗi dí vào các em bắt xếp hàng ngay ngắn…
Liên quan đến vụ việc, UBND TP Phú Quốc quyết định kỷ luật Khiển trách với bà Nguyễn Thị H – Hiệu trưởng nhà trường do vi phạm trong tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ và buông lỏng công tác kiểm tra lớp học. Đồng thời, chậm trễ trong cung cấp thông tin, để xảy ra hành vi ứng xử không chuẩn mực của giáo viên như clip trích xuất từ camera lan truyền trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, bà N.T.B.T – Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng bị kỷ luật Khiển trách vì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát và xử lý thông tin chưa kịp thời, để xảy ra vi phạm trong đội ngũ giáo viên.
Bốn giáo viên T.T.H, N.H.N, L.T.X.Q và N.T.D.P cũng bị kỷ luật khiển trách do có hành vi ứng xử không phù hợp, vi phạm quy trình chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng dùng tay xách ngược một bé khoảng 1 tháng tuổi – ảnh: Thanh Niên
Nghiêm trọng hơn, trước đó vào tháng 9/2024 đã xảy ra vụ bạo hành gây chấn động dư luận tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP Hồ Chí Minh) khi báo chí phản ánh một bảo mẫu tên Tuyền làm việc tại mái ấm này đã có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ nhỏ đang được nuôi dưỡng ở đây…
Bên cạnh đó, người phụ nữ “ác quỷ” này đã dùng tay ném, lật úp trẻ lên nệm, quăng quật, đánh vào các bộ phận tay chân, bóp đầu, bóp miệng, tát, đấm liên tiếp vào trẻ nhỏ. Hay việc những bảo mẫu tại còn sử dụng chổi, tay, chân, chiếc muỗng (loại sử dụng múc canh) đe dọa, đánh các cháu, hoặc sử dụng dầu gió cho vào miệng của một số cháu bé…
Những hành vi mất nhân tính này được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp – chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12 – là bảo mẫu) về tội “Hành hạ người khác”.
Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cũng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 2 bảo mẫu Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và Diệp Ngọc Tuyền để điều tra về tội “Hành hạ người khác”.
Sau đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã đưa hơn 100 bé ở mái ấm này về các trung tâm bảo trợ trẻ em của TP để tiếp tục chăm sóc…
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em tại các cơ sở trông trẻ, trường mầm non?
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, không phải bất cứ ai cũng có thể tham gia giáo dục trẻ mầm non. Trong đó, về cơ bản phải hội đủ 2 yếu tố bao gồm: có lòng yêu mến trẻ và phải được đào tạo bài bản.
Đồng thời, ông Nhĩ cũng cho rằng, bất cứ nghề nào cũng có áp lực, việc lựa chọn là sự tự nguyện của mỗi cá nhân.
“Trông giữ trẻ cũng vậy, nếu làm thì giáo viên phải xem bản thân có đủ yêu mến trẻ không, thực sự yêu thì hãy quyết định. Khi đã quyết định, giáo viên phải tự học hỏi, nâng cao kiến thức, để có phương pháp giáo dục đúng đắn, không thể lấy lý do vì áp lực. Ngoài ra, đôi khi áp lực đến từ chính các cơ sở và giáo viên trông giữ trẻ. Đơn cử, như một người chỉ được giữ 3 – 5 trẻ thì phải thực hiện đúng như vậy, nhưng vì lợi nhuận mà một số trường hợp cơ sở trông giữ trẻ tư nhân bao nhiêu trẻ cũng nhận, áp lực sinh ra cũng là từ đó”. – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết.
Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam – Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), giáo viên mầm non đang quá tải vì phải đáp ứng nhiều yêu cầu từ cha mẹ, nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục… tuy nhiên lợi ích kinh tế lại chưa xứng đáng.
“Nhiều giáo viên cảm thấy ấm ức khi không được xã hội và phụ huynh tôn trọng. Hiện, lương giáo viên mầm non khoảng 4,9-14,93 triệu đồng một tháng, thấp nhất trong tất cả bậc học… Lý do nữa là năng lực sư phạm hạn chế, cộng với thiếu hiểu biết về tâm sinh lý độ tuổi khiến giáo viên không giải quyết được các tình huống phát sinh từ trẻ” – PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.
Đồng thời, có một nguyên nhân khác còn vì niềm tin “yêu cho roi cho vọt” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.
“Trong giáo dục trẻ, nhiều người vẫn tin rằng nếu trẻ không sợ mình, không sợ bị phạt thì không thể giáo dục được. Những niềm tin này làm nhiều người lớn tặc lưỡi khi trót bạo hành trẻ” – PGS.TS Trần Thành Nam cho biết thêm.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thị Thanh – Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương lại cho rằng, khâu tuyển dụng đầu vào, chủ yếu ở cơ sở tư thục nhỏ lẻ và nhóm lớp chưa đảm bảo…
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân như: Nhiều cơ sở nhận giữ trông trẻ tại nhà, không có phép nên không có sự giám sát từ cơ quan chức năng; Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của chính quyền địa phương đối với cơ sở trông trẻ này còn lỏng lẽo…
Cô giáo còn dùng cây vợt muỗi dí vào các em bắt xếp hàng ngay ngắn tại trường mầm non Dương Đông (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)
Trẻ bị bạo hành sẽ bị tổn thương như thế nào?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạo hành không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể xác mà còn gây chấn động về tinh thần, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Nó không chỉ ảnh hưởng xấu trong thời gian ngắn mà còn để lại di chứng suốt cuộc đời một con người.
“Đứa trẻ dễ lớn lên với những hoài nghi về lòng tốt của người khác và có thể sẽ hành xử theo cách chúng đã được đối xử. Về mặt cảm xúc, các em luôn lo lắng và hoảng sợ” – PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Về cơ bản, khi bị bạo hành trẻ dần trở nên nhút nhát, tự ti, dễ mắc phải các rối loạn stress, lo âu và trầm cảm. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể hình thành quan niệm sống lệch lạc, không tôn trọng người khác và cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình.
Tuy nhiên, biểu hiện cơ bản nhất khi hầu hết trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý với những biểu hiện thay đổi về nhiều mặt như:
Về thể chất, trẻ có biểu hiện cảnh giác quá mức, dễ giật mình, mệt mỏi, ngủ không yên giấc…
Về nhận thức, trẻ thường có những suy nghĩ và ký ức về sự kiện (dù không muốn), hình dung về sự kiện, gặp các cơn ác mộng, không tập trung và trí nhớ kém, mất định hướng.
Về hành vi, trẻ thường né tránh những địa điểm và hoạt động gợi nhớ đến sự kiện gây sang chấn, né tránh tiếp xúc hoặc cách ly về mặt xã hội, mất hứng thú trong các hoạt động thường nhật.
Về cảm xúc, trẻ thường sợ hãi, tê liệt hoặc tách rời, trầm cảm, tức giận, dễ bị kích động, lo âu và hoảng loạn.
Vấn đề sang chấn tâm lý do bạo hành ở trẻ còn để lại những tác động, hậu quả lâu dài khi trẻ có thể mất cân bằng giữa các kỹ năng xã hội, tình cảm và nhận thức, giảm khả năng ngôn ngữ, giảm sút về thị giác, lời nói và thính giác, tăng nguy cơ bị bệnh tim, ung thư, béo phì… Khi lớn lên, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như: bạo lực, hút thuốc, nghiện rượu và ma túy…
Giải pháp nào ngăn chặn tình trạng bạo hành tại các cơ sở giữ trẻ, trường mầm non?
Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài tăng cường giám sát, kiểm tra và thanh tra các cơ sở mầm non, các nhà quản lý cần tăng chế tài xử phạt, như cấm hành nghề vĩnh viễn với giáo viên bạo hành, rút giấy phép hoạt động của cơ sở vi phạm. Đặc biệt là truy cứu trách nhiệm hình sự khi cần thiết như một một biện pháp răn đe.
Bên cạnh đó, bắt buộc chủ cơ sở trông giữ trẻ ký các cam kết không có hành động bạo lực trong cơ sở của mình, cùng với việc bắt buộc phải lắp đặt camera kết nối với phụ huynh và cơ quan quản lý để giám sát.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải công khai số điện thoại, đường dây nóng bảo vệ trẻ em để người dân dễ dàng tiếp cận được với số điện thoại, đường dây nóng này để trình báo khi có hành vi bạo hành xảy ra. Đồng thời, khi nhận thông tin trình báo, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là cơ quan công an phải cử ngay lực lượng tiếp cận, xử lý, bất kể thời gian nào.
Cùng với đó, cần phải tăng cường các hoạt động giám sát của các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương song song với việc xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước nơi xảy ra sự việc.
Trẻ em là “tương lai” của Đất nước nên cần được nâng niu, bảo về – Ảnh minh họa
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, trong các vụ bạo hành trẻ mầm non, bên cạnh trách nhiệm của các giáo viên, chủ cơ sở trông giữ trẻ, còn cần quy trách nhiệm của cán bộ chính quyền địa phương. Về mặt pháp luật, cần đưa những vụ án như vậy xét xử lưu động, xem hành vi bạo hành với trẻ là tội ác, cần phải có bản án đủ sức răn đe.
Còn theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương – chuyên gia giáo dục độc lập tại Hà Nội lại khuyên các phụ huynh khi tìm cơ sở giáo dục mầm non cho con cần tìm hiểu thật kỹ về tính pháp lý của cơ sở đó, về bằng cấp của các giáo viên.
“Phụ huynh phải đến tận nơi thay vì chỉ tìm hiểu qua các hội nhóm, các phụ huynh khác vì mỗi đứa trẻ có đặc điểm khác nhau. Một đứa trẻ ngoan, tính cách bạo dạn, dễ hòa đồng có thể sẽ cảm thấy bình thường nhưng một em bé nhút nhát, hay khóc dễ tạo sự ức chế cho người giáo viên, đòi hỏi họ phải có sự kiên nhẫn lớn hơn” – bà Hương chia sẻ.
Được biết, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á đã ký Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Chúng ta cũng có nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em, có các cơ quan giám sát dân cử như HĐND, MTTQ Việt Nam các cấp…
Đặc biệt, năm 2016 Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em thay thế Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 thể hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.
Cùng với đó là hành chục văn bản pháp luật khác quy định về các vấn đề vừa nêu. Vì vậy, chúng ta không thiếu khuôn khổ pháp lý để bảo vệ trẻ em, điều quan trọng là chúng ta phải hành động như thế nào? Đó là câu hỏi cần sự chung tay của tất cả xã hội không riêng gì các cơ quan hành pháp, cơ quan giáo dục hay chính quyền địa phương…