Bàn thắng huyền thoại của Messi “sống lại” qua nghệ thuật AI

Chí Phú

Biên tập viên

Một bàn thắng đã làm nên tên tuổi Messi giờ đây được nghệ sĩ Refik Anadol biến thành tác phẩm nghệ thuật dữ liệu, mở ra cách mới để tưởng nhớ ký ức, cảm xúc và lan tỏa thiện nguyện.

Messi_Goal_AI_00

Giới nghệ thuật New York (Mỹ) những ngày này chứng kiến một cảnh tượng lạ thường. 

Ngay tại phòng đấu giá Christie’s nổi tiếng, nơi từng trưng bày các tác phẩm của Warhol hay Bourgeois, một khối kiến trúc kỹ thuật số cao gần 6 mét sừng sững xuất hiện. 

Công trình này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn giống như một cánh cửa xuyên thời gian, đưa khán giả trở lại một khoảnh khắc huyền thoại trên sân cỏ cách đây 16 năm.

Messi_Goal_AI_03

Đó là ngày 27 tháng 5 năm 2009, Lionel Messi khi ấy mới 22 tuổi, nhỏ con nhưng đầy nhiệt huyết, đã bật cao giữa hàng phòng ngự Manchester United và đánh đầu ghi bàn cho Barcelona trong trận chung kết Champions League. 

“Tôi chỉ nhảy lên và chạm bóng như bao lần khác, nhưng nó lại thành bàn thắng. Đơn giản vậy thôi”, Messi kể lại. 

Pha lập công không cầu kỳ ấy đã mang về chiếc cúp châu Âu thứ ba cho Barcelona và mở ra triều đại vĩ đại bậc nhất lịch sử câu lạc bộ.

Huyền thoại bóng đá Lionel Messi (trái) và nghệ sĩ truyền thông Refik Anadol đang hợp tác thực hiện một tác phẩm nghệ thuật sẽ được Christie’s đấu giá để gây quỹ từ thiện.
Huyền thoại bóng đá Lionel Messi (trái) và nghệ sĩ truyền thông Refik Anadol đang hợp tác thực hiện một tác phẩm nghệ thuật sẽ được Christie’s đấu giá để gây quỹ từ thiện.

Nhiều năm qua, Messi vẫn ngần ngại nói về “bàn thắng đẹp nhất” của mình. 

Nhưng lần này, anh đã chọn bàn thắng ấy để chia sẻ cùng dự án của nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Refik Anadol, biến nó thành tác phẩm số đặc biệt, bán đấu giá gây quỹ cho UNICEF nhằm hỗ trợ giáo dục trẻ em ở Mỹ Latinh và Caribe.

Trong khi đó, nghệ sĩ Anadol vốn không phải người yêu bóng đá. Thuở bé ở Istanbul, ông chỉ thỉnh thoảng xem Beşiktaş đá derby cùng chú mình. Nhưng Messi thì lại khác. 

“Messi không chỉ là cầu thủ, cậu ấy điều khiển không gian và thời gian bằng cách mà dữ liệu cũng khó lòng mô tả nổi. Tôi vẽ bằng dữ liệu, còn Messi vẽ bằng chuyển động”, Anadol nói.

Empty
Empty

Dự án này không đơn thuần tái hiện bàn thắng. Anadol cùng nhóm kỹ sư đã lấy dữ liệu trận đấu từ UEFA, video, thông số di chuyển cầu thủ rồi dùng AI tái dựng toàn bộ khoảnh khắc đó thành hình khối ba chiều. 

Họ thậm chí còn phân tích biểu cảm, giọng nói Messi trong cuộc phỏng vấn dài tám phút để tạo nên “cảnh quan ký ức âm thanh”, phối trộn nhịp tim Messi, tiếng hò reo sân vận động và lời bình luận.

“Khi bước vào không gian ấy, bạn không chỉ xem lại bàn thắng. Bạn bước vào chính ký ức của Messi, nơi tường, sàn, trần đều là bức tranh sống động phủ đầy cảm xúc của anh”, Anadol chia sẻ.

Empty
Empty

Nhưng ý nghĩa lớn hơn nằm ở chỗ đây là dự án giao thoa giữa thể thao và nghệ thuật. Không còn là chuyện riêng của cầu thủ hay họa sĩ. Nó cho thấy nghệ thuật số có thể trở thành cầu nối để tôn vinh những khoảnh khắc tưởng chừng thoáng qua nhưng làm thay đổi cuộc đời con người, đồng thời tạo giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Buổi đấu giá diễn ra trực tuyến trên Christie’s từ nay đến ngày 22 tháng 7, nhằm bán chính tác phẩm tái hiện bàn thắng của Messi nhờ AI này. Toàn bộ số tiền thu được sẽ trao cho Quỹ Inter Miami hợp tác cùng UNICEF để mở rộng chương trình giáo dục cho trẻ em ở Argentina, Mexico, El Salvador, Honduras và Haiti.

“Đây không phải chỉ là dự án của tôi với Messi. Nó là cuộc đối thoại giữa hai thế giới thể thao và nghệ thuật, để cùng làm điều tốt đẹp hơn”, Anadol nói.

Với Refik Anadol, đó cũng là cách để chứng minh công nghệ không hủy hoại xúc cảm con người mà ngược lại, có thể trở thành công cụ gìn giữ và nhân rộng những ký ức quý giá.

BÀI LIÊN QUAN