AI thống trị âm nhạc: Ban nhạc ảo chạm mốc triệu lượt nghe

Chí Phú

Biên tập viên

AI thống trị âm nhạc khi ban nhạc ảo The Velvet Sundown đạt hơn 1 triệu người nghe, làm dấy lên tranh cãi về quyền tác giả và sáng tạo.

the-velvet-sundown1

Nhóm nhạc mang tên The Velvet Sundown, được gán mác psych-rock, gần như không ai biết đến cách đây vài tuần. Thế nhưng, giờ đây họ đã sở hữu hơn một triệu người nghe hằng tháng trên Spotify. 

Thành tích này không phải đến từ các tour diễn hay những video hậu trường hào nhoáng, mà tất cả đều bắt nguồn từ AI.

Ban nhạc này cho ra mắt hai album chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, và nhanh chóng công bố album thứ ba. 

the-velvet-sundown3

Các bài đăng trên Instagram của họ bị nghi ngờ là ảnh AI. Tên các thành viên ban nhạc, gồm: Gabe Farrow, Lennie West, Milo Rains và Orion “Rio” Del Mar, chỉ xuất hiện trên tài khoản mới lập gần đây, không có hồ sơ nào xác thực ngoài mạng xã hội. 

Ngay cả trong phần mô tả trên Deezer, The Velvet Sundown cũng ghi rõ: “Một số bản nhạc trong album này có thể đã được tạo bằng trí tuệ nhân tạo”.

the-velvet-sundown2

Sự phát triển thần tốc của họ đã thu hút vô số sự chú ý. Sau nhiều đồn đoán, chính người điều hành đã xác nhận trên Spotify: “The Velvet Sundown là dự án âm nhạc tổng hợp, được định hướng sáng tạo bởi con người và sáng tác, phối khí, hình ảnh hoá với sự hỗ trợ của AI. Đây không phải là trò lừa, mà là tấm gương phản chiếu. Một thí nghiệm nghệ thuật liên tục nhằm thách thức ranh giới quyền tác giả, bản sắc và tương lai âm nhạc trong kỷ nguyên AI”.

Điều này khiến không ít người cảm thấy bất an. Ở Hàn Quốc, Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc KOMCA đã yêu cầu các nghệ sĩ phải khai báo nếu có dùng AI. Những ca khúc dùng AI sẽ không được đăng ký bản quyền, nếu gian dối có thể bị tạm ngừng trả nhuận bút hoặc gỡ bỏ. 

KOMCA

Tương tự, hơn 200 nghệ sĩ lớn, từ Stevie Wonder đến Billie Eilish, đã ký vào thư ngỏ phản đối AI, cảnh báo: “AI sẽ phá hoại sự sáng tạo, làm mất giá trị tác phẩm và ngăn chặn nghệ sĩ được trả công xứng đáng”.

Sự bùng nổ của công nghệ AI với chi phí thấp, dễ tiếp cận và khả năng xử lý mạnh mẽ đã mở ra một kỷ nguyên mới, nơi chỉ cần vài công cụ là có thể tạo ra trọn vẹn một album mà không cần đến phòng thu đắt đỏ hay các hợp đồng ràng buộc. 

Thực tế này phần nào phơi bày tình trạng khó khăn trong ngành công nghiệp âm nhạc. Doanh thu từ streaming vốn đã thấp, nay nghệ sĩ còn phải đối mặt với nguy cơ bị chính các sản phẩm do máy móc tạo ra lấn át và thay thế.

Xu hướng dùng AI để sản xuất âm nhạc không còn là những thử nghiệm đơn lẻ mà đã thâm nhập sâu vào thị trường. Các playlist nổi tiếng trên Spotify như “All New Rock” hay “Feel Good Morning” vô tình đưa các ca khúc do AI sáng tác tiếp cận đến hàng triệu người nghe mà họ không hề hay biết, làm lu mờ ranh giới giữa tác phẩm của con người và sản phẩm nhân tạo.

Giữa bối cảnh đó, việc minh bạch thông tin về nguồn gốc, vai trò của AI trong quá trình sáng tác, cũng như các quy định bản quyền mới trở thành yếu tố then chốt để bảo vệ giá trị sáng tạo thực sự. 

AI hoàn toàn có thể mở rộng biên giới nghệ thuật, nhưng cũng cần được kiểm soát hợp lý để không trở thành công cụ làm xói mòn công sức và tâm huyết của những nghệ sĩ chân chính. 

Khi sự rõ ràng được đặt lên hàng đầu, âm nhạc mới có thể được thưởng thức một cách trọn vẹn, với sự trân trọng dành cho người tạo ra nó, dù đó là con người hay máy móc.

BÀI LIÊN QUAN